Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hơn một thập niên cây bàng vuông bén rễ Trên đất tiền giang
(Ngày đăng: 11/05/2022)

Mở đầu: Trong những năm từ 2010 đến 2012 hưởng ứng các phong trào “Hướng về biển đảo quê hương” do Nhà nước và các tổ chức, đoàn thể phát động, Sở Giáo dục Đào tạo Tiền Giang đã có nhiều hoạt động tích cực phát huy lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn ngành. Trên tinh thần đó, Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục Tiền Giang đã huy động, tìm kiếm các nguồn cây con, hạt giống cây bàng vuông để trồng trong các khuôn viên cơ quan, trường học với ý nghĩa xem đó như một biểu tượng về trách nhiệm và tình yêu đối với biển đảo quê hương của mỗi cơ quan, trường học. Đây cũng là một hoạt động thiết thực hướng về biển đảo.
Hoa và trái bàng vuông (nguồn Internet)


          Đến nay ở nhiều trường học, cơ quan, cây bàng đã cao lớn có bóng mát, hoa trái vừa điểm tô cho khuôn viên, sân trường thêm tươi đẹp vừa khắc sâu ý nghĩa hướng về chủ quyền biển đảo.


         
1. Vài nét về cây bàng vuông:


          Cây bàng vuông có tên khoa học là Barringtonia Asiatica là loại cây thân mộc thuộc họ chiếc (Lecythidaceae) cùng họ với cây lộc vừng (Barringtonia). Gọi là cây bàng vuông vì trái của nó có hình khối vuông có khía như trái bí nên còn gọi là cây bàng bí.


          Người ta thường thấy cây bàng vuông mọc ở vùng ven biển, đảo nhiệt đới ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Cây bàng vuông mọc nhiều ở Fizi, Philippine, Đài Loan, New Caledonia, Việt Nam…

 

Trái bàng vuông bổ đôi (nguồn Internet)


          Ở Việt Nam, cây bàng vuông có mặt ở đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu và trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Cây bàng vuông là cây quý hiếm nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ.


          Sâu trong đất liền Việt Nam không có cây bàng vuông chỉ có một vài loại cây bàng như:


          - Cây bàng nhớt, thường được trồng ở đường phố, công viên, trường học nhưng khác họ với cây bàng vuông.Trái có nhân ăn được.


          - Cây bàng gai, cây có nhiều gai mọc chi chít trên thân như da cá sấu, thường mọc hoang dại những nơi ẩm thấp. Một số nơi có người trồng để lấy gỗ vì gỗ mịn, tốt.


          Như vậy, ở Việt Nam cây bàng vuông là cây đặc hữu của vùng biển đảo. Vì vậy có nhiều người gọi cây bàng vuông là cây bàng biển (biển Đông) hoặc cây bàng Trường Sa nghe rất đổi thân thương. Cây bàng vuông vì vậy là một biểu tượng của biển đảo Việt Nam trên vùng biển Đông.

 

Ông Phạm Văn Khanh (thứ 2 từ trái qua) tặng cây bàng vuông

cho Trường THPT Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây.


          Trong các năm từ 2010 đến 2013 cán bộ, nhân viên của Sở Giáo dục, Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục Tiền Giang đã sưu tập hạt, cây giống từ huyện đảo Trường Sa, Lý Sơn được 200 cây giống, đã phân phối 150 cây cho các trường học và một số cơ quan trong tỉnh, phân phối 50 cây cho Sở Giáo dục các tỉnh bạn Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Đặc biệt đồng chí Nguyễn Văn Thuân Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa đã gửi tặng 20 cây bàng cho Tiền Giang đem về từ Trường Sa. Có một số cán bộ, viên chức mang cây bàng về trồng ở nhà mình. Đến nay, các cây bàng được trồng, chăm sóc tốt đã trở thành cây bóng mát, cây cảnh và là “cây biểu tượng” trong khuôn viên, sân trường. Hằng ngày đến trường khi đi ngang qua cây bàng “Trường Sa” hoặc tham dự các buổi sinh hoạt dưới cờ, giáo viên, học sinh sẽ ghi được một cảm nhận mới về chủ quyền và tình yêu biển đảo. Mười năm qua, những cây bàng có bông trái sớm là từ những năm 2015 như ở Trường T.42, Trường tiểu học Thiên Hộ Dương, Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút… Trường THCS Hòa Hưng, Cái Bè đã trồng 4 cây trong sân trường nay đã cao lớn vừa có hoa, trái, bóng mát vừa là biểu tượng co tình yêu biển đảo cũa thầy, cô, học sinh. Những cây có bông trái trong thời gian gần đây như ở Trường Cao đẳng Y tế, Trường THPT Chuyên, Nhà Văn hóa UBND xã An Hữu, Cái Bè… Từ đây về sau, những trường học nào muốn trồng cây bàng chỉ cần quan hệ với những trường đang có cây bàng vuông để nhân giống.


         
2. Nhân giống cây bàng vuông


          Theo nhiều tài liệu, cây bàng vuông thân gỗ cao từ 7 đến 25m, đường kính từ 30-50cm sống rất lâu, chịu được các điều kiện khắc nghiệt. Bông bàng nở vào ban đêm, đó là bông lưỡng tính. Mùa bông nở rộ vào dịp xuân - hè từ tháng 3 đến tháng 5. Trái bàng có đường kính từ 9 đến 11cm, cao 10-15cm, có 4 hoặc 5 cạnh vuông. Trái bàng xốp, nhẹ, bên trong lõi có hạt màu trắng sữa hình bầu dục to bằng trứng gà. Khoảng tháng 10 đến tháng 12 trái bàng sẽ già, khô dần chuyển từ màu xanh qua màu vàng rơm rồi rụng xuống. Nếu rơi xuống nước, trái bàng sẽ phát tán qua môi trường nước. Nếu rụng xuống mặt đất, sau 10 đến 12 tháng trái sẽ nẩy mầm mọc trên mặt đất. Có 2 cách cơ bản để nhân giống cây bàng vuông.

 

Bông và trái bàng vuông ở Trường CĐY tế Tiền Giang

do TS.BS. Nguyễn Hùng Vĩ Hiệu trưởng nhà trường gửi đến tác giả bài viết.


          2.1. Chiết cành: Chọn một nhánh bàng tươi tốt to bằng ngón chân cái người lớn, dùng dao bén lột bỏ một khoảng da cây khoảng 3-4cm, cạo sạch nhớt nơi tiếp giáp da và gỗ nơi mới lột xong. Dùng giá môi phù hợp (Rễ lục bình, đất sạch, tro trấu hoai, mục…) bọc chặt lại giá môi vào cành chiết bằng dây và bao nylon. Trong môi trường nóng, ẩm khỏang từ 1,5 đến 2 tháng rễ cây sẽ mọc ra. Một tháng sau có thể cắt rời nhánh ra và trồng được.


          2.2. Ươm hạt bàng: Chọn trái bàng khô, bình thường, cắt bỏ hai phần bên trên, bên dưới trái bàng không chạm hạt bàng bên trong. Đem trái bàng sau khi cắt vào nơi ươm sao cho cuống bàng hướng về phía trên. Đất ươm tơi xốp, thoát nước (có thể là đất phù sa, tro trấu, muội dừa, cát hạt to mỗi ngày tưới một lần bằng nước ngọt). Sau 2-3 tháng hạt bàng sẽ nảy mầm. Hạt bàng là hạt đa phôi, mỗi hạt có thể nảy mầm từ 1 đến 5 chồi. Nhưng đa phần mỗi hạt bàng cho một cây con. Khi cây bàng cao từ 0,5 đến 1m thì có thể trồng được.

 

TS. Phạm Văn Khanh - Trần Thị Kiều Trang
Tin liên quan