Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
BÀI 1: TẠI SAO COVID-19 LẠI BIẾN THỂ THÀNH OMICRON?
(Ngày đăng: 04/12/2021)

Virus corona là một loại siêu vi trùng không thể tự sinh sản. Khi virus lây nhiễm vào một tế bào sống của cơ thể, nó có thể điều khiển bộ máy tế bào tạo ra nhiều virus hơn. Tất cả các loại virus muốn sống và phát triển phải ký sinh trong tế bào của vật chủ.
Biến thể Omicron (ảnh: st)

 

          Vì sao lại biến thể?


          Sau khi xâm nhập tế bào con người, virus tiếp tục sinh sôi nảy nở để phát triển bằng cách tạo ra các bản sao của mình, nhưng trong số các bản sao đó có những cái không hoàn hảo. Các lỗi này dẫn đến các phiên bản khác biệt, gọi biến thể. Nếu biến thể có lợi cho virus thì sẽ phát triển mạnh. Trái lại nếu nó tạo ra biến thể bất lợi thì nó sẽ bị tự tiêu diệt.


          Biến thể Omicron có tới khoảng 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trong protein gai (spike protein), phần mà hầu hết các loại vắc xin sử dụng để giúp hệ miễn dịch nhận diện và chống lại virus SARS-CoV-2. Một số đột biến này đã được phát hiện trước đây, một số khác được cho là phát triển thêm khả năng né tránh vắc xin của biến thể Beta, trong khi hầu hết đột biến có khả năng lây lan rất cao như biến thể Delta.


          Biến thể Omicron có 26 đột biến chưa từng phát hiện ở protein gai, nhiều hơn so với 10 đột biến như vậy ở biến thể Delta và 6 đột biến ở biến thể Beta. Các gai protein giúp virus bám vào tế bào, nó nhô ra ở bề mặt vỏ virus giống như cái chìa khóa để giúp virus mở cửa tế bào chui vào trong tế bào. Gai càng nhiều thì virus càng dễ bám, dễ xâm nhập vào tế bào và càng lây lan nhanh hơn. Các chuyên gia cho rằng biến thể mới gọi bị thay đổi nhiều có thể bắt nguồn từ một bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.


          Các biến thể nguy hiểm như thế nào?


          Không có bằng chứng omicron gây ra bệnh nặng hơn ở người nhiễm bệnh, người trẻ dưới 25 tuổi bị nhiều hơn, có thể do nhóm người trẻ chưa được bao phủ vaccine, nhưng rất nguy hiểm đối với những người cao tuổi hoặc có bệnh nền.


         
Omicron có thể lây lan nhanh hàng trăm lần biến chủng Delta.


         Tin tốt là các loại thuốc kháng virus hiện tại vẫn có tác dụng tiêu diệt virus biến thể omicron bằng cách ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình nhân bản của virus trong tế bào.


         Phòng ngừa nhiễm Covid hiện nay vẫn bằng hai giải pháp chính là chích ngừa đầy đủ và thực hiện 5k: Mang khẩu trang, đeo kính che mặt, rửa tay, giữ khoảng cách ở những nơi đông người.

 

BÀI 2: BIẾN THỂ OMICRON CÓ THỂ NÉ TRÁNH VACCINE, NHƯNG KHÔNG THỂ SỐNG SÓT VỚI THUỐC KHÁNG VIRUS DẠNG UỐNG.


          Dù biến thể omicron mới xuất hiện, các nhà khoa học chưa có đủ thời gian để đánh giá toàn diện sự nguy hiểm của dạng đột biến này đối với con người. Tuy nhiên mọi người đồng thuận là omicron có khả năng né tránh không hoàn toàn vaccine ngừa Covid hiện nay.

 
          Tiến sĩ Vivek Murthy, Tổng bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Tư: “Các đột biến được tìm thấy trong biến thể Omicron của Covid-19 có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các thuốc ngừa Covid-19, nhưng vẫn chưa có đủ dữ liệu để biết”.


          Ông giải thích là các loại thuốc chủng ngừa được sản xuất nhắm mục tiêu vào các phần cụ thể của virus như vỏ, chuỗi gen hay nguyên dạng virus, nếu có đột biến của các bộ phận nào đó, thì các kháng thể đơn dòng này có thể không thể gắn vào virus một cách dễ dàng và có thể không kích hoạt được hệ thống miễn dịch của cơ thể để loại bỏ virus.


