1. Làm thế nào để giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19? Theo Bộ Y tế, các ca bệnh COVID-19 tử vong chủ yếu xuất hiện ở nhóm người có yếu tố nguy cơ bệnh nặng. Như vậy chúng ta cần tập trung cho đối tượng có nguy cơ để giảm tối thiểu tỷ lệ tử vong, đó là những người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19. | |
Hai năm qua, chúng ta đã triển khai hai giải pháp rất hiệu quả. Một là thực hiện quy tắc 5K cho cá nhân và cách ly xã hội trong lúc cao điểm dịch bùng phát. Hai là chích ngừa cho toàn dân. Còn một giải pháp thứ ba rất quan trọng, có tính chất quyết định, vừa giúp cứu sống nhiều trường hợp nặng, giảm tử vong, vừa giúp mọi người sống chung an toàn với Covid trong tình hình mới, đó là chúng ta đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống virus corona.
Bộ Y tế nhấn mạnh chiến lược giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 trong lúc này, ngoài hai giải pháp trên, còn phải tiếp cận được các loại thuốc điều trị COVID-19 đang nghiên cứu và đã lưu hành trên thế giới để đưa về Việt Nam với số lượng cao nhất, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, tất cả trường hợp F0 nhẹ đều được hướng dẫn điều trị ở nhà, trường hợp bệnh nhân nặng được đưa vào cơ sở điều trị. Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus loại uống Molnupiravir, Favipiravir, loại truyền tĩnh mạch là Remdesivir,...
Ngoài ra, còn có thuốc kháng thể kép đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (Chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu cũng được đưa vào phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 và sẽ sớm được thông qua, với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, đáp ứng được nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Khi lượng thuốc dồi dào thì chúng ta sẽ chấm dứt tình trạng bán thuốc giá cắt cổ trôi nổi ngoài thị trường, thay vào đó là tất cả thuốc kháng virus dạng uống đều được mua dễ dàng theo toa bác sĩ ở tất cả các tiệm thuốc Tây.
Thuốc phải được dùng sớm trong năm ngày đầu tiên khi phát hiện dương tính, dành cho đối tượng nguy cơ, hoặc F0 có triệu chứng nhẹ là sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi. Không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu Oxy, nhịp thở thấp hơn hoặc bằng 20 lần/phút, SpO2 lớn hơn hoặc bằng 96% khi bệnh nhân thở khí trời.
Thuốc không được sử dụng cho người dưới 18 tuổi. Đối với nữ: không đang mang thai, không cho con bú trong thời gian sử dụng thuốc và trong vòng 100 ngày kể từ ngày cuối cùng sử dụng thuốc. Đối với nam: áp dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả, nhất là trong vòng 100 ngày kể từ ngày cuối cùng sử dụng thuốc. Sở dĩ chúng ta cẩn thận vì thuốc có tác dụng phụ là có thể gây dị tật thai nhi đối với phụ nữ mang thai và rối loạn gen trẻ em còn nhỏ. Người F0 không có triệu chứng thì không cần dùng thuốc kháng virus.
Tóm lại, chúng ta hiện có ba giải pháp, là ba tấm khiên thép chống lại Covid-19 vô cùng lợi hại, đó là 5k, chích ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Với ba giải pháp này thì chắc chắn chúng ta sẽ sống chung an toàn với Covid, và không còn ám ảnh nỗi lo bệnh nặng hoặc tử vong vì trận dịch thế kỷ này nữa.
2. Thuốc Molnupiravir ảnh hưởng đến thai nhi, trẻ em và tinh trùng như thế nào?
Vừa qua, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế có thông báo không dùng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, trẻ dưới 18 tuổi do có tác dụng phụ, thuốc cũng ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới. Hội đồng khuyến cáo Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới sử dụng Molnupiravir nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Tại sao thuốc Molnupiravir lại ảnh hưởng đến phụ nữ có thai, trẻ dưới 18 tuổi và tinh trùng nam giới? Thuốc ảnh hưởng tới mức độ nào? Có phòng tránh được không?
