Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
THÔNG TIN CẦN BIẾT VỀ COVID-19: Nội dung bài viết xin bình luận nhiều về biến thể Omicron, phụ nữ mang thai mắc Omicron và tình hình sử dụng khẩu trang hiện nay.
(Ngày đăng: 13/01/2022)

Có phải Omicron bạo phát, bạo tàn? Ngày 31/12 Tp Hồ Chí Minh công bố phát hiện 5 ca nhiễm biến thể Omicron, đến ngày 1/1 xét nghiệm lại thì cả 5 người đều âm tính sau 5-7 ngày mắc bệnh. Nhiều bạn thắc mắc có phải Omicron bạo phát, bạo tàn hay không?


Omicron bạo phát

 

Đúng vậy! Các nhà khoa học đã xác định thời gian ủ bệnh trung bình, tức là thời gian trung bình khi nhiễm Omicron cho tới khi khởi phát triệu chứng chỉ có 73 giờ. Rõ ràng nó ngắn hơn thời gian ủ bệnh của biến thể Delta, Delta khoảng bốn năm ngày. Theo một nghiên cứu từ Viện Y tế Công cộng Na Uy (NIPH), những người tham dự một bữa tiệc Giáng sinh cách nay một tuần được tổ chức tại Oslo cũng xuất hiện các triệu chứng của COVID-19 trong vòng ba ngày sau khi tiếp xúc với biến thể Omicron. Trong số 111 người tham dự bữa tiệc Giáng sinh mắc biến thể Omicron, có 73% trong số họ đã được tiêm chủng đầy đủ.

 

Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì khả năng lây nhiễm càng nhanh. Lý do đơn giản là người bệnh lây cho người khác trước khi có triệu chứng hai ngày và kéo dài thêm ba ngày sau khi có triệu chứng. Nếu nhiễm Omicron thì chỉ cần một ngày là có thể lây cho người khác liền. Một nghiên cứu năm 2021 được công bố bởi Trường Y tế Công cộng Đại học Boston trong JAMA Internal Medicine cho thấy những người bị nhiễm COVID-19 dễ lây lan nhất hai ngày trước và ba ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện. Theo Hawkins, hầu hết các trường hợp lây truyền xảy ra trong khung thời gian đó, trước khi người đó nhận ra họ bị bệnh. Sau đó, khi tải lượng virus giảm theo thời gian, việc lây lan virus sang người khác trở nên ít có khả năng hơn. Như vậy Omicron rất bạo phát.

 

Omicron có bạo tàn không?

 

Không. Thời gian mắc bệnh lâu hay mau tuỳ thuộc vào khả năng đề kháng của từng người. Sức đề kháng phụ thuộc vào tình trạng tuổi tác, bệnh nền, khả năng miễn dịch, tiêm ngừa bao nhiêu mũi…Mặc dù nhiều thống kê cho thấy nhiễm Omicron đa số là bệnh nhẹ hoặc trung bình, nhưng vẫn có trường hợp từ vong. Như vậy Omicron không có bạo tàn.

 

Do đó bà con mình không nên chủ quan, cũng không nên quá sợ hãi. Cần bình tĩnh đối phó với biến chủng mới như chúng ta đã từng trải nghiệm các làn sóng dịch lần trước, hiện tại các biện pháp phòng vệ cá nhân vẫn chứng tỏ hiệu quả cao như tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng và khi tụ tập với những người từ bên ngoài gia đình. Đặc biệt chú ý đến chất lượng khẩu trang, bà con nên chọn khẩu trang y tế và đeo khẩu trang đúng cách, bảo đảm che kín mũi và miệng cùng lúc; tiếp tục chích ngừa đầy đủ và mũi tăng cường; điều trị sớm nhất khi mắc bệnh, nhất là người có bệnh nền và tuổi trên 65. 

 

           Khẩu trang vải không còn phù hợp trong tình hình biến thể Omicron lan rộng

 

Trước đây các nhà khoa học khuyên chúng ta mang khẩu trang vải ở ngoài cộng đồng là an toàn, còn khi vào cơ sở y tế thì mới mang khẩu trang y tế ba lớp, nếu vào phòng mổ hoặc chăm sóc F0 thì phải mang khẩu trang phẫu thuật N95. Tuy nhiên, trước tình hình biến thể Omicron rất dễ lây lan hiện nay, khẩu trang vải không ngăn được biến thể mới, nên để an toàn thì bà con hãy “nâng cấp” khẩu trang lên để bảo vệ bản thân mình.

 

          Khẩu trang y tế trên thị trường không còn “cháy hàng” như hai năm trước, bây giờ bà con có thể dễ dàng mua được ở các nhà thuốc hay các cửa hàng dụng cụ y khoa.

