Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Một số đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
(Ngày đăng: 30/11/2020)

Trong quý III/2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (Liên hiệp Hội) tổ chức điểm cầu tham dự hội thảo trực tuyến, chủ đề „Chuyển dịch năng lượng bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long” do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – Green ID (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam) với sự tham gia của một số tỉnh, thành trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Re – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội phát biểu tại điểm cầu Tiền Giang

 

          Các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ những kinh nghiệm, những lợi ích của việc ứng dụng hệ thống điện mặt trời như: Những câu chuyện về người tiên phong trong việc nghiên cứu, sản xuất thiết bị điện mặt trời đến ứng dụng điện mặt trời mái nhà; Những lợi ích, hiệu quả kinh tế khi đầu tư hệ thống điện mặt trời quy mô hộ gia đình; Cần thay đổi gì về chính sách để thúc đẩy điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam; Giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà kết hợp sản xuất nông nghiệp; tính khả thi trong kết hợp phát triển công nghệ cao với điện năng lượng mặt trời; Tiềm năng, hiệu quả của điện mặt trời nổi (lắp trên mặt nước, vùng bán ngập, ven bờ) cùng một số kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển điện mặt trời nổi...


          Trên cơ sở nội dung các báo cáo tham luận, ý kiến thảo luận trình bày tại hội thảo, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, thúc đẩy việc triển khai chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến chính sách chuyển dịch và phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như sau:

 

Đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến


          - Một là, cấp ủy các cấp tổ chức triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nội dung Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, đề nghị ngành Công thương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch vốn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.


          - Hai là, có kế hoạch, chủ động phát triển nhanh năng lượng tái tạo, bao gồm:


          + Tận dụng, phát huy lợi thế và tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của địa phương như: Điện gió, điện mặt trời, điện khí, năng lượng sinh khối... để vừa nhanh chóng đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển đời sống, kinh tế - xã hội, vừa giảm phát thải khí nhà kính có hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh nhà.


          + Xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển các mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, thủy sản); phát triển công nghệ biogas xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp quy mô hộ gia đình, trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh.


          + Kết nối nguồn lực tài chính (Ngân hàng, Khối doanh nghiệp tư nhân, trái phiếu xanh; xã hội hóa…) nhằm thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo.


          + Lồng ghép quy hoạch các nguồn năng lượng tái tạo trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, Quy hoạch chung của vùng và Quy hoạch điện Quốc gia theo phương án Quy hoạch điện VIII.


          + Tăng cường sự chủ động tham gia của các cơ quan, ban ngành địa phương trong hoạt động xây dựng chính sách liên quan tới năng lượng tái tạo.


          + Nâng cao năng lực cho các cán bộ địa phương về năng lượng tái tạo.

 

          + Tăng cường tuyên truyền về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, kêu gọi sự tham gia tích cực của cộng đồng.

 

          - Ba là, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng đối các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng để ứng dụng các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo.


          - Bốn là, Green ID cần phối hợp các bộ, ngành liên quan, Liên hiệp Hội các tỉnh, thành đẩy mạnh truyền thông về những lợi ích của điện mặt trời mái nhà.


          - Năm là, đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ các hộ gia đình đầu tư, lắp đặt điện mặt trời áp mái thông qua nguồn vốn cho vay lãi suất ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng Nông nghiệp – PTNT; đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với các tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho tổ chức, doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà.


          - Sáu là, đề nghị Bộ Công thương tăng cường nguồn vốn bố trí từ Quỹ khuyến công quốc gia hàng năm cho các tỉnh, thành để giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai dự án ứng dụng điện mặt trời mái nhà dưới hình thức hỗ trợ vốn không thu hồi hoặc thu hồi với lãi suất ưu đãi (0%) như các dự án khuyến công. Bộ, ngành liên quan cần hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các công nghệ năng lượng điện tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nổi nhằm đảm bảo an toàn cho việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời.


          - Bảy là, về vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, giá mua điện mặt trời của EVN, đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định khung và giao Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về giá mua điện mặt trời (sau thời điểm 31/12/2020) áp dụng trong thời gian dài.


          - Tám là, bộ, ngành liên quan cần thẩm định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và khuyến cáo người dân lựa chọn thiết bị, công nghệ điện mặt trời phù hợp khi tiến hành đầu tư, lắp đặt.


          - Chín là, ngành điện cần công khai quy hoạch hay các vị trí trạm, lưới điện có khả năng tiếp nhận, nối lưới từ các dự án đầu tư điện mặt trời...


          Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, việc thể chế hóa Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giúp chuyển dịch năng lượng bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang./.

 

Trần Phương – Hương Huỳnh
Tin liên quan