Đó là nội dung nghiên cứu do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – Green ID (trực thuộc Liên hiệp các Hội các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) thực hiện nhằm đóng góp vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) giúp Bộ Công Thương hoàn chỉnh Quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. | |
Đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Tiền Giang |
ĐỀ XUẤT CÁC KỊCH BẢN NGUỒN ĐIỆN TỪ GÓC NHÌN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Nghiên cứu đề xuất 3 kịch bản về cơ cấu nguồn điện. Trong đó, Kịch bản 1 không đề cập đến chính sách phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), nguồn điện cung cấp được tự do cạnh tranh trên cơ sở chi phí và các ràng buộc khung; Kịch bản 2 đáp ứng mục tiêu phát triển NLTT, đồng thời, NLTT sẽ phát triển và đảm bảo mục tiêu về Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam giai đoạn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg, ngày 25/11/2015; Kịch bản 3 đáp ứng mục tiêu phát triển NLTT theo chiến lược và không phát triển mới dự án nhiệt điện, than. Giai đoạn nghiên cứu của Quy hoạch điện VIII là 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng, phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành về xây dựng, nông nghiệp, tài nguyên, môi trường…
Kịch bản 1
Theo Kịch bản 1, công suất phát điện dự kiến tăng từ 4.978MW (năm 2018) lên 55.660MW (năm 2050); nhiệt điện, than dự kiến tăng từ 2.490MW (năm 2018) lên 20.270MW (năm 2050). Tỷ trọng của nhiệt, điện than trong tổng cơ cấu nguồn điện giảm từ 49% (năm 2018) xuống còn 36% (năm 2050); trong khi đó, tỷ trọng NLTT tăng từ 3,8% (năm 2018) lên 37,9% (năm 2050) chủ yếu do tăng công suất từ nguồn điện gió và điện mặt trời.
Kịch bản 2 Kịch bản 3
Theo Kịch bản 2, công suất phát điện dự kiến tăng từ 4.978MW (năm 2018) lên 69.029MW (năm 2050) do điện gió và điện mặt trời được ưu tiên lựa chọn và tỷ trọng nguồn NLTT tăng lên 47% (năm 2050) so với mức 38% của Kịch bản 1. Tỷ trọng của nhiệt, điện than giảm còn 24% (năm 2050) so với mức 36% của Kịch bản 1.
Theo Kịch bản 3, sẽ không phát triển mới dự án nhiệt điện, than tại ĐBSCL và công suất phát điện dự kiến có thể đạt 75.177MW (năm 2050) do sự gia tăng công suất từ nguồn NLTT. Theo đó, tỷ trọng nguồn NLTT sẽ tăng lên mức 56%. Cũng theo kịch bản này, nguồn khí hóa lỏng (LNG) sẽ được bổ sung vào nguồn cấp điện cho ĐBSCL với quy mô công suất khoảng 750MW vào năm 2030.
Cả 3 kịch bản đều bổ sung nguồn điện khí nội địa vào năm 2025 khi 3 nhà máy điện khí Ô Môn đi vào hoạt động với tổng công suất 5.352MW . Các nguồn điện được lựa chọn phần lớn là điện gió, điện mặt trời, pin tích năng và nhiệt điện than nhập khẩu. Theo đó, ĐBSCL có thể lựa chọn quy mô phát triển nguồn điện phù hợp cho từng giai đoạn mà không phải tăng cường lưới điện truyền tải liên vùng Tây Nam bộ - Đông Nam bộ.
HỖ TRỢ CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG BỀN VỮNG CHO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Dự án này do Green ID đề xuất, được Quỹ Khí hậu châu Âu tài trợ kinh phí thực hiện. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai trong năm 2020 cho các tỉnh khu vực ĐBSCL. Trong tháng 6-2020, theo đề nghị của Liên hiệp Hội Việt Nam (cơ quan quản lý dự án), UBND tỉnh giao Sở Công thương nghiên cứu, đóng góp cho nội dung dự án nêu trên. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy nhóm đối tác về chuyển dịch năng lượng sạch nhằm đề xuất các giải pháp phát triển năng lượng bền vững cho ĐBSCL và Quy hoạch điện VIII; Nâng cao nhận thức cho cộng đồng và tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương về kịch bản năng lượng sạch ở ĐBSCL.
