Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Triển vọng nghề nuôi lươn tại Tiền Giang
(Ngày đăng: 10/11/2020)

Hiện nay, Việt Nam cùng với nhiều nước trên thế giới có xu hướng sử dụng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và đầy đủ các chất dinh dưỡng như lươn, cá đồng, cá biển ngày càng tăng. Đặc biệt đối với những người có cơ địa nhạy cảm như người già và trẻ nhỏ, thịt lươn luôn là lựa chọn hàng đầu vì nó rất giàu chất dinh dưỡng.
Mô hình sản xuất lươn giống

 

          Thịt lươn rất giàu protein, chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Trong 100g thịt lươn chứa 12,7g chất đạm; 25,6g chất béo. Trong đó, cholesterol là 0,05g, năng lượng là 285 calo. Ngoài ra còn có các vitamin như: vitamin A và betacaroten: 2000 IU, vitamin B1: 0,15 mg, Niacin: 2,2 mg, Riboflavin: 0,31 mg, Biotin: 5 mg, Vitamin B6: 0,28 mg. Khoáng chất: Sắt: 0,7 mg, Natri: 78 mg, Kali: 247 mg, Calci: 18 mg, Magie: 18 mg, Photpho: 160 mg. Vì vậy thịt lươn là một trong những sản phẩm có tiềm năng nổi bật hơn những thịt động vật khác bởi những giá trị dinh dưỡng của nó.
Hiện nay, nguồn lươn tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nên nuôi lươn thương phẩm trở thành nghề gây sốt và rất có tiềm năng tại Việt Nam, trong đó có Tiền Giang. Không ít người nông dân đã thoát nghèo bền vững từ mô hình sản xuất giống và nuôi lươn thương phẩm. Có những địa phương trở nên nổi tiếng khắp cả nước với nghề nuôi lươn thương phẩm.


         Hiện trạng về sản xuất lươn tại Tiền Giang


         Theo người nuôi có kinh nghiệm cho biết nuôi lươn dễ mà khó, nên có ít người nuôi vì không phải vùng nào, xã nào, người nào nuôi cũng được. Cần phải