Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
6 nhóm giải pháp tạo đột phá trong phát triển ở Tiền Giang
(Ngày đăng: 10/07/2012)

(VOV) - Trong đó có việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển nhanh công nghiệp - dịch vụ - đô thị; tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển

Khai thác lợi thế của tỉnh giao thoa giữa 2 vùng kinh tế lớn của cả nước là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng ĐBSCL, đặc biệt là tỉnh liền kề với TP.HCM, có các trục giao thông kinh tế quan trọng như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, Quốc lộ 30... và tương lai gần là tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hoàn thành kết hợp với hệ thống đường thủy như: sông Tiền, sông Chợ Gạo, Cảng Mỹ Tho... sẽ tạo thêm thế và lực mới để Tiền Giang thu hút đầu tư, phát triển KTXH. Cộng tác viên VOVNews phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Chí – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.

PV: Cải cách hành chính là yếu tố có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Ông có thể cho biết Tiền Giang đã thực hiện công tác này như thế nào trong những năm qua?

Ông Nguyễn Hữu Chí: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang luôn xác định thực hiện cải cách hành chính là khâu đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy KTXH phát triển, nâng cao hình ảnh của tỉnh với bạn bè bên ngoài. Chính vì vậy trong những năm qua, với sự nỗ lực và quyết tâm của các ngành, các cấp, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Các nội dung cải cách hành chính đều được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ. Thể chế quản lý KTXH ngày càng được hoàn thiện, cơ chế chính sách ban hành phát huy được hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực thu hút đầu tư, tỉnh đã tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tỉnh đã ban hành các Quy định về khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư chung trên địa bàn tỉnh và các chính sách hỗ trợ riêng khi đầu tư vào KCN Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang; Quy chế phối hợp liên ngành trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp trong và ngoài các KCN; thực hiện cơ chế một cửa liên thông giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu cho doanh nghiệp.

Các cải cách về thể chế, thủ tục đã đem lại những kết quả rất tích cực. Năm 2008, tỉnh thu hút được 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 155 triệu USD, tăng khoảng 8 lần so với năm 2007. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện cũng đã được tổ chức lại, sắp xếp, kiện toàn lại theo hướng tinh gọn, đa ngành, đa lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo, đến nay đã hoạt động ổn định. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được quan tâm đẩy mạnh.

Trong những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, góp phần thúc đẩy KTXH của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

PV: Thưa ông, để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế hiện nay và trong những năm tiếp theo, Tiền Giang sẽ ưu tiên và tập trung thực hiện các giải pháp gì?

 

Ông Nguyễn Hữu Chí: Ngoài các giải pháp phải tập trung thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ theo từng thời kỳ, thời điểm, để tạo đột phá trong phát triển, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, huy động nguồn lực đầu tư phát triển nhanh công nghiệp - dịch vụ - đô thị, đặc biệt là hỗ trợ các tập đoàn kinh tế lớn nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư vào khu vực Gò Công, Đông Nam Tân Phước đã được quy hoạch - nhất là các dự án đã được thỏa thuận với tỉnh. Để tăng tính hiệu quả trong thu hút đầu tư, tỉnh tiếp tục chủ động trong việc phối hợp Trung ương kiện toàn cơ sở hạ tầng các công trình giao thông quan trọng. Cụ thể, bên cạnh tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Quốc lộ 60 sắp hoàn thành, tỉnh đã phối hợp Bộ Giao thông vận tải khởi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50 nối từ TP.HCM - Long An - Tiền Giang bao gồm cả xây mới cầu Mỹ Lợi (vừa được Bộ phê duyệt vốn đầu tư 1.654,7 tỷ đồng, với chiều dài 2,7km, rộng 18m dự kiến khởi công cuối năm 2009) và cầu Chợ Gạo. Song song đó, tỉnh đang triển khai dự án dẫn nước ngọt từ phía Tây về các huyện phía Đông của tỉnh với vốn đầu tư 1.103 tỷ đồng nhằm tạo đột phá phát triển hành lang kinh tế - đô thị khu vực ven biển Gò Công...

Thứ hai, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế về tiềm năng và về vị trí địa lý gần TP.HCM như: công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ sinh học, công nghiệp cơ khí, chế tạo phục vụ nông nghiệp - nông thôn Vùng ĐBSCL cùng các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp bổ trợ cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cùng các hoạt động thương mại, dịch vụ cao cấp khác.