Để triển khai các nội dung của dự án, trong tháng 6/2020, tại TP. Cần Thơ, Green ID tổ chức hội thảo chuyên đề “Chuyển dịch năng lượng bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long”. Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các tổ chức về ứng dụng và phát tiển NLTT ở trong và ngoài nước đã giới thiệu nhiều mô hình, chính sách thúc đẩy triển khai và phát triển NLTT; trong đó, có năng lượng mặt trời (NLMT), gồm: Hỗ trợ khởi nghiệp cho dự án ứng dụng NLTT, NLMT; cung cấp nguồn tài chính ưu đãi cho hoạt động đầu tư NLTT (thẻ Xanh); giới thiệu, chuyển giao một số mô hình ứng dụng NLMT trong lĩnh vực nông nghiệp (Agrisolar); thông tin về nhu cầu của nhà đầu tư ở trong nước và nước ngoài về thuê mái (nhà kho, nhà xưởng có diện tích từ 7.000 m2 trở lên) để đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái… Một nội dung thiết thực được Ban tổ chức đưa ra tại hội thảo là thành lập Nhóm đối tác về chuyển dịch năng lượng ở ĐBSCL với các thành viên gồm đại diện các sở, ngành tỉnh (Liên hiệp Hội, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp - PTNT…), các chuyên gia về NLTT, NLMT… Hoạt động chính của nhóm đối tác là phối hợp truyền thông về phát triển năng lượng bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai chương trình triệu ngôi nhà xanh; nghiên cứu, đầu tư và phát triển công nghệ điện mặt trời phục vụ sản xuất…
Bên cạnh đó, hưởng ứng sự kiện “Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam lần thứ V, năm 2020” với chủ đề: “Đột phá để phục hồi và phát triển Xanh vì cuộc sống an lành”, ngày 25-8-2020, Green ID phối hợp các Bộ, ngành Trung ương, Liên hiệp Hội, các Sở, ngành cấp tỉnh trong cả nước tổ chức hội thảo chuyên đề về chuyển dịch năng lượng bền vững cho ĐBSCL. Hội thảo cung cấp thông tin về quá trình chuyển dịch năng lượng sạch trên thế giới và Việt Nam; khẳng định cơ hội, lợi ích của phát triển năng lượng bền vững đối với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, thu hút đầu tư, tạo việc làm, phục hồi và tăng trưởng kinh tế Xanh; thảo luận về những thách thức cũng như rào cản đối với sự phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam và các địa phương. Qua đó, đề xuất giải pháp, sáng kiến để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch cho Đồng bằng sông Cửu Long cũng như trong cả nước…
CHIA SẺ KINH NGHIỆM, ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI
* CHIA SẺ KINH NGHIỆM
Đại diện Công ty Shire Oak (Nhà phát triển NLTT hàng đầu Vương quốc Anh) giới thiệu hình thức thuê mái nhà của doanh nghiệp để đầu tư hệ thống điện mặt trời, nối lưới và bán điện cho EVN. Theo đó, doanh nghiệp cho thuê mái được ưu tiên mua điện từ hệ thống của Công ty với mức giá chiết khấu so với giá điện của EVN. Đặc biệt khi hết hạn hợp đồng thuê mái, quyền sở hữu hệ thống điện mặt trời sẽ được chuyển giao cho doanh nghiệp.
