Bé Nguyễn Hoàng N, 10 tuổi, nhà ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang đến cơ sở y tế khám vì lưng nổi nhiều mụn đỏ, ngứa ngáy, khó chịu, không ngủ được. Bác sĩ khám thấy lưng bé bị nổi nhiều mụn li ti gồ lên mặt da, màu đỏ, bên trên có một vảy nhỏ đã khô, dùng tay ấn vào bé không thấy đau. Bác sĩ chẩn đoán là viêm nang lông vùng lưng. | |
Về chuyên môn, viêm nang lông là tình trạng nhiễm khuẩn ở nang lông. Trong mùa nóng nực như hiện nay, cơ thể của bé phải tiết nhiều mồ hôi để làm mát cơ thể. Tuy nhiên do các lỗ bài tiết ở dưới da vùng chân lông của bé bị bụi bẩn, hòm ghét, tức các chất nhờn, mồ hôi, bụi, tế bào chết được da đào thải hàng ngày, làm bít tắt các lỗ bài tiết, khiến mồ hôi không thoát ra ngoài được. Mồ hôi ứ đọng lại ở các lỗ chân lông dưới da tạo nên các nốt màu hồng lồi lên bề mặt da. Nếu các nốt này bị vi khuẩn thường trú có sẳn trên bề mặt da xâm nhập thì gây nên hiện tượng viêm tại chỗ. Những tổn thương này không đau và sẽ khỏi sau vài ngày, không để lại sẹo. Vị trí viêm rải rác khắp cơ thể, chỉ trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân. Viêm nang lông thường thấy ở phần đầu, mặt, cổ, lưng, mặt ngoài cánh tay, đùi, sinh dục, cẳng tay và cẳng chân…Viêm nang lông đơn thuần là viêm do nhiễm khuẩn chỉ ở một vài nang lông, nhưng cũng có khi lan rộng và sâu bên dưới kết hợp nhiều nang lông và mô dưới da với nhau tạo thành nhọt. Nhọt là tình trạng viêm nang lông cấp tính và nó phá hủy cả một vùng da. Vùng da bị nhọt sẽ sưng, nóng, đỏ, đau và vô cùng khó chịu. Sau vài ngày, nốt nhọt sẽ chín dần và hóa mủ ở ngòi giữa tổn thương.
Để tránh bé bị viêm nang lông, bà con mình cần chú ý không nên cho bé mặc quần áo quá chật, quá dày, hoặc may bằng vải nilon, vải thun bít kín, không thấm mồ hôi. Hàng ngày bà con mình thường xuyên vệ sinh cá nhân cho bé, tắm rửa bằng nước ấm để lỗ chân lông giản nở và dùng loại xà bông ít kiềm để da không bị khô. Khi may quần áo cho bé nên chọn loại vải dễ thấm mồ hôi như vải sợi tự nhiên, cotton, loại vải mỏng, nhạt màu và may rộng rãi. Tạo môi trường sống thông thoáng, mát mẻ cho bé vào mùa hè, cho bé uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh để cung cấp vitamin dưỡng da cho bé. Khi da bị viêm, cần đi khám bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc uống hoặc bôi ngoài da.