Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và tìm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Ngành du lịch cả nước nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng đầy những “nốt trầm”, kéo theo nguồn thu từ các dịch vụ du lịch giảm đáng kể, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua. | |
Bến tàu du lịch vắng hoe, tàu neo đậu dày đặc tại bến |
Ghé Trung tâm phát triển Du lịch tỉnh Tiền Giang (Đường 30/4, phường 1, TP. Mỹ Tho) vào những ngày đầu năm mới 2021 này, chưa bao giờ nơi đây thưa thớt, vắng lặng, đìu hiu như hiện tại. Chỉ lác đác một vài chị hướng dẫn viên, một vài anh bảo vệ qua lại. Nhà đón khách Du lịch tại đây, thường khi rất tấp nập, nhộn nhịp, nay cũng yên lặng, chỉ một, hai điểm đón khách của các Công ty có người canh chừng, đón những vị khách đột xuất hoặc đăng kí trước. Có những bàn đón khách của một số Công ty không người đón, gần như ngưng hoạt động đã từ lâu.
Các quầy bán hàng lưu niệm tại bến tàu Du lịch cũng đóng cửa trả mặt bằng do không bán được hàng, mặt bằng có giảm giá nhưng nhiều tháng qua vẫn hoạt động cầm chừng và dần đi đến thua lỗ, phải trả mặt bằng. Chị Đoàn Thị Kiều Oanh đang cặm cụi quét bụi, sắp lại những món hàng lưu niệm tại bến tàu Du lịch buồn rười rượi nói: “Tôi và mấy hộ buôn bán ở đây ráng bán cầm chừng, mỗi ngày bán được một, hai món hàng là mừng, có ngày sáng dọn ra rồi chiều lại cất vào. Mặt bằng đã được giảm hơn một nữa giá tiền nhưng phải duy trì, bảo quản từ quà lưu niệm cho tới các mặt hàng nước giải khát, tiền điện nước và bao nhiêu thứ khác…cứ như thế này hoài thì những người như chúng tôi phải trả mặt bằng đi tìm việc khác mưu sinh”.
Các quầy bán quà lưu niệm cũng hoạt động cầm chừng,
nhiều quầy đóng cửa do vắng khách
Nhà xe thì trống quảnh, lác đác một vài chiếc xe của những người làm việc tại Trung tâm phát triển Du lịch tỉnh Tiền Giang, các hộ bán quà lưu niệm. Nhiều phương tiện đưa đón khách du lịch cũng neo đậu dày đặc tại bến tàu. Các chủ phương tiện cũng rời tàu và cùng nhau thuê một bảo vệ để bảo vệ, canh giữ, họ thì chuyển sang làm kinh tế gia đình hoặc chuyển sang một ngành nghề khác. Ông Phan Văn Hà, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho làm nghề lái tàu đưa khách du lịch đang neo đậu tại bến buồn bã nói: “Đã hơn 1 năm nay du lịch ế ẩm, trước Tết tầm một tháng thì có ngày còn chạy được 1-2 chuyến, từ hôm dịch Covid-19 bùng phát đến nay không chạy được chuyến nào, neo đậu suốt tại bến. Dịch còn diễn biến phức tạp như thế này, khách không dám đi du lịch, những người lái tàu như chúng tôi chắc chuyển sang nghề khác mới sống nổi”.
Tiền Giang nổi tiếng với các khu du lịch sinh thái, các điểm du lịch tâm linh, thu hút hàng ngàn khách đến tham quan mỗi ngày. Dịp lễ, Tết con số này lượng khách tăng lên gấp nhiều lần. Thế mà, Tết năm nay chỉ lác đác mỗi ngày vài chục khách nội địa, ai nấy điều cảm thấy buồn, trống vắng và nhiều nỗi lo khi dịch bùng phát cao điểm ngay mùa nghỉ Tết, lượng khách tuột dốc không phanh. Chị Đặng Thị Kim Phụng, hướng dẫn viên du lịch Công ty Việt Nhật tâm sự: “Mấy năm trước dịp lễ, tết có ngày đi 2-3 tuor hướng dẫn cho khách, năm nay thật sự rất buồn và nhớ nghề. Thỉnh thoảng vài ngày mới có 1,2 người đến lẻ tẻ nhưng vẫn phải đi với họ để hướng dẫn các điểm tham quan cho họ, để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp của Tiền Giang mình. Năm nay, không riêng gì bản thân tôi mà những người làm du lịch ai nấy đều buồn vô cùng. Những ngày Tết, dịp cuối tuần dù biết không có khách nhưng vẫn đến để hi vọng có một, hai người để dẫn họ tham quan. Nằm ở nhà, chúng tôi nhớ nghề lắm”.
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và tìm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Ngành du lịch cả nước nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng đầy những “nốt trầm”, giảm đáng kể những khoảng doanh thu từ ngành du lịch. Ông Phạm Việt Dũng - Phó GĐ Trung tâm phát triển Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết: “Những ngày Tết Nguyên đán 2021 vừa qua, lượng khách giảm gần như 100%, mỗi ngày chỉ vài khách đến các cồn, ngành du lịch gần như thất thu ở tất cả các khâu phục vụ khách. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng đón khách sau Tết với các giải pháp đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Các dịch vụ du lịch vẫn đảm bảo phục vụ tốt, để tạo sự thích thú, ấn tượng đẹp, sẵn sàng phục hồi ngành du lịch tỉnh Tiền Giang sau khi dịch bệnh đi qua”.