Để hiểu rõ vấn đề này, chúng tôi xin được chia sẻ với bạn đọc như sau:
Thuốc ức chế sự nhân bản, sinh sôi của virus
Chúng ta biết rằng sau khi xâm nhập vào cơ thể con người, tế bào virus sẽ sao chép và nhân lên một cách nhanh chóng, từ đó gây ra các triệu chứng bệnh. Từ vài ngàn con, trong một thời gian ngắn nó nhân bản để sinh sôi nảy nở thật nhanh, lên hàng triệu triệu con, nhiều đến mức nó phá vỡ tế bào ban đầu, rồi tiếp tục tấn công tế bào khác, nó tiếp tục nhân bản cho đến khi các cơ quan của cơ thể bị tổn thương không phục hồi. Các loại thuốc kháng virus hoạt động bằng cách làm gián đoạn quá trình nhân lên này, thuốc tấn công các phần khác nhau trong vòng đời của coronavirus, phá vỡ các phương tiện mà virus tự nhân lên.
Riêng thuốc Molnupiravir hoạt động bằng cách ức chế một loại enzyme mà virus cần nó để sao chép, rồi đưa các sai lầm vào mã di truyền của COVID-19, khiến virus tạo ra các bản sao bị lỗi và không thể nhân lên, không thể sinh sôi nảy nở được. Thuốc này có hiệu quả chống lại các biến thể mới nhất của COVID-19, làm giảm từ 30-50% tỷ lệ nhập viện.
Thuốc có thể gây lỗi trong gen ADN di truyền của chính bệnh nhân
Thật không may, thuốc Molnupiravir vừa gây lỗi để cản trở sự nhân lên của virus, nó cũng có thể vừa gây ra lỗi trong gen ADN di truyền của chính bệnh nhân, hoặc ở thai nhi đang phát triển.
Nếu các tế bào của con người đang sao chép, Molnupiravir sẽ gây đột biến ADN, đột biến đó có thể góp phần vào sự phát triển của ung thư, hoặc gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi đang phát triển hoặc thông qua việc kết hợp vào các tế bào tiền thân tinh trùng.
Thuốc chỉ nhắm vào các tế bào phân chia ở người. Như phụ nữ mang thai, tế bào thai nhi đang liên tục phân chia để trưởng thành; ở trẻ em, tế bào ở sụn khớp phân chia để phát triển chiều cao, còn ở đàn ông quá trình sinh tinh trùng diễn ra liên tục, mỗi tinh trùng non đòi hỏi khoảng 72 đến 74 ngày để trưởng thành hoàn toàn. Do đó, nếu dùng thuốc Molnupiravir ở phụ nữ mang thai sẽ gây dị dạng bào thai, trẻ em dưới 18 tuổi sẽ chậm phát triển chiều cao, đàn ông sẽ có tinh trùng bất thường về cấu trúc hoặc chức năng.
Vấn đề đó nghiêm trọng đến mức nào?
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Carolina đã nghiên cứu việc sử dụng Molnupiravir ở chuột hamster bị cô lập trong 32 ngày và phát hiện ra rằng thuốc đã gây ra đột biến trong ADN. Brianne Barker, một nhà sinh vật học tại Đại học Drew, nói rằng rằng các tế bào chuột hamster bị cô lập đã tiếp xúc với thuốc lâu hơn đáng kể so với bệnh nhân Covid. Tế bào chuột hamster cũng khác với các tế bào bạn thực sự tìm thấy trong một sinh vật, khiến khó biết mức độ nguy hiểm ở người. “Chúng tôi thấy phân tử này có nguy cơ gây đột biến rất thấp. Thuốc này được sử dụng trong 5 ngày, và mục tiêu là tiêu diệt virus một cách nhanh chóng và đây không phải là một phương pháp điều trị lâu dài" - Tiến sĩ Roy Baynes, Giám đốc Y tế của Merck, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Chấp nhận rủi ro để cứu được mạng sống người bệnh
Người lớn tuổi, người có bệnh nền, sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng do nhiễm coronavirus cao hơn. Chọn lựa giữa sinh mạng và nguy cơ đột biến, người ta chọn sinh mạng, vì sinh mạng mỗi người chỉ có một, còn đột biến có thể can thiệp điều trị lâu dài sau khi khỏi bệnh. Các nhà khoa học khẳng định lợi ích của thuốc lớn hơn rủi ro rất nhiều. Tiến sĩ Barker lưu ý rằng người lớn dễ dàng chấp nhận nguy cơ đột biến vì người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh Covid cao, nguy cơ bệnh nặng đặc biệt cao, hơn nữa rất ít tế bào người lớn đang phân chia, khác với trẻ em hay phụ nữ mang thai, cô nói: “Trong khi ở một người trẻ tuổi đang có kế hoạch có con, hoặc một cá nhân trẻ hơn đang mang thai, họ có thể muốn dùng một loại thuốc thay thế khác”. Riêng tinh trùng từ khi sinh ra, nếu không được xuất ra ngoài, nó sẽ tự tiêu diệt trong 74 ngày.
