Hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (gọi tắt là "Cuộc vận động"), Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã có Kế hoạch số 06-KH/BCĐ ngày 25/3/2008 | |
Sau một năm phát động (từ ngày 19/5/2008 đến 19/5/2009), Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, nhiệt tình và tâm huyết của nhiều văn nghệ sĩ, những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên ở các cơ quan, ban ngành, địa phương; kết thúc thời gian nhận bài, Ban tổ chức Hội thi đã nhận được gần 300 bài dự thi các thể loại. Trong đó bài dự thi thể loại báo chí là 81 bài (báo in 60, truyền hình 12, phát thanh 9), văn học- nghệ thuật là 170 (ca khúc có 28 bài của 25 tác giả, ca cổ có 30 bài của 18 tác giả, thơ có 38 bài của 32 tác giả, văn xuôi có 74 bài của 32 tác giả.). Các tác phẩm văn học- nghệ thuật, báo chí tham gia Cuộc thi là sự kết tinh của tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ và trách nhiệm công dân cùng những cảm xúc thẩm mỹ của các văn nghệ sĩ.
Qua đánh giá khái quát của Hội đồng giám khảo cho thấy, ở thể loại báo chí, đề tài tham dự đa dạng, phong phú, phản ánh khá toàn diện, kịp thời, sát với chủ đề cuộc thi, tạo hiệu ứng xã hội cao, có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào toàn Đảng, toàn quân, dân ở các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh tích cực hưởng ứng, thực hiện Cuộc vận động. Qua các bài viết, phóng sự truyền hình, phát thanh cho thấy những người cầm bút tỉnh nhà có nhiều cố gắng đầu tư, chịu khó thâm nhập thực tế để khai thác thực hiện đề tài qua những khía cạnh sinh động của cuộc sống hàng ngày. Bằng nhiều thể loại báo chí thích hợp, có sự trau chuốt văn phong, từ ngữ, cú pháp cùng với việc nắm chắc các đề tài cần quan tâm như thể lệ giải đã quy định, các tác phẩm dự thi đã tương đối thành công trong việc ca ngợi tấm gương trong sáng, cao cả về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phản ánh khá thuyết phục việc vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức Bác Hồ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; hoặc khai thác phát hiện các gương điển hình trong học tập, làm theo tấm gương Bác; các nhân tố mới cần nhân rộng trong đời sống xã hội hàng ngày; biểu dương những gương cán bộ, đảng viên và nhân dân sống, làm việc, học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như: tấm gương trọn đời cống hiến hy sinh cho lý tưởng Cộng sản; về ý chí nghị lực và tinh thần vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng mà Đảng và nhân dân giao phó; tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; tấm gương về lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu; tấm gương về cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, nếp sống giản dị, khiêm tốn Nhờ vậy, góp phần tô đậm thêm lòng cảm phục, tình cảm kính yêu của mọi tầng lớp nhân dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao lòng tự giác, tinh thần tự nguyện rèn luyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.
Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, các tác giả đã viết bằng trách nhiệm của người văn nghệ sĩ và bằng tấm lòng kính yêu Bác. Hầu hết các bài viết đi đúng trọng tâm mà Cuộc thi yêu cầu. Các bài viết có đầu tư công sức lao động nghệ thuật khá nhiều, có nội dung trong sáng, lành mạnh. Mảng ca khúc tân nhạc và văn xuôi có nhiều tác phẩm dự thi với chất lượng khá.
Kết quả, Ban tổ chức đã chọn được 54 tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật có chất lượng khá để khen thưởng, trong đó:
Văn học - Nghệ thuật có 33 giải: không có giải nhất, 6 giải nhì, 8 giải ba và 19 giải khuyến khích.
Báo chí 21 giải: 3 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 8 giải khuyến khích.