Đề tài “Xác định nhu cầu phục hồi chức năng trẻ khuyết tật và mô hình quản lý trẻ khuyết tật tại tỉnh Tiền Giang” của Thạc sĩ Võ Văn Tân, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Dược, Sở Y tế Tiền Giang. Đề tài này đoạt giải Ba, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV và giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ XVII, năm 2020 – 2021. | |
ThS. Võ Văn Tân (bìa trái) tại Lễ trao giải Hội thi STKT tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV |
Theo Thạc sĩ Võ Văn Tân, đề tàiđược triển khai nhằm giúp cho ngành y tế có cơ sở dữ liệu để xây dựng kế hoạch hỗ trợ và đề xuất mô hình quản lý trẻ khuyết tật tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là trẻ khuyết tật dưới 16 tuổi (có năm sinh từ 2004 đến 2019) hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Các phương pháp nghiên cứu được tác giả trong quá trình triển khai đề tài là tiến cứu, can thiệp cộng đồng, gồm các bước như sau:
(1) Tuyển chọn điều tra viên; (2) Đào tạo, tập huấn; (3) Điều tra tại cộng đồng; (4) Hướng dẫn tập luyện cho trẻ khuyết tật đối với các trường hợp trẻ có khả năng tự tập luyện và hướng dẫn phụ huynh kỹ năng hỗ trợ tập luyện cho trẻ để phục hồi chức năng; (5) Cải tiến mô hình quản lý, phục hồi chức năng để hòa nhập cộng đồng phù hợp cho trẻ khuyết tật.
Để tiến hành nghiên cứu một cách khách quan, khoa học, tác giả chọn ngẫu nhiên 30 cụm xã thuộc 11 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh và tiến hành điều tra (phỏng vấn, quan sát, ghi nhận hồ sơ). Qua đó, có 1.022 trẻ được phát hiện mắc các dạng khuyết tật theo tiêu chuẩn xác định khuyết tật của Bộ Y tế.
Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất mô hình quản lý trẻ khuyết tậtvà giải pháp để trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng như sau:
Đề xuất mô hình quản lý trẻ khuyết tật
Tại Tiền Giang, hiện tại chưa có mô hình quản lý trẻ khuyết tật để giúp trẻ có cơ hội hòa nhập cộng đồng trong điều kiện sức khỏe của trẻ. Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu nêu trên, có trên 74% trẻ khuyết tật cần sự trợ giúp về vận động và hơn 50% trẻ có nhu cầu được đi học như những trẻ bình thường khác.
Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình hoạt động hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Tùy theo mức độ, dạng khuyết tật và nhóm tuổi, mô hình này có bốn hoạt động chính:
(1) Hoạt động quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật;
(2) Hoạt động giáo dục văn hóa gắn với tập luyện phục hồi chức năng;
(3) Hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề;
(4) Hoạt động tư vấn việc làm.
Bốn hoạt động này có sự kết nối chặt chẽ trong việc theo dõi sự tiến bộ và phát triển của từng cá nhân trẻ khuyết tật.
Đề xuất giải pháp để trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng
- Thực hiện các khóa đào tạo cho giáo viên chuyên về giáo dục trẻ khuyết tật, nhà quản lý, phụ huynh về hoạt động quản lý, phương pháp chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật;
- Xây dựng một đội hỗ trợ giáo dục hòa nhập, bao gồm giáo viên tiếp quản hoạt động giáo dục trẻ hòa nhập;
- Các hoạt động "Trẻ và Trẻ": Thông qua những trò chơi và hoạt động xây dựng tình bạn, tất cả các trẻ, dù sinh ra có hay không có khuyết tật, bắt đầu hiểu về khuyết tật là những rào cản xã hội, về chống phân biệt đối xử và bắt đầu có thái độ tích cực đối với trẻ khuyết tật;
- Thành lập các Câu lạc bộ Phụ huynh học sinh để đẩy mạnh mối quan hệ giữa nhà trường và cha mẹ và đảm bảo phụ huynh cũng có tiếng nói trong việc phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.
Để thực hiện mô hình này phải có sự phối hợp giữa ngành Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội và ngành Giáo dục – Đào tạo.
Về khả năng áp dụng của đề tài
Sau khi thực hiện thành công phương thức điều tra, quản lý trẻ khuyết tật và hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ từ năm 2018 tại một số xã của 4 huyện, thị (Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Đông, Mỹ Tho), đến năm 2019, nhóm nghiên cứu triển khai thêm 4 huyện (Cái Bè, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Tây) và trong năm 2020, nhóm nghiên cứu đã triển khai cho các huyện, thị còn lại. Kết quả sau 3 năm triển khai đề tài đã giúp ngành y tế quản lý được 1.022 trẻ khuyết tật ở các nhóm tuổi, được phân chia thành 6 nhóm khuyết tật và 3 mức độ khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật.
Kết quả thực hiện cho thấy, số trẻ khuyết tật được điều tra, đưa vào quản lý bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin (phần mềm quản lý) có hiệu quả cao, đáp ứng được nhu cầu nâng cao sức khỏe và tự chăm sóc sức khỏe của trẻ khuyết tật trong cộng đồng.