Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Rốn bé yêu đâm chồi, nẩy hạt, vì sao?
(Ngày đăng: 11/01/2021)

Bé Lê Bảo H, 20/1/2021, được mẹ bồng đến cơ sở y tế khám vì rốn bé chảy nước hoài từ ngày rụng rốn đến nay. Gia đình mua đủ loại thuốc thoa vào rốn mà không hết. Bác sĩ khám rốn cho bé, thấy rốn bé có nhiều chất dịch màu vàng đóng cục quanh rốn, trộn với nước màu xanh lơ do mẹ bé thoa cho bé.
Rốn bé có nhiều chất dịch màu vàng đóng cục quanh rốn

 

          Bác sĩ dùng nước muối rủa sạch rốn thì thấy có một chồi màu đỏ nhú lên ở giữa rốn, mềm mềm như nhung, ẩm ướt. Bác sĩ nói với mẹ của bé: “Chị thấy rốn bé không lành nên mua thuốc về thoa, chị thiệt là giỏi, quan tâm nhiều đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên thuốc xanh này lại không trị được bệnh của bé. Bé đang bị chồi rốn đó chị. Bác sĩ sẽ chấm một loại thuốc lên rốn, hy vọng vài bữa nữa bé sẽ khỏi”.


          Về mặt chuyên môn đây là một bất thường ở rốn bé sơ sinh, cứ 500 bé rụng rốn, sẽ có một bé bị chồi rốn, hay còn gọi là u hạt rốn. Nguyên nhân là do khi rốn rụng, tức dây rốn tách ra khỏi cuống rốn, các tế bào da ngoài cùng của chân rốn phát triển lên làm lành rốn, trong y khoa gọi là quá trình biểu bì hóa, quá trình này được hoàn thành trong vòng 7 tới 15 ngày. Nếu sau 21 ngày đến 30 ngày mà rốn vẫn chưa rụng gọi là chậm rụng rốn. Sự chậm rụng rốn có liên quan chặt chẽ đến quá trình tạo ra u hạt rốn. Theo giả thuyết mà các nhà khoa học đồng thuận là chính tình trạng viêm, tức có sự hiện diện của tế bào viêm ở gốc rốn sẽ dẫn đến sự phát triển quá mức của tế bào nội mô và biểu mô hóa không hoàn toàn. Người ta soi trên kính hiển vi thấy u hạt rốn được cấu tạo bởi các nguyên bào sợi, nhiều mạch máu nhỏ, nội mô và tế bào viêm như đại thực bào chứa trong mô đệm phù nề, hoàn toàn không có tế bào thần kinh, vì vậy chồi rốn hoàn toàn không đau, mà nó có thể chảy máu, hoặc rỉ dịch vàng của huyết thanh.


          Tại sao rốn lại chậm rụng? Người ta thấy rằng sự tách dây rốn ra khỏi chân rốn chậm do hai nguyên nhân, một là nhiễm trùng, hai là rối loạn miễn dịch. Bình thường vùng da quanh chân rốn có một hệ sinh vật vốn cân bằng, sống cộng sinh với nhau, nếu sự cân bằng này bị phá vỡ do sự chăm sóc rốn kém vệ sinh, thì vi khuẩn gây bệnh sẽ dễ dàng xâm nhập và gây nhiễm trùng rốn. Còn rối loạn miễn dịch là do di truyền, bạch cầu bị khiếm khuyết không kết dính hay bạch cầu giảm vận động sẽ làm cho cơ thể bé rất dễ bị vi khuẩn tấn công, trong đó có nhiễm trùng chân rốn. Sự nhiễm trùng tại chân rốn sẽ ngăn cản quá trình biểu mô hóa và kích hoạt sự hình thành u hạt. Một nghiên cứu ở nước ngoài gần đây cũng cho thấy nếu kẹp gần cuống rốn trong 24 giờ sau sinh cũng giúp ngăn ngừa u hạt rốn.


          Vậy muốn bé không bị u hạt rốn thì bà con mình nên chú ý đến khâu chăm sóc rốn bé sơ sinh đúng cách. Trước hết mẹ phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sau đó dùng bông tăm thấm nước sôi để nguội, hoặc nước muối sinh lý, rồi nhẹ nhàng lau sạch vùng rốn cho bé theo trình tự từ chân rốn, thân rốn rồi đến bề mặt của cuống rốn. Rồi mẹ thay tăm bông sạch khác thấm lại cho khô vùng cuống rốn và chân rốn của bé. Đối với vùng da xung quanh rốn, bà con nên dùng cồn 70 độ, lau từ chân rốn ra ngoài. Không băng kín rốn, mà phải để rốn thông thoáng với khí trời. Khi quấn tã, không nên quấn đè lên rốn, vì nếu tã quấn luôn rốn, rốn sẽ dễ bị dính phân hay nước tiểu của bé thấm lên tã. Không bao giờ rắc kháng sinh, các hóa chất, lá cây dân tộc... lên rốn của bé, mà mọi loại thuốc dùng cho bé, bà con đều phải theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi thấy rốn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì bà con nên đưa bé đến cơ sở y tế để khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.

 

Bs. Nguyễn Thành Úc
Tin liên quan