Bé Nguyễn Thị Ngọc T, 14 tháng tuổi, nhà ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cùng chị 8 tuổi đang cùng chơi trong nhà, bổng nhiên em thấy một con rắn bò ngang, em dùng tay bắt con rắn thì bị nó cắn vào cổ tay phải. Em la khóc nên chị chạy tới bắt con rắn quăng đi, con rắn cắn vào mu bàn tay chị bé T luôn, nhưng chỉ trầy sướt ngoài da, nên không việc gì. | |
Rắn hoa cổ đỏ |
Gia đình biết em T bị rắn cắn nên đưa T đi tới nhà thầy thuốc rắn để điều trị. Ông thầy thuốc rắn đắp lá cây, cắt lễ lấy nọc rắn cho T, khi cắt lễ thì máu chảy không cầm nên gia đình đưa em vào bệnh viện. Khi vào viện bác sĩ khám thấy cổ tay có một vết cắt dài 2cm chảy máu liên tục, nên bác sĩ phải khâu một mũi cầm máu vết thương và băng ép nhưng máu vẫn rịn ra ngoài miếng băng. Sau vài giờ thì hai đầu gối bé T lại sưng to, nghi xuất huyết khớp gối, nên bệnh viện chuyển lên tuyến trên. Bé T nằm bệnh viện tuyến trên hai ngày thì tử vong.
Về chuyên môn, rắn hoa cổ đỏ, còn gọi là rắn hổ lửa, rắn hoa sải cỏ, rắn hoa cỏ học trò, rắn bảy màu... có tên khoa học là Rhabdophis subminiatus, được xếp loại rắn nước, nhưng là loại rắn có nọc độc. Hiện nay ở các tỉnh Miền Tây hay gặp loại rắn này, nó sống gần hồ, ao, bãi cỏ và trong vườn. Khi gặp nguy hiểm nó ngốc đầu phồng mang lên như rắn hổ và sẵn sàng tấn công đối thủ. Rắn thường hoạt động vào ban ngày, ưa thích ăn các loại lưỡng cư có chứa chất độc như cóc, ếch, cá. Tự bản thân loài rắn cổ đỏ này không sản xuất ra nọc độc mà nọc độc của nó được tích lũy lại qua quá trình chúng ăn phải các loài động vật có độc như cóc độc, ếch độc, nhái độc. Nhờ tuyến Nuchal của rắn, tức tuyến nằm sau ót của rắn, nó lọc và giữ lại các chất độc khi nó nuốt phải, sau đó tổng hợp, chuyển hóa thành nọc độc cho riêng mình, đó là chất kích hoạt yếu tố đông máu mạnh như yếu tố X, sẽ làm tiêu sợi huyết, hình thành fibrin trong lòng mạch. Sự thiếu hụt sợi fibrin trong máu khiến cho máu chảy không cầm được, nặng nhất là xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết thận, dẫn đến sốc mất máu và tử vong.
Rắn hoa cổ đỏ là loài rắn rất độc, hiện nay không có thuốc điều trị, không có huyết thanh kháng nọc rắn, vì vậy bà con mình nên hết sức cẩn thận, tránh xa loài rắn này ra. Khi bị rắn cắn hãy đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất, không nên chữa bằng đắp lá cây hay cắt lễ. Hãy bình tĩnh và hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc; Nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương bắt đầu sưng lên; Điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, chẳng hạn như nằm xuống, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện; Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý; Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn tránh bội nhiễm thêm vi trùng.
Tuyệt đối không sử dụng băng garo cột chặt vào vùng bị cắn, cách này vừa làm đau nạn nhân, vừa cản trở máu lưu thông đến các chi gây hoại tử, rất nguy hiểm; Không tùy tiện chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây... lên vết thương hoặc uống thuốc khi chưa có toa của bác sĩ; Không rạch, đâm chích vết thương hoặc cố gắng loại bỏ nọc độc vì không mang lại lợi ích gì, mà còn có thể sẽ khiến nhiễm trùng nặng thêm; Tránh dùng thức uống kích thích có chứa cà phê hoặc rượu vì chúng có thể làm tăng tốc độ hấp thụ nọc độc của cơ thể; Không nên cố bắt con rắn vì nguy hiểm, bà con nên ghi nhớ màu sắc, hình dạng của để có thể khai với bác sĩ, thông tin này quan trọng cho điều trị. Nếu có điện thoại hãy chụp ảnh con rắn từ khoảng cách an toàn để giúp việc nhận dạng được dễ dàng hơn. Không chọn rắn hoa cổ đỏ làm vật nuôi trong nhà.