Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Mẹ không tin bé yêu bị bệnh trĩ
(Ngày đăng: 25/02/2021)

Ngày 21/2/2020 bé Trần Kim N, 3 tuổi, nhà ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang bị tiêu ra máu tươi, mẹ vội đưa đến bác sĩ khám. Mẹ kể em thường bị táo bón, hôm nay bé đi tiêu thấy có máu đỏ tươi dính theo phân, khi vệ sinh bổng thấy có một cục thịt mềm mềm hơi đỏ lồi ra, sợ quá chừng! Bác sĩ khám và hỏi về ăn uống của bé, hỏi về gia đình của bé nữa, rồi bác sĩ nói: “Chị giỏi quá, thấy bé bị tiêu ra máu là đi khám bệnh liền. Cháu bị bệnh trĩ đó chị”.
Trĩ lồi ra ở vùng hậu môn của bé

 

          Mẹ nghe nói bổng thấy bủn rủn tay chân, vì chị biết bệnh trĩ như thế nào rồi, chị cũng bị trĩ khi mang bầu bé N lúc gần sanh, chị không tin là trẻ con cũng bị trĩ. Bác sĩ trấn an chị và chia sẻ với chị là tuổi nào cũng có thể mắc bệnh trĩ, quan trọng là cách phòng ngừa và chăm sóc bé khi chẳng may bé mắc bệnh trĩ.


          Về chuyên môn, cũng giống như người lớn, trĩ là do các tĩnh mạch ở hậu môn phình giãn và sa ra ngoài khỏi niêm mạc của ống hậu môn và hậu môn. Bình thường xung quanh hậu môn và đoạn cuối của ruột già người ta gọi là ống hậu môn có một đám tĩnh mạch chằng chịt rối rắm như rễ cây, cộng với các sợi cơ trơn và dây thần kinh, gọi chung là tấm đệm hậu môn, nó có nhiệm vụ cung cấp máu và điều hòa hoạt động của ruột, đảm bảo cung cấp năng lượng cho động tác rặn để đi cầu một cách chủ động. Tấm đệm này được neo giữ cố định khá chắc chắn bằng các dây chằng có tính đàn hồi (dây chằng Park). Nếu vì một lý do nào các sợ dây chằng mất tính đàn hồi, mà bị nhảo ra, bị thoái hóa trở nên mỏng manh, thì chức năng neo giữ đám rối tĩnh mạch hậu môn bị mất tác dụng, đám rối tĩnh mạch sẽ dễ dàng di chuyển khỏi vị trí bình thường, nó bị tuột ra tạo thành các túi tĩnh mạch như cái bong bóng phồng lên bằng đầu ngón tay, đó là bệnh trĩ. Ngoài vai trò của dây chằng neo giữ, đám rối tĩnh mạch còn chịu sự tác động của sự gia tăng áp lực như khi đứng lâu, làm việc nặng, di truyền mất van tĩnh mạch và sự tác nghẽn hệ thống tĩnh mạch trĩ cũng là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ. Đối với trẻ em, dù tỉ lệ bệnh trĩ rất thấp, khoảng 1% trẻ dưới 5 tuổi, người lớn 50%, nhưng bệnh trĩ ở trẻ em cũng có từ lúc mới sinh (di truyền) cho đến trưởng thành, do cơ thể của trẻ em phát triển chưa hoàn chỉnh, vùng hậu môn trực tràng còn yếu, các dây chằng treo và các sợi cơ có chức năng neo giữ đám rối tĩnh mạch bị lỏng lẻo nên dễ làm cho tĩnh mạch vùng này sa ra ngoài khi có sự tăng áp lực bên trong vùng hậu môn.


          Áp lực vùng hậu môn trực tràng tăng cao xảy ra khi bé rặn quá mức, chủ yếu là bé bị táo bón, bị tiêu chảy kèm mót rặn, ngồi bô quá lâu. Một số bệnhh lý ở gan và ruột cũng có thể gây nên bệnh trĩ. Dựa vào vị trí phát sinh búi trĩ ở phía trên hay phía dưới ranh giới đường lược ở hậu môn, bệnh trĩ được chia ra các loại trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp.


          Để nhận biết bệnh trĩ ở trẻ em, bà con mình chú ý các dấu hiệu khi bé đi tiêu, thường gặp là đi tiêu ra máu tươi, phân cứng, mỗi lần đi tiêu là khóc, ngứa, rát hậu môn, nhìn hậu môn có thể thấy cục thịt thừa sau khi đi tiêu, nhiều giờ sau nó mới thụt vào, lâu ngày bé bị thiếu máu, suy dinh dưỡng.


          Đa số trĩ ở trẻ em sẽ tự khỏi bệnh theo thời gian mà không cần phẩu thuật. Khi phát hiện trẻ tiêu ra máu hoặc có bất kỳ sự bất thường ở hậu môn,bà con nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm


          Đề phòng bệnh trĩ ở trẻ em, bà con mình chú ý thay đổi tập quán ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc bé. Về ăn uống nên cho bé ăn nhiều chất xơ để tránh táo bón. Chất xơ đóng vai trò quan trọng đối với hệ tiêu hóa. Nó giúp tạo khối phân, làm tăng khả năng hoạt động của nhu động ruột và hỗ trợ đào thải chất độc cho cơ thể. Rau củ và trái cây tươi chính là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào nhất cho cơ thể. Hạn chế cho bé ăn thức ăn nhanh, chiên, xào, thức ăn nhiều tinh bột. Hãy cho bé uống nhiều nước, vì nước góp phần làm mềm phân, bé dễ đi cầu. Về sinh hoạt, bà con mình cần tránh cho bé ngồi trên bề mặt cứng hay ngồi trên bệ toilet trong thời gian dài hơn 10 phút. Ngồi quá lâu sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch trĩ gây nên bệnh trĩ . Bà con mình cũng phải quan tâm hướng dẫn bé tập thể dục, tăng hoạt động thân thể. Khi hoạt động giúp các cơ thành bụng trở nên rắn chắc, các cơ quan nội tạng hoạt động điều hòa, thông suốt, tiêu tiểu dễ dàng, ngừa táo bón. Khuyên bé không nên ngồi xem truyền hình, vi tính, điện thoại trong thời gian dài. Bà con cũng cần thay đổi thói quen chăm sóc bé hàng ngày như không dùng khăn giấy khô lau chùi hậu môn bé sau đi tiêu, vì giấy khô dễ làm trầy sướt hậu môn, nếu vùng hậu môn trầy sướt, viêm nhiễm cũng ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thống tĩnh mạch trĩ. Nên thay khăn giấy bằng nước sạch để rửa hậu môn cho bé. Trường hợp bé bị đau mỗi lần đi tiêu, nên có tâm lý sợ đi tiêu, để lâu thì càng bón, càng có nguy cơ mắc bệnh trĩ, vì vậy bà con nên tập và động viên bé đi tiêu đúng giờ.

 

Bs Nguyễn Thành Úc
Tin liên quan