Ông Trần Anh Đông, Giám đốc Công CAS (Đà Nẵng) chia sẻ kinh nghiệm về kết quả triển khai mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp năng lượng mặt trời. Theo đó, mô hình Agrisolar của Công ty thiết kế, xây dựng đã tích hợp các hệ thống tự động hóa, tin học hóa vào tất cả các khâu của quá trình sản xuất gồm: Chăn nuôi, trồng trọt, thủy hải sản. Cụ thể: Mô hình nhà kính nông nghiệp kết hợp NLMT mái nhà CAS Farm và mô hình canh tác hở kết hợp NLMT được triển khai áp dụng tại trang trại hữu cơ Tiên Tiến (tỉnh Ninh Thuận). Theo ông Trần anh Đông, so với việc đầu tư nhà máy ĐMT, các mô hình ĐMT do Công ty CAS thiết kế sẽ tạo ra nguồn năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường mà không làm giảm diện tích đất nông nghiệp cũng như gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân xét trong dài hạn.
TS. Nguyễn Quốc Khánh - Chuyên gia NLTT chia sẻ kinh nghiệm về đầu tư khu đất kép: ĐMT kết hợp sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam (APV). Theo ông Khánh, chiều cao lắp đặt tấm pin APV thường phải cao hơn tấm pin thông thường nhằm đảm bảo ánh sáng có thể chiếu đến cây trồng và máy móc phục vụ sản xuất phía dưới giàn pin. Chi phí đầu tư hệ thống pin và giàn khung ở khu đất kép cũng cao hơn. Tuy nhiên, nếu xét về sản lượng điện thu được và doanh thu từ sản xuất nông nghiệp lại khả quan hơn. Do vậy, để bù đắp cho khoản kinh phí lớn này, nhà đầu tư nên lựa chọn các loại cây trồng giàu tiềm năng, cho thu nhập cao và có thể chịu bóng râm tốt như dưa vàng, khoai sọ, hành tây…
* MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI MÁI NHÀ
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, chúng tôi xin đề xuất, kiến nghị một số chính sách liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển điện mặt trời mái nhà như sau:
1. Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ các hộ gia đình đầu tư, lắp đặt điện mặt trời áp mái thông qua nguồn vốn cho vay lãi suất ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng Nông nghiệp – PTNT; đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với các tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư dự án ĐMT mái nhà (các gói tín dụng Xanh).
2. Bộ Công thương tăng nguồn vốn bố trí từ Quỹ khuyến công quốc gia hàng năm cho các tỉnh, thành để giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai dự án ứng dụng ĐMT mái nhà dưới hình thức hỗ trợ vốn không thu hồi hoặc thu hồi với lãi suất ưu đãi (0%) như các dự án khuyến công.
3. Bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các công nghệ năng lượng điện tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nổi nhằm đảm bảo an toàn cho quá trình lắp đặt, vận hành các tấm pin năng lượng mặt trời.
4. Về vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, giá mua ĐMT của EVN, đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định khung và giao Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về giá mua ĐMT sau thời điểm 31/12/2020 (thời điểm giá mua điện đối với các dự án ĐMT nối lưới theo quyết định số 13/QĐ-TTg, ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam hết hiệu lực).
5. Bộ, ngành liên quan cần thẩm định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và khuyến cáo người dân lựa chọn thiết bị, công nghệ điện mặt trời phù hợp khi tiến hành đầu tư, lắp đặt.
6. Các địa phương cần tận dụng, phát huy lợi thế và tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như: Điện gió, điện mặt trời, điện khí, năng lượng sinh khối... để vừa nhanh chóng đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển đời sống, kinh tế - xã hội, vừa giảm phát thải khí nhà kính có hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh nhà.
7. Xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển các mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, thủy sản); phát triển công nghệ biogas xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp quy mô hộ gia đình, trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh.
8. Green ID cần phối hợp các bộ, ngành liên quan, Liên hiệp Hội các tỉnh, thành đẩy mạnh truyền thông về những lợi ích của điện mặt trời mái nhà kết hợp triển khai chương trình “Triệu ngôi nhà Xanh vì Việt Nam thịnh Vượng”...