Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Dự án VnSAT góp phần đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp và thành công của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
(Ngày đăng: 29/03/2021)

Ngày 25/3, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị đánh giá hiệu quả Hợp phần lúa gạo của Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (gọi tắt là VnSAT) và phương hướng thực hiện giai đoạn gia hạn Dự án. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh dự và chỉ đạo.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu

 

          Dự án VnSAT là dự án vốn vay Ngân hàng Thế giới, được triển khai trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020 và vừa được thống nhất gia hạn thêm 18 tháng, từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2022 sẽ kết thúc. Mục tiêu nhằm góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực, thể chế của Ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê tại hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu chào mừng


          Dự án được triển khai tại 13 tỉnh, thành trên cả nước, gồm có 4 hợp phần: Hợp phần A tăng cường năng lực, thể chế thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Hợp phần B hỗ trợ phát triền lúa gạo bền vững; Hợp phần C phát triển cà phê bền vững và Hợp phần D quản lý Dự án. Hợp phần lúa gạo có 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tham gia là: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang với nhiều hoạt động được triển khai đồng bộ như: các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ canh tác cho nông dân; Hỗ trợ kiện toàn cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ các hợp tác xã và các tổ chức nông dân; Hỗ trợ tín dụng,…


          Theo Ban Quản lý dự án VnSAT, đến nay, các tỉnh tham gia Hợp phần lúa gạo đã đào tạo kỹ thuật canh tác về 3 Giảm 3 Tăng cho 151.000 nông dân áp dụng trên diện tích canh tác lên đến 210.594 ha. Qua đánh giá, diện tích áp dụng đủ 4 tiêu chí của quy trình vượt 14% so với mục tiêu đề ra cuối kỳ dự án; trên 98.000 lượt nông dân được đào tạo quy trình canh tác 1 Phải 5 Giảm trên diện tích áp dụng trên 140.000 ha. Qua đánh giá, diện tích áp dụng đủ các tiêu chí của quy trình đạt trên 107.000 ha, vượt 43% chỉ tiêu so với mục tiêu cuối kỳ dự án.

 

Quang cảnh Hội nghị


         Trong năm 2020, Dự án đã hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức nông dân 581 tỷ đồng thực hiện 50 trạm bơm, gần 10 km kênh mương, 114 cầu cống nông thôn, thi công trên 126 km đường nông thôn, xây cất 39 kho tạm trữ nông sản, thi công 31 km đường điện và lắp 97 trạm biến áp cùng nhiều thiết bị phụ trợ khác chưa kể đầu tư trên 15 tỷ đồng mua sắm hàng hóa, thiết bị thiết yếu khác…


          Nhờ vậy, các hợp tác xã và tổ chức nông dân tham gia dự án đều bắt đầu sử dụng phổ biến giống lúa xác nhận và giống chất lượng cao; giảm được chi phí đầu vào và giảm thất thoát sau thu hoạch. Việc liên kết sản xuất được mở rộng với 57.000 ha được các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm; lợi nhuận từ trồng lúa tăng hơn 28,3% so với nông dân canh tác ngoài dự án đồng thời tổng phát thải giảm bình quân trên cả năm từ hoạt động trồng lúa đạt 813.000 tấn CO2 thông qua đo đạc thực tế bằng phương pháp đo buồng kính tính từ lúc gieo sạ đến khi thu hoạch.


          Phát biều chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá những hỗ trợ từ dự án đã thúc đẩy sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức sản xuất của nông dân, đóng góp vào thành công chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương hưởng lợi. Cụ thể là có sự chuyển biến rõ rệt về sử dụng giống xác nhận và giống chất lượng cao; giảm lượng giống gieo sạ xuống trung bình 100 đến 120 kg/ha thay vì 140 kg đến 200 kg/ ha như trước đây. Vấn đề bao tiêu nông sản hàng hóa từng bước được giải quyết, lợi nhuận trồng lúa mang lại cho nông dân tăng lên, giảm khí phát thải trong quá trình canh tác và công tác truyền thông cũng như xây dựng thương hiệu được hết sức chú trọng...


          Trong giai đoạn gia hạn dự án (1/2021 đến 6/2022), 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tham gia dự án dự kiến kế hoạch đầu tư gần 1.030 tỷ đồng vốn trong đó có trên 254 tỷ đồng vốn đối ứng nhằm triển khai thực hiện 86 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa theo hướng bền vững và thích ứng biến đồi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới. Do thời gian không còn nhiều nên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương hưởng lợi sau Hội nghị phải khẩn trương triển khai các bước cần thiết như: lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, lựa chọn tư vấn thiết kế…để sớm thi công, hoàn thành đưa các công trình trong kế hoạch dự kiến vào sử dụng, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống./.

  

Minh Trí
Tin liên quan