          Tuy nhiên tin tốt là thuốc kháng virus Covid-19 dạng uống vẫn có tác dụng chống lại các đột biến virus.


         Richard Plemper, một nhà virus học tại Đại học Georgia State ở Atlanta, cho biết: “Tấn công sớm, tấn công mạnh mẽ” bằng thuốc kháng virus ngay khi mắc bệnh thì có hiệu quả rất tốt. Bệnh nhân càng nặng, thuốc điều trị bệnh càng kém hiệu quả.


          Chúng ta biết rằng COVID-19 không phải là căn bệnh đầu tiên do coronavirus gây ra ảnh hưởng đến con người. Năm 2002, đại dịch hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS), sau đó năm 2012 đợt bùng phát dữ dội hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), hiện tại là Covid-19, Trung bình 10 năm chúng lại gây ra một trận dịch nguy hiểm. Vì vậy các nhà khoa học đã nỗ lực tìm kiếm thuốc để điều trị hiệu quả nhất dành cho hiện tại và cả tương lai sau này.
Cho đến nay, remdesivir của Gilead là loại thuốc duy nhất nhận được sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Khi được sử dụng trong môi trường bệnh viện, tác dụng của nó rất khiêm tốn. Trong một thử nghiệm giai đoạn 3, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nó đã rút ngắn thời gian hồi phục trung bình là 5 ngày. Tuy nhiên điều bất tiện là remdesivir là loại thuốc chích, dùng trong bệnh viện cho người từ trung bình đến nặng.


          Sau đó, thuốc molnupiravir được các hãng dược cho ra đời. Molnupiravir, giống như remdesivir, nhưng là dạng thuốc uống, tiện lợi cho mọi người. Molnupiravir là một chất có tác dụng phá hủy quá trình sao chép của virus trong tế bào, khiến cho virus không thể nhân bản được và tự bị tiêu diệt. Dù virus có đột biến hay không thì nó vẫn bị thuốc này ức chế sinh sôi nảy nở từ trong tế bào, ngăn chặn ngay từ đầu không cho virus phát tán tấn công các cơ quan của cơ thể người bệnh.


          Pfizer và Merck, là hai công ty sản xuất thuốc này đã yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho các loại thuốc trên, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong do Covid-19. Tuy nhiên tiềm năng gây đột biến của hợp chất trong tế bào người - khả năng nó có thể tự kết hợp vào DNA - làm dấy lên lo ngại về an toàn, một số nhà nghiên cứu cho biết. Merck chưa công bố bất kỳ dữ liệu an toàn chi tiết nào, nhưng “chúng tôi rất yên tâm rằng thuốc sẽ an toàn nếu được sử dụng đúng mục đích”, Daria Hazuda, phó chủ tịch phát hiện bệnh truyền nhiễm và giám đốc khoa học của Merck, cho biết tại một báo chí tóm tắt vào thứ sáu tuần trước.


          Như vậy có những lý do để bà con mình lạc quan, vẫn có những cách chúng ta có thể tự bảo vệ mình. Tiêm ngừa đủ, tiêm bổ sung, thực hiện 5k và dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của ngành y tế khi mắc bệnh, là chúng ta chung sống an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới.

 

BÀI 3: VACCINE HIỆN TẠI CÓ CHỐNG LẠI ĐƯỢC BIẾN THỂ OMICRON KHÔNG? CÓ CẦN ĐIỀU CHẾ VACCINE MỚI?


          Suốt tuần qua, biến thể mới của Covid xuất hiện đã khiến mọi người lo lắng và tự hỏi liệu vaccine hiện tại có chống lại được biến thể omicron không? Có cần điều chế vaccine mới không?


     
    Vaccine hiện tại có thể bị hạn chế chống lại omicron, nhưng không phải hoàn toàn không hiệu quả.


          Các chuyên gia cho biết, ngay cả khi biến thể này hạn chế hiệu quả của vaccine đã tiêm, nhưng không hoàn toàn phá vỡ sự bảo vệ mà vaccine mang lại. Kháng thể do tiêm chủng có bằng chứng chống lại được omicron. Khi tiêm chủng cơ thể sẽ tạo ra kháng thể bảo vệ đặc hiệu, bao gồm kháng thể đặc hiệu Immunoglobulin G (IgG) và kháng thể trung hòa (NAbs), được sản xuất bởi các tế bào B sau khi nhận diện virus, có thể ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào chủ và bảo vệ chống lại tái nhiễm virus. Theo các chuyên gia, các đột biến trong biến thể này có thể thoát khỏi kháng thể đặc hiệu, nhưng không thể thoát khỏi hoàn toàn kháng thể trung hoà. Điều đó được chứng tỏ qua số liệu thống kê ban đầu ở Nam Phi cho thấy các trường hợp nhập viện là những người chưa được chủng ngừa. Còn những người đã chích ngừa khi mắc bệnh thường nhẹ và ít biến chứng.


