Bưởi là một trong những cây ăn trái chủ lực, có giá trị kinh tế cao ở Tiền Giang và Đồng bằng song Cửu Long. Câu chuyện nhiều nhà vườn canh tác bưởi có thu nhập bình quân/ha đạt vài trăm triệu đồng đến một tỷ đồng không phải là hiếm nếu việc đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách hợp lý. | |
Hiện tượng sâu hại trên trái bưởi |
Bên cạnh những thuận lợi nhất định, người trồng bưởi cũng đối mặt với không ít những khó khăn trong sản xuất, đặc biệt trong việc quản lý hiệu quả dịch hại, an toàn thực phẩm và môi trường. Trong đó, sâu đục trái Citripectis sagittiferella (Lepidoptera: Pyralidae) được biết đến như là dịch hại mới tấn công, lây lan nhanh và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nhà vườn bưởi ở Tiền Giang và nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam.
Sâu đục trái là đối tượng kiểm dịch rất quan trọng, vì sự gây hại cũng như khả năng lây lan và phát tán rất nhanh của chúng. Để quản lý hiệu quả đối tượng dịch hại nầy các nhà khoa học đề ra nhiều biện pháp khác nhau (biện pháp tổng hợp), đồng thời khuyến cáo nên quản lý trên diện rộng mang tính cộng đồng và tiến hành cùng thời điểm.
Biện pháp bao trái bảo vệ trái bưởi
1. Biện pháp canh tác
- Thu gom và tiêu huỷ triệt để trái bị nhiễm sâu (trái đã rụng hoặc còn trên cây). Có thể ngâm trái bị nhiễm sâu vào dung dịch vôi pha với nước theo tỷ lệ 2% (2 kg vôi/100 lít nước) để diệt sâu.
- Bồi bùn, ngoài việc cung cấp dinh dưỡng cho cây, đồng thời cũng hạn chế sâu hoá nhộng trong đất.
- Tạo điều kiện thuận lợi và xử lý ra hoa đồng loạt để dễ quản lý sâu gây hại.
- Tỉa bỏ bớt trái non (trái méo mó, trái có tì vết, trái nhiễm sâu bệnh…) trước hi tiến hành bao trái.
2. Biện pháp vật lý
- Trong trường hợp nếu không áp dụng được biện pháp bao trái, có thể sử dụng ánh sáng đèn để xua đuổi thành trùng (bướm).
- Loại đèn chiếu sáng: Đèn có ánh sáng trắng để tiết kiệm điện, nên chọn đèn Compact 15 W (10 đèn/1.000 m2) treo ở vị trí giữa tán cây.
- Thời gian chiếu sang: Từ 18 giờ đến 21 giờ mỗi đêm vào giai đoạn trái non (khoảng 3 tuần tuổi) cho đến khi thu hoạch (các tháng mùa nắng trong năm).
- Tuân thủ triệt để các hướng dẫn an toàn về sử dụng điện khi thắp đèn.
3. Biện pháp sinh học
- Hạn chế sử dụng thuốc hoá học có độc tính cao để bảo vệ nguồn thiên địch có sẵn trong tự nhiện của của sâu đục trái như: ong ký sinh, kiến vàng,…
- Có thể sử dụng nấm trắng (Beauveria sp.), nấm xanh (Metarhizium sp) kết hợp với phân hữu cơ đã ủ hoai để bón cho cây và diệt nhộng trong đất.
4. Biện pháp hoá học
Sử dụng luân phiên một trong các loại thuốc BVTV có hoạt chất như: Chlorantraniliprole + Thiamethoxam (Vitraco 40WG), Emamectin benzoate + Matrine (Rholam super 50WSG) kết hợp với chất lan trải bề mặt hay dầu khoáng nông nghiệp để tăng tính hiệu quả và hạn chế tính kháng thuốc của sâu. Phun 5 lần thuốc BVTV trên vụ trái (lần 1: khi trái được 4 tuần tuổi; lần 2: sau khi phun lần 1 là 2 tuần; lần 3: sau khi phun lần 1 là 4 tuần; lần 4: sau khi phun lần 1 là 8 tuần; lần 5: sau khi phu lần 1 là 12 tuần).
Chú ý: khi phun thuốc ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch trái phải tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly an toàn.