Bé Lê Kim N, 22 ngày tuổi, nhà ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ tho, tỉnh Tiền Giang được mẹ đưa vào cơ sở y tế khám vì bé bị phỏng ở lưng. | |
Lưng của bé N bị phỏng do mẹ bé nằm than |
Mẹ bé kể “sau khi sinh được một tuần, thì bà ngoại của bé bảo phải nằm than cả hai mẹ con, để ngừa sau này mẹ khỏi bị cảm lạnh, xương cốt cứng cáp, còn em bé thì không bị lạnh phổi”. Mới đầu mẹ của bé N không đồng ý, nhưng bà ngoại nói hồi xưa giờ ngoại đã nuôi biết bao nhiêu con cháu rồi, đứa nào cũng nằm than, mà có đứa nào bị làm sao. Nghe lời ngoại, mẹ bé N đồng ý, bà ngoại mua một kg than đước về đốt cho cháy hết than, sau đó trút than hồng vào cái thau nhôm, để xuống sàn giường của hai mẹ con. Suốt đêm qua cả hai mẹ con đều không ngủ được vì nóng quá. Bên ngoài, trời hầm hập như lò nướng, dưới giường hơi nóng xông lên, khiến hai mẹ con đổ mồ hôi ướt áo, em bé cứ khóc hoài. Sáng nhìn thấy toàn lưng của bé bị đỏ, một số phồng nước. Lo lắng nên mẹ đưa đến bác sĩ khám.
Bác sĩ nhìn thấy lưng của bé bị phỏng độ một đến độ hai, bé sốt cao. Ông nói: “Theo quan niệm của ông bà xưa thì nằm than giúp cha mẹ hết cảm giác ớn lạnh sau sinh và tin rằng mẹ và bé cũng khỏe hơn. Nhưng ngày nay khoa học đã tiến bộ, đã biết lý do mẹ ớn lạnh sau sinh vì mất máu, có nhiều cách để làm cho mẹ và bé khỏe hơn, nên không cần phải nằm than như xưa nữa. Nằm than có nhiều cái hại hơn là có lợi”.
Về chuyên môn, sau sinh mẹ mất trung bình 300ml máu, Máu là một chất dịch lưu thông khắp cơ thể có các chức năng rất quan trọng, trong đó có điều hoà thân nhiệt. Khi mất máu, do thiếu dinh dưỡng cho các mô và cơ thể cảm giác ớn lạnh. Như vậy, để mẹ hết cảm giác lạnh, phải nhanh chóng phục hồi lại lượng máu mất của mẹ bằng cách tích cực cho mẹ ăn uống sớm và nhiều chất dinh dưỡng, nhất là thịt cá, dầu mỡ, rau củ, trái cây, sữa bò, uống nhiều nước. Kết hợp vận động sớm sau sinh giúp các cơ quan hoạt động sinh nhiệt, làm mẹ phục hồi nhanh hơn. Như vậy nằm than sẽ giúp cho mẹ có cảm giác tạm thời ấm áp, nhưng không giải quyết nguyên nhân từ gốc là thiếu máu. Hơn nữa chỉ cần nhiệt độ 44 ° đến 51 ° C (111 ° và 124 ° F), là da của con người sẽ bị phỏng, tỷ lệ hoại tử biểu bì tăng gần gấp đôi với mỗi mức độ tăng nhiệt độ. Than hồng có nhiệt độ khoảng 300 độ C, khi tỏa ra bên ngoài cách một mét là 70-80 độ C, đủ làm phỏng da người lớn cũng như trẻ em, đặc biệt là thời gian kéo dài hơn 6 giờ. Ngoài bị phỏng, nằm than còn gây ngộ độc cho bé và mẹ vì khi than cháy sẽ thải ra khí độc như CO, CO2,... sẽ gây tổn thương phổi và thần kinh.
Đối với bé, chỉ cần hơi ấm của mẹ là đủ để sưởi ấm cho bé mà không cần phải nằm than. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), ngay sau khi lọt lòng, trẻ sơ sinh cần được tiếp xúc với da của mẹ (ngực hoặc bụng) trong vòng ít nhất một giờ. Được gọi là phương pháp “da kề da” với những lợi ích tuyệt vời. Những giờ đầu sau sinh được xem là một cú sốc đầu đời của trẻ sơ sinh. Trẻ đang quen với môi trường được bao bọc trong nước ối của mẹ. Bước ra thế giới mới chắc hẳn là một điều lạ lẫm và tập làm quen của trẻ. Phương pháp da kề da thực hiện bằng cách đặt bé không mặc quần áo nằm trên ngực hoặc bụng trần của mẹ. Mặt, ngực, bụng và chân của bé được áp sát người mẹ, không có khoảng cách, cho đầu bé nghiêng một bên áp sát vào người mẹ. Phương pháp này được thực hiện từ 30 phút đến 1 tiếng ngay sau khi bé lọt lòng, mạch dây rốn còn đập và lặp đi lặp lại càng nhiều càng tốt trong tuần đầu sau sinh. Trẻ cũng có thể da kề da với bố, người thân ngay sau khi kề da với mẹ. Thời gian áp dụng có thể kéo dài tới 8 tuần sau sanh.
Nằm than là quan niệm xưa, chúng ta không nên áp dụng vì không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé, có một số trường hợp bị phỏng biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng của bé. Mẹ yêu con hãy tránh xa than hồng, mà thay thế bằng phương pháp da kề da là tốt nhất.