Hiện nay, để thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai vừa đảm bảo an sinh xã hội, nông dân các địa bàn khó khăn, đặc biệt là những huyện, thị ven biển phía Đông tỉnh Tiền Giang: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo…đang tích cực phát triển chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ theo hướng bền vững. Ước tính, tổng đàn dê của tỉnh hiện có khoảng 140.000 con, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015. | |
Nuôi dê nông hộ ở xã Long Hưng (Châu Thành) |
Trên địa bàn tỉnh, hiện có nhiều mô hình nuôi dê: nuôi dê thịt, cung ứng dê giống, nuôi dê theo mô hình trang trại, nuôi dê lấy sữa,.. tùy tình hình thực tiễn địa phương và khả năng của các hộ chăn nuôi. Đi tiên phong nuôi dê lấy sữa theo mô hình trang trại có nông dân Nguyễn Hoàng Trí, cư ngụ tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành. Ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây cất chuồng trại, chăn nuôi dê lấy sữa với tổng đàn trên 200 con. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi ròng từ 200 triệu đến 250 triệu đồng từ nguồn lợi cung ứng sữa và dê giống cho nhu cầu thị trường. Ngoài ra, ông còn phổ biến kỹ thuật, hướng dẫn nông dân cách xây cất chuồng trại, chọn giống tốt để nuôi dê lấy sữa đồng thời thành lập Hợp tác xã nuôi dê sữa Tam Hiệp trong nỗ lực nhân rộng mô hình làm ăn mới, hiệu quả trong cộng đồng.
Tương tự, ở huyện Gò Công Đông có mô hình nuôi dê trang trại của ông Đoàn Văn Hồng, cư ngụ tại xã Tăng Hòa. Tăng Hòa (Gò Công Đông) là địa bàn ven biển, điều kiện sản xuất khó khăn, thường xuyên bị thiên tai hạn mặn gây nhiều thiệt hại. Trước tình hình trên, ông Hồng mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa bấp bênh sang lập trang trại nuôi dê cung ứng dê thịt, dê giống cho nhu cầu thị trường. Hiện trang trại nuôi dê của ông qui mô lớn nhất huyện Gò Công Đông với tổng đàn trên 100 con dê nái và dê thịt, mỗi năm thu lợi trên 200 triệu đồng.
Ông Đoàn Văn Hồng cũng là hạt nhân giúp địa phương thành lập được Tổ hợp tác chăn nuôi dê lai thương phẩm xã Tăng Hòa. Qua đó, tập hợp hộ chăn nuôi dê, liên kết sản xuất, giúp đưa nghề chăn nuôi dê ngày càng phát đạt trong cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập.
Nuôi dê qui mô gia đình có ông Lê Văn Út, cư ngụ tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Trong chuồng nhà ông có tổng đàn dê sinh sản 20 con. Ông cho biết, dê sinh sản trung bình 2 năm 3 lứa. Mỗi lứa, một con nái đẻ ra 2 con dê con. Dê con nuôi đạt trọng lượng khoảng 40kg ông xuất chuồng bán thịt. Với mô hình và qui mô chăn nuôi kể trên, mỗi năm ông thu lãi ròng gần 100 triệu đồng. Nhờ nghề nuôi dê, từ chỗ gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh trước đây, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định, ngày càng khấm khá hẳn lên.
Theo ông Út, dê dễ nuôi, thích ứng điều kiện khó khăn, đầu ra thuận lợi, phù hợp phát triển nhân rộng trong các mô hình chăn nuôi như VAC, cho nông dân thu nhập cao.
Nhận thấy tiềm năng và triển vọng của nghề chăn nuôi dê thích ứng biến đổi khí hậu, Tiền Giang quan tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển đàn dê, nông dân hưởng lợi, góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, thích ứng biến đổi khí hậu và đưa nông nghiệp – nông thôn – nông dân đi lên. Trong các năm qua, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, khả năng ứng dụng hiệu quả trong đời sống thực tế tại địa phương trên lĩnh vực chăn nuôi dê như: Thử nghiệm mô hình cải tạo giống dê địa phương; Dự án: “Ứng dụng mô hình cải tạo giống dê địa phương” tại huyện Gò Công Đông; Dự án “Gieo tinh nhân tạo trên dê”…tại các huyện, thị có nghề nuôi dê phát đạt. Ngoài ra, còn ứng dụng, chuyển giao mô hình nuôi dê trên đệm lót sinh học, giúp giải quyết ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe…
Theo đánh giá, kết quả nhập nuôi thành công 5 giống dê cao sản lai tạo với giống dê Bách Thảo địa phương cho ra đàn dê lai F1 có ưu điểm vượt trội đồng thời với xác định được khẩu phần thức ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của đàn dê lai, góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi dê của người dân địa phương, đưa khoa học công nghệ vào thâm canh. Qua đó, nhằm nâng chất lượng đàn dê; tăng năng suất thịt, sữa; cải tạo con giống; nâng cao giá trị sản phẩm từ dê; đưa con dê trở thành một trong những vật nuôi chủ lực tại các địa bàn khó khăn, thường xuyên chịu thiên tai hạn mặn, giúp ổn định và nâng cao đời sống nhân dân./.