 

Khẩu trang y tế là một loại mặt nạ bảo vệ được sử dụng để bịt vùng mặt thường là mũi, miệng, để ngăn ngừa bảo vệ người đeo khỏi bị lây nhiễm các loại vi khuẩn, dịch bệnh, bụi bặm thông qua đường hô hấp. Khẩu trang y tế được sử dụng nhiều trong các cơ sở y tế, cung cấp cho các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên, giám định pháp y... đặc biệt là những người làm công việc phẫu thuật. Chỉ định chung trong việc sử dụng khẩu trang phẫu thuật tiêu chuẩn gồm: Khi có tình trạng văng, bắn, phun các chất dịch cơ thể; Khi ở gần các chất tiết từ khoảng cách 1.5 mét trở xuống; Khi làm việc trong môi trường vô trùng, để tránh lây nhiễm cho môi trường; Khẩu trang y tế có ba tác dụng chính là ngăn bụi, ngăn hóa chất, và ngăn vi sinh vật; Khẩu trang ngăn vi sinh vật phải được sản xuất bằng những nguyên liệu và công nghệ đặc biệt.

 

Tiến sĩ Leana Wen, bác sĩ cấp cứu và là giáo sư thỉnh giảng về chính sách và quản lý y tế tại Đại học George Washington, Đại học Milken Institute, cho biết: “Chúng ta cần phải đeo ít nhất một chiếc khẩu trang y tế ba lớp, còn được gọi là khẩu trang dùng một lần và có thể được tìm thấy ở hầu hết các hiệu thuốc và một số cửa hàng tạp hóa và bán lẻ. Bạn có thể đeo khẩu trang vải bên ngoài, phía trong là khẩu trang y tế, đừng chỉ đeo khẩu trang vải một mình”.

 

Khẩu trang y tế vừa vặn hơn và một số vật liệu như sợi polypropylene - hoạt động như các rào cản cơ học và tĩnh điện. Loại khẩu trang này ngăn chặn tốt hơn các hạt nhỏ lọt vào mũi hoặc miệng và phải vừa khít với khuôn mặt của mình.

 

Việc chích ngừa tăng cường để phòng Covid-19, làm giảm tỷ lệ bệnh nặng, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong, nhưng không giảm sự lây nhiễm, tức là chích ngừa vẫn mắc bệnh nếu tiếp xúc nguồn lây. Người mang khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên thì mới có thể ngăn chặn sự lây nhiễm.

 

Bà bầu có nên lo lắng về biến thể Omicron?

 

 

Các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới hiện đang tập trung vào biến thể Omicron của Covid-19, nghiên cứu mới về SARS-CoV-2 đã làm sáng tỏ thêm về tác động của nó đối với một số bộ phận dân số, trong đó có phụ nữ mang thai.

 

Sự xuất hiện của Omicron từ Nam Phi đã tiếp tục gia tăng trên khắp thế giới, các nhà nghiên cứu đang lo lắng về mức độ nghiêm trọng và tốc độ lây truyền của biến thể mới. Và một trong những bộ phận dễ bị nhiễm Omicron là phụ nữ mang thai. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vẫn chưa rõ liệu nhiễm trùng Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm trùng các biến thể khác, bao gồm cả Delta hay không. Tuy nhiên, các biến thể trước đây như Delta có nguy cơ cao hơn đối với phụ nữ mang thai. Tại Hoa Kỳ, những phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 đã được ghi nhận có nguy cơ thai chết lưu cao hơn, tiền sản giật, băng huyết sau sinh, sinh non, nhất là phụ nữ mang thai trên 35 tuổi, béo phì, có bệnh nền như tiểu đường hoặc huyết áp cao và có tiền sử rối loạn đông máu có nguy cơ cao bị biến chứng sau khi nhiễm Covid-19.

 

           Vaccine có thể giúp bà bầu tránh được các biến chứng nặng

 

Các nhà khoa học đều khẳng định tiêm chủng giúp phụ nữ và thai nhi của họ tránh được các rủi ro bệnh nặng khi mắc Covid-19, đặc biệt đối với những người có bệnh nền kèm theo các yếu tố nguy cơ cao như béo phì; lớn tuổi. Bộ Y tế đã tổ chức chích ngừa cho tất cả các bà bầu trên 13 tuần và phụ nữ đang cho con bú; trong đó, có chích mũi tăng cường, nhằm bảo vệ các chị em trong tuổi sinh đẻ, nhất là trong tình hình biến thể Omicron đang xâm nhập vào nước ta.

 

 

Một nghiên cứu trên 827 người đã sinh con sau khi được tiêm chủng cho thấy tỷ lệ sức khỏe của trẻ sơ sinh và bà mẹ đều bình thường như trước đại dịch, nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Y học New England.

 

Theo WHO, các biến thể của Covid-19, bao gồm cả các biến thể đang chiếm ưu thế trên toàn cầu, có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong; đặc biệt là phụ nữ mang thai chưa được tiêm ngừa, do đó việc phòng ngừa luôn là chìa khóa tốt nhất.

 

Vaccine ngừa Covid-19 loại công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna…) không xâm nhập vào nhân tế bào của người được tiêm chủng và bị phân hủy nhanh chóng, nên về mặt sinh học và thực tế nó không có khả năng gây rủi ro cho bà bầu và trẻ đang bú mẹ. Đối với loại vaccine công nghệ vaccine vectơ không sao chép (AstraZeneca ) nó cũng an toàn cho mẹ mang thai và con.

 

 Chích ngừa, kết hợp thực hiện 5k, khám thai định kỳ sẽ giúp các bà mẹ và chuẩn bị làm mẹ an toàn trước mọi biến thể Covid-19, kể cả biến thể Omicron./.

 

BS. Nguyễn Thành Úc
Tin liên quan