Thứ ba, tổ chức lại không gian phát triển kinh tế và hạ tầng, hoàn thành việc xây dựng các công trình lớn về kết cấu hạ tầng để gắn kết Tiền Giang với Vùng ĐBSCL và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, thông qua các hành lang kinh tế quốc lộ 1- đường cao tốc (TP.HCM - Cần Thơ); hành lang kinh tế ven biển thông qua Quốc lộ 50 (TP.HCM - Tiền Giang) và Quốc lộ 60 (Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng), các trục kinh tế sông Tiền, kênh Chợ Gao, sông Soài Rạp..., trên cơ sở đó, hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ, đặc biệt là các siêu thị, chợ đầu mối, các cụm điểm du lịch và dịch vụ gắn với du lịch, cùng các dịch vụ cao cấp khác về y tế, giáo dục, đào tạo, tư vấn, tín dụng, ngân hàng, thị trường vốn...

Thứ tư, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trên cơ sở hình thành và phát triển hệ thống các đô thị trung tâm và đô thị ở khu vực nông thôn, để tạo ra các hạt nhân thúc đẩy sự phát triển các tiểu vùng, tạo điều kiện sự thuận lợi cho sự phát triển công nghiệp, dịch vụ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh. Cải tạo, nâng cấp và phát triển mở rộng TP.Mỹ Tho tương xứng với đô thị loại II - trung tâm KTXH của Vùng; đồng thời chỉnh trang, nâng cấp phát triển TX.Gò Công, Cai Lậy (đô thị loại III), các thị trấn; hình thành các khu dân cư, khu đô thị - dịch vụ mới gắn với các khu công nghiệp tập trung ở khu vực Gò Công, Đông Nam Tân Phước... Tiếp tục phát huy và đẩy mạnh vai trò đầu mối về thương mại, dịch vụ, du lịch khu vực Bắc Sông Tiền, tiểu vùng hạ lưu sông Mê kông... của TP.Mỹ Tho gắn với hai cực đối trọng là TX.Gò Công (phía Đông) và thị trấn Cai Lậy (phía Tây).

Thứ năm, tạo thêm việc làm phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn thông qua khuyến khích và hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp vào nông thôn để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tại khu vực nông thôn và hiện đại hóa cư dân nông thôn. Bố trí lại cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, thu hút nhiều lao động trên cơ sở đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng để phát triển CN – TTCN, xây dựng và các hoạt động dịch vụ. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, thâm canh và gắn với điều kiện sinh thái. Hình thành các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu nông sản hàng hoá cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, đặc biệt là vành đai lương thực, thực phẩm, rau quả hàng hóa cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là TP.HCM... Tỉnh xác định rõ: phát triển nông thôn trong những năm tới phải là quá trình hòa nhập với các khu cụm công nghiệp và đô thị hình thành trong tương lai.

Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH theo hướng CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.

PV: Được biết, Tiền Giang đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển KTXH với TP.HCM. Xin ông cho biết những kết quả đã đạt được của sự hợp tác này và một số chương trình hợp tác quan trọng, nổi bật trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hữu Chí: Nhìn chung qua 5 năm thực hiện Chương trình hợp tác với TP.HCM trên hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, VHXH..., đã đạt được những kết quả rất ý nghĩa, góp phần quan trọng trong phát triển KTXH của Tiền Giang, trong đó có một số dự án quan trọng như hợp tác triển khai dự án 500ha rau an toàn; hợp tác thành lập công ty Cổ phần May Công Tiến với gần ngàn lao động; tiếp nhận nhà đầu tư TP.HCM xây dựng KCN Tân Hương đến nay đã có nhiều nhà máy đi vào hoạt động; hợp tác triển khai đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Tam Hiệp quy mô 160ha.

Đặc biệt, Dự án Công ty CP BOO nước Đồng Tâm gồm 5 cổ đông sáng lập, trong đó TP.HCM có 2 cổ đông tham gia sáng lập, tổng vốn đầu tư là 1.103 tỷ đồng đang được triển khai thực hiện (dự án này kết hợp dự án mở rộng Quốc lộ 50 sẽ mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho khu vực phía Đông của tỉnh); xây dựng siêu thị Coop-Mart; thực hiện dự án “Nâng cao năng lực Trường Đại học Bách khoa TP.HCM nhằm tăng cường liên kết giữa trường đại học và cộng đồng địa phương”; liên kết đào tạo cao đẳng nghề giữa Trường Trung cấp Nghề Tiền Giang với Trường Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, hỗ trợ về một số chương trình dạy nghề ngắn hạn; các lĩnh vực y tế, lao động - xã hội cũng được quan tâm, nhiều dự án hợp tác đã được triển khai, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Dự kiến trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy nhanh hơn quá trình hợp tác với các địa phương bạn, tỉnh sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế, chưa phát huy hết được tiềm năng phát triển trong hợp tác của tỉnh với TP.HCM, để có những giải pháp hợp tác hiệu quả hơn. Song song đó tỉnh sẽ tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, kết hợp giữa các Ban Quản lý các KCN các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong vận động thu hút vốn đầu tư...

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Nguyễn Hòa Bình (thực hiện)
Tin liên quan