          Để phòng ngừa tốt nhất hiện nay là tiêm phòng đủ, cần tiêm phòng bổ sung, mang khẩu trang, đeo kính che mặt, giữ khoảng cách ở những nơi đông người và luôn giữ hệ thống thông gió tốt nơi ở.


         
Có cần điều chế vaccine mới không?


          Với sự lan rộng của omicron ở Nam Phi, một số chuyên gia đã chỉ ra nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải tiêm phòng cho các quốc gia chưa được chích ngừa đầy đủ, để sự bảo vệ của thế giới khỏi các biến thể dễ trốn vaccine trong tương lai.


          Đồng thời với việc tiêm phòng, các nhà sản xuất vaccine đã thực hiện nghiên cứu sơ bộ bằng cách sử dụng vaccine có công thức phù hợp với các biến thể mới.


          Người phát ngôn của Pfizer cho biết trong một tuyên bố: “Trong trường hợp biến thể chống được vaccine xuất hiện, Pfizer và BioNTech hy vọng có thể phát triển và sản xuất vaccine phù hợp để chống lại biến thể đó trong khoảng 100 ngày, tùy thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan quản lý”.


          Chúng ta biết là vaccine vẫn rất hiệu quả trong việc bảo vệ tính mạng bằng cách giảm nguy cơ mắc bệnh nặng đối với các biến thể Covid chính khác, bao gồm Delta, Alpha, Beta và Gamma và các biến thể khác trong tương lai.

 

BÀI 4: TIÊM ĐỦ HAI MŨI VACCINE VÀ CHUẨN BỊ LIỀU BỔ SUNG ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI BIẾN THỂ OMICRON

 

          Tổ chức Y tế Thế giới WHO vừa đưa ra khuyến cáo đề nghị đẩy nhanh tiêm liều thứ nhất và thứ hai ở các quốc gia trên thế giới. WHO nói: “Điều tối quan trọng là sự bất bình đẳng trong tiếp cận với vắc xin COVID-19 cần được giải quyết khẩn cấp để đảm bảo rằng các nhóm dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi, bao gồm cả nhân viên y tế và người cao tuổi, được tiêm liều thứ nhất và thứ hai, cùng với việc tiếp cận điều trị và chẩn đoán một cách công bằng”.


          Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ CDC cũng ra thông báo thúc đẩy người dân đi tiêm mũi bổ sung, tức mũi thứ ba ba đối với người đã chích ngừa đủ hai liều. CDC giải thích: “Mặc dù tiêm chủng COVID-19 vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, dữ liệu gần đây cho thấy việc tiêm chủng trở nên kém hiệu quả hơn theo thời gian, đặc biệt là ở những người từ 65 tuổi trở lên và để ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc bệnh nhẹ hơn với các triệu chứng. Sự xuất hiện gần đây của biến thể Omicron (B.1.1.529) nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của việc tiêm chủng, tiêm bổ sung và các nỗ lực phòng ngừa cần thiết để bảo vệ chống lại COVID-19. Dữ liệu ban đầu từ Nam Phi cho thấy khả năng lây truyền của biến thể Omicron tăng lên và khả năng né tránh miễn dịch khi virus đã biến thể”.


          Ngày 30-11, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Phạm đã yêu cầu bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra. Trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vắc xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.


          Bài học về cách ứng phó làn sóng dịch Covid thứ tư vừa qua giúp chúng ta làm tốt hơn trong việc chủ động chống dịch biến thể lần này. Ngay từ bây giờ và các giai đoạn tiếp theo, mỗi người chúng ta phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của ngành y tế, tiêm chủng đầy đủ, sẵn sàng tiêm mũi bổ sung khi nước ta đáp ứng được nguồn vaccine, cho các bé đi tiêm theo kế hoạch. Trước hết cách phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là thực hiện 5k, hạn chế tập trung đông người, giữ nhà cửa thông thoáng.

 

Bs Nguyễn Thành Úc
Tin liên quan