Tiến sĩ Swanstrom, nhà nghiên cứu của Đại học Bắc Carolina, cho biết ông đã trăn trở với việc có nên lên tiếng về những rủi ro với lý thuyết này hay không, so với tiềm năng của thuốc để cứu sống người bệnh. Ông nói thêm: “Nếu rủi ro thực sự tầm thường, thì sẽ là một sai lầm tồi tệ nếu không có thuốc Molnupiravir.”
Làm sao tránh tác dụng phụ của Molnupiravir?
Đơn giản là dùng thuốc Molnupiravir theo chỉ định của bác sĩ điều trị, không tự mua về dùng theo sự mách bảo của người không chuyên môn. Thuốc này dành điều trị cho những trường hợp Covid nhẹ hoặc trung bình, những người trên 60 tuổi, những người có bệnh nền. Không dùng cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú. Riêng nam giới phải thận trọng, ít nhất ba tháng (100 ngày) sau khi ngưng dùng thuốc để quyết định có con, vì lúc này là tinh trùng mới được sản xuất, không bị ảnh hưởng bởi thuốc kháng virus. Không dùng Molnupiravir cho người mắc Covid không triệu chứng. Thuốc chỉ có hiệu quả khi dùng sớm trong năm ngày đầu tiên phát hiện triệu chứng, và dùng đủ thời gian năm ngày mặc dù xét nghiệm đã âm tính.
3. Viêm hạch cổ do Covid-19, một triệu chứng hiếm gặp.
Ngày 30/12/2021, bác Lê Thị V, 73 tuổi, nhà ở phường 7, TP. Mỹ Tho, sau khi mắc Covid-19 được 7 ngày, với triệu chứng sốt, đau đầu, mất khứu giác và vị giác, tắc nghẽn mũi và đau họng, bỗng nhiên thấy ở phía cổ bên trái bị sưng một cục to như quả trứng gà, đụng vào thấy đau, nên báo với bác sĩ. Sau khi cho bác V đi siêu âm vùng cổ thấy có một hạch bạch huyết to 12 mm, bác sĩ giải thích: “Đây là một triệu chứng hiếm gặp trong bệnh Covid-19, thường xuất hiện sau khi phát hiện triệu chứng từ 7 đến 14 ngày. Bệnh không nguy hiểm, từ từ sẽ khỏi, bác đừng lo lắng quá”.
Về chuyên môn, đây là một phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại virus. Các hạch bạch huyết vùng đầu cổ là hệ thống tiền đồn phòng thủ chống lại sự xâm nhập của virus. Trong hạch có các tế bào bạch cầu chiến đấu để bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng tạo nên phản ứng viêm. Viêm giúp hạn chế và loại bỏ các mô bị tổn thương, biểu hiện bên ngoài là hiện tượng sưng nóng, đỏ đau. Điều trị bằng cách dùng thuốc giảm đau thông thường.
Trong một báo cáo đăng trên tạp chí Tai, Mũi, Họng châu Âu, tại bệnh viện Foch Hospital, đã ghi nhận 3 trường hợp viêm hạch cổ tuổi từ 18 - 57 tuổi, qua chụp MRI cho thấy hạch cổ viêm không vượt quá 15mm và không gây biến chứng nào nghiêm trọng./.