An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã trở thành một vấn đề trọng tâm của các nước mới nổi lên ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam. | |
Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập rất nhiều đến các vấn đề sức khỏe cộng đồng (cúm gia cầm, dịch tả, tồn dư kháng sinh, …). Rất nhiều ca ngộ độc thực phẩm đã được phát hiện. Theo WHO, các con số thống kê nầy còn thấp hơn so với thực tế rất nhiều. Chính điều nầy đã nâng cao nhận thức của các nhà chức trách và người tiêu dùng.
Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào năm 2006, đồng thời có nghĩa vụ phải thực hiện các cam kết SPS sẽ có những tác động đáng kể đối với việc quản lý an toàn thực phẩm các ngành hàng chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm động vật. Các thỏa thuận về biện pháp vệ sinh và bảo vệ thực vật dẫn đến sự phát triển các nghiên cứu dựa trên việc phân tích nguy cơ và một hệ thống giám sát y tế có khả năng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đó là:
- Đánh giá sự nguy hiểm về vi sinh học hay hóa học trong các thực phẩm có nguồn gốc động thực vật, đồng thời ưu tiên cho sức khỏe cộng đồng và đánh giá các nguy cơ đối với người tiêu dùng.
- Xác định các yếu tố nguy cơ dẫn đến các mối nguy hiểm ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất.
- Đề xuất các cách thức kiểm tra dựa trên việc thực hành tốt (BPA, PBH, GAP, GMP, HCCP…), đồng thời quan tâm đến tình hình kinh tế và các ràng buộc về văn hóa và xã hội.
Sau đây chúng tôi xin nêu một số vấn đề cần quan tâm về sản xuất nông sản đạt các tiêu chuẩn về ATVSTP để nhà doanh nghiệp (nhà sản xuất), bà con nông dân và người tiêu dùng tham khảo.
I. Thực trạng sản xuất nông sản trong thời gian qua
- Tuy có nhiều điểm đặc thù riêng của ngành nông nghiệp, nhưng giống như các sản phẩm công nghiệp, chất lượng nông phẩm hàng hóa cũng tùy thuộc vào quy trình công nghệ sản xuất ra chúng. Xu hướng quản lý chất lượng hiện đại tập trung vào việc giám sát chặt chẽ quy trình công nghệ hơn là kiểm sóa chất lượng của từng sản phẩm ở đầu ra. Để có thể sản xuất thành công các loại nông sản thực sự an toàn, có lẽ yếu tố tiên quyết là phải có quy trình sản xuất được xây dựng tốt để loại trừ khả năng dẫn đến rủi ro làm xuất hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn ATVSTP.
- Loại nông sản nào lưu hành trên thị trường có kèm theo công bố về tiêu chuẩn ATVSTP cùng với phần thuyết minh đặc điểm của quy trình sản xuất, là tiền đề để đạt tiêu chuẩn công bố. Việc doanh nghiệp kinh doanh nông sản đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp với khách hàng về tiêu chuẩn ATVSTP có lẽ là một yếu tố không thể thiếu để tạo niềm vui và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng trong nước, đồng thời từng bước tạo lập chỗ đứng cho nông phẩm Việt Nam trên trường quốc tế.
- Bản công bố “phẩm cấp và các mức tiêu chuẩn về ATVSTP” của doanh ngiệp thường dựa trên cơ sở tham chiếu tiêu chuẩn WHO/FAO, có cân nhắc đến việc sản xuất các nông sản có mức tiêu chuẩn ATVSTP cao hơn để phù hợp với thể trạng và cơ cấu bửa ăn của con người theo từng khu vực nhằm giảm thiểu nguy cơ ngộ độc do tích lũy từng lượng nhỏ độc chất tồn lưu trong nông sản dùng hàng ngày.
Một thực trạng đáng quan tâm là hóa học hóa ngành nông nghiệp - sử dụng các hóa chất trong trồng trọt và chăn nuôi - nhằm mục đích nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, nhưng cũng phải đảm bảo sự cân bằng của hệ sinh thái và bảo vệ sức khỏe người dân. Để đạt được mục đích nầy, nhiệm vụ đặt ra cho hóa học trong nông nghiệp phải được giải quyết trong mối quan hệ mật thiết và khăng khích với sinh học và phù hợp với quy luật của tự nhiên. Như bên cạnh những thành tựu cơ bản có ý nghĩa chiến lược, quá trình hóa học ngành nông nghiệp cũng đã gây nhiều điều bất lợi, đặc biệt là sự vi phạm độ an toàn và vệ sinh của nông sản, sự nhiễm bẩn của môi trường và mất tính ổn định của hệ sinh thái. Sự lạm dụng phân hóa học là một sự can thiệp thô bạo vào chu trình tuần hoàn tự nhiên của các chất. Cây trồng sử dụng không hết lượng phân đạm đã bón và lượng phân đạm dư thừa sẽ bốc hơi vào không khí hoặc bị rửa trôi từ đất xuống hồ ao, sông rạch, làm nhiễm bẩn nguồn nước giết chết các loài thủy sinh, đầu độc chim muông và các động vật máu nóng.
Các hợp chất Nitơ, đặc biệt là Nitrat, gây nguy hại cho sức khỏe con người khi nó tồn tại trong lương thực và thực phẩm cũng như ở trong nước uống.
Điều cần nhấn mạnh là sự tồn dư các hóa chất (phân bón và thuốc trừ sâu hóa học) trong các loại nông sản ở nước ta là quá cao, vượt quá mức quy định của nhà nước. Việc giải quyết vấn đề nầy không những có ý nghĩa về mặt KHCN mà cả về KT - XH và NV, nhất là đối với thể lực và trí tuệ các thế hệ mai sau.
II. Quan điểm về nông sản ATVSTP
1. Đối với nông sản nói chung
- Đầu vào của quá trình sản xuất nông sản có yếu tố gây nhiễm bẩn nào đó thuộc phạm vi quy định của nhà quản lý.
- Ở đầu ra, nông sản tồn dư một lượng yếu tố nhiễm bẩn phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Đối với rau
Ở Việt Nam, rau thường do các nông hộ sản xuất nên việc giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa hoc theo nguyên Tắc “ 4 đúng” là rất khó; nhất là trong tình huống sâu thì kháng thuốc đời cũ, mua thuốc đời mới thì nông dân lại thiếu tiền, thêm nữa để lượng độc chất phân hủy đến mức an toàn, chúng ta yêu cầu nông dân “cách ly” thì nông dân có thể cách ly được, nhưng rau quả già lứa thì bán không được. Do đó, “4 đúng” + “cách ly” = không khả thi.
Để khỏi năn nỉ nông dân làm điều không khả thi ấy, có lẽ chúng ta cần trao vào tay nông dân thuốc trừ sâu không độc, không cần cách ly, rẽ tiền, dễ sử dụng, phòng trừ sâu hiệu quả… Những hiểu biết gần đây về các biện pháp đấu tranh sinh học bảo vệ mùa màng, đặc biệt là công nghệ vi sinh vật đã giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất thành công những loại thuốc trừ sâu vi sinh kiểu mới, hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu đã nêu, giúp cho việc sản xuất rau dễ dàng đạt mức ATVSTP cao là sạch thuốc trừ sâu hóa học. Tuy nhiên, việc triệt để không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học trong sản xuất rau hiện còn gặp nhiều khó khăn nên yêu cầu sử dụng thuốc hóa học thuộc danh mục nhà nước cho phép và áp dụng thời gian cách ly theo đúng quy định của nhà sản xuất kết hợp với quy trình GAP là có thể cho ra sản phẩm rau an toàn đạt tiêu chuẩn cho phép.
III. Kiến nghị
Từ thực trạng và quan điểm trên, để góp phần tăng cường sức mạnh cạnh tranh quốc tế của nông sản Việt Nam trong hội nhập kinh tế toàn cầu, kiến nghị:
- Thường xuyên cập nhật kiến thức sinh học, bảo vệ thực vật cho cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và nông dân trên quy mô cả nước. Tăng cường nâng cao kiến thức cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng.
- Cần tiến hành xã hội hóa vấn đề ATVSTP, coi đây là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân.
- Phổ biến kiến thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và các tiêu chuẩn quy định về ATVSTP đối với sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
- Pháp luật về BVTV và chất lượng hàng hóa phải trở thành một hành lang pháp lý thực sự cho sản xuất và kinh doanh nông sản.
- Cần xử phạt thích đáng các cá nhân và doanh nghiệp vì lợi ích bất chính đã cố ý sử dụng những hóa chất không được phép trong sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh.
- Các nhà khoa học cần quan tâm đến các giải pháp:
+ Nghiên cứu vệc khai thác nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng của đất nước nhằm tạo ra chế phẩm thiên nhiên an toàn, ví dụ như các loại sắc tố carotenoid, an thocyan (thay thế phẩm màu tổng hợp), chitosan từ vỏ tôm (thay thế hàn the),…
+ Nghiên cứu tạo ra các kid kiểm tra nhanh tại hiện trường tại các chợ đầu mối…
+ Tiến hành các đợt tập huấn, phổ biến các quy trình sản xuất đảm bảo đạt tiêu chuẩn ATVSTP và truy nguyên nguồn gốc cho cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và đại bộ phận bà con nông dân.
- Cuối cùng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để nông dân sản xuất nông sản theo quy định an toàn và dễ dàng truy xuất nguồn gốc theo quy trình GlobalGAP hoặc VietGap, để nông dân quen dần với mô hình sản xuất tiên tiến nhằm tạo ra nhiều sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài./.