Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hiệp Đức (huyện Cai Lậy) bị địch liệt vào vùng trắng, oanh kích tự do. Để tránh bom đạn quân thù, nhân dân nơi đây phải tản cư, chạy giặc, tản lạc khắp nơi kiếm sống; một bộ phận trai tráng tham gia cách mạng, theo Đảng và Bác đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. | |
Đường về Hiệp Đức hôm nay |
Những năm đầu tiên hòa bình lập lại, Hiệp Đức cũng bị xếp vào diện xã nghèo khó bậc nhất tỉnh Tiền Giang. Thuần nông, trồng lúa độc canh, kinh tế nông nghiệp chủ yếu dạng tự túc, tự cấp, ngành nghề chưa phát triển, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề…là những yếu tố cản trở quá trình đi lên của địa phương trong một thời gian dài.
Thế nhưng, 47 năm sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Hiệp Đức thay da đổi thịt và giàu đẹp lên đến không ngờ. Xã vượt lên, được công nhận nằm trong tốp đầu về xây dựng nông thôn mới theo chuẩn quốc gia ở huyện Cai Lậy. Năm 2018, xã xây dựng thành công và ra mắt xã nông thôn mới. Năm 2021, Hiệp Đức tiếp tục đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và đang ra sức phấn đấu đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023.
Thành công vượt ngoài mong đợi đó là nhờ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả chiến tranh, phát huy tốt tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề để phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là xây dựng những vùng sản xuất chuyên canh cây trồng đặc sản trên miền đất khó năm xưa gắn với chung sức xây dựng nông thôn mới đẹp giàu theo chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Đức Phạm Văn Sang, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nông thôn, địa phương xác lập nền nông nghiệp hàng hóa đồng thời với mở mang thương mại, dịch vụ và ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Song song đó, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đầu tư kiện toàn cơ sờ vật chất hạ tầng giao thông – thủy lợi, kết nối giao thương và tạo động lực xây dựng nông thôn mới thành công.
Xã có trên 858 ha đất sản xuất nông nghiệp thì đã xây dựng được vùng trồng sầu riêng đặc sản hướng đến xuất khẩu gần 700 ha, trên 100 ha mít Thái siêu sớm. Chăn nuôi phát triển với nhiều đối tượng vật nuôi có giá trị như: bò, dê, lợn, gà, vịt,…
Thương mại – dịch vụ và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khởi sắc với gần 50 cơ sở sản xuất – kinh doanh đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội một cách bền vững, tạo diện mạo mới cho địa bàn nông thôn sâu xa trước đây. Chợ Hiệp Đức có hàng trăm hộ tiểu thương lớn nhỏ, quanh năm buôn bán tấp nập, nhộn nhịp, đang dần trở thành một trong những trung tâm giao thương phồn thịnh phía Tây Nam huyện Cai Lậy hôm nay. Tất cả đã tạo nên một sức mạnh tổng lực đưa Hiệp Đức đi lên trong giai đoạn mới.
Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Đức Phạm Văn Sang cho biết, cùng với vận động phát triển sản xuất đúng định hướng, địa phương cũng có nhiều giải pháp giúp bà con nâng cao thu nhập thông qua phối hợp cùng ngân hàng, các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai cho vay ngắn hạn, trung hạn, trợ vốn ưu đãi trong khuôn khổ các chương trình cải tạo vườn tạp, giới thiệu việc làm, vay xuất khẩu lao động, mở mang kinh doanh buôn bán…Nhờ đó, giúp Hiệp Đức nâng thu nhập bình quân đầu người toàn xã lên gần 65,3 triệu đồng/ người/ năm, tăng hơn khoảng 22 triệu đồng so với thời điểm 2018, khi xã được công nhận và ra mắt xã nông thôn mới cách đây ba năm đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống chì còn 1,6% mà thôi.
Lãnh đạo xã Hiệp Đức khẳng định, kinh tế phát triển, đời sống người dân cải thiện, giảm nghèo nông thôn cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức của mọi tầng lớp nhân dân là những yếu tố quyết định công cuộc xây dựng nông thôn mới thành công tại miền đất khó Hiệp Đức hôm nay. Đặc biệt là giúp xã rút ngắn quãng đường xây dựng xã nông thôn mới đến xã nông thôn mới nâng cao và tiến tới xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai. Cụ thể, nếu năm 2018, Hiệp Đức được công nhận đạt và ra mắt xã nông thôn mới thì chỉ ba năm sau, đến năm 2021, xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Đáng chú ý, nhân dân đóng vai trò chủ thể, đã góp phần hết sức quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở Hiệp Đức. Theo UBND xã Hiệp Đức, địa phương huy động trên 35,4 tỷ đồng xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Trong đó, nguồn lực nhân dân đóng góp trên 19,6 tỷ đồng, chiếm đến trên 55% tổng nguồn vốn đầu tư.
Về thăm Hiệp Đức dịp kỷ niệm 47 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ai cũng hết sức xúc động khi nghe kể về những tấm gương đi đầu chung sức xây dựng nông thôn mới trên quê hương mình. Từ các đồng chí trong cấp ủy, UBND, cán bộ, đảng viên cho đến những người nông dân quanh năm tay lấm chân bùn. Mỗi người, với vai trò, trách nhiệm và khả năng của mình, cùng góp sức công, sức của vì sự đổi mới quê hương và thành công chương trình nông thôn mới.
Nổi bật là phong trào hiến đất làm đường đầy khí thế của nhân dân xã Hiệp Đức trong thời gian vừa qua. Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hiền, cư ngụ tại ấp Hiệp Ngãi, xã Hiệp Đức hiến thửa đất bề ngang 4 m và dài 80 m có diện tích 320 m2 để địa phương làm tuyến đường Bắc rạch Bà Xã theo chuẩn nông thôn mới nâng cao vui vẻ cho biết: “Xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Cùng với hiến quỹ đất, gia đình tôi sẵn sàng di dời nhà cửa, vật kiến trúc, đóng góp ngày công phát triển giao thông nông thôn”. Ông Nguyễn Ngọc Hiền là tấm gương đi đầu nêu gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong việc hưởng ứng cùng chung sức kiến thiết hạ tầng nông thôn mới tại địa phương.
Bà Trẩn Thị Hồng Vân, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Hiệp Ngãi, xã Hiệp Đức nêu gương hiến khoảng 700 m2 đất trồng cây ăn quả đặc sản để địa phương có quỹ đất thi công đường Bắc rạch Bà Gòn. Đồng thời, bà cũng phát huy vai trò cán bộ mặt trận tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong xóm ấp cùng chung sức xây dựng nông thôn mới trên quê hương mình bằng những hành động thiết thực. Kết quả, 235 hộ dân trong ấp Hiệp Ngãi cùng đồng thuận hiến quỹ đất làm hai tuyến đường nông thôn mới là Bắc rạch Bà Xã và Bắc rạch Bà Gòn, góp công của bắc 2 cầu nông thôn kiên cố trị giá đầu tư hàng tỷ đồng, tạo thuận lợi cho sự giao thương, đi lại của nhân dân quanh năm.
Ngày nay, đường về Hiệp Đức không còn gian nan, vất vả, chia cắt bởi sông rạch chằng chịt như mạng nhện, lầy lội vào mùa mưa, bụi mù vào mùa nắng như trước nữa. Hiện tại, 100% tuyến đường nông thôn đều được trải nhựa hoặc cơ bản bê tông hóa thuận lợi cho giao thương không chỉ giữa các xóm ấp mà còn kết nối liên ấp, liên xã và liên vùng, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của một vùng đất.
Hơn thế, chính những con đường “ý Đảng, lòng dân” đã làm sáng thêm bài học đạo đức mà Bác Hồ từng dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong” . Chính nhở áp dụng và phát huy bài học ấy đã đưa Hiệp Đức đến thành công rực rỡ trong công tác xây dựng xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, là động lực để địa phương vững bước tiến tới đạt mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai không còn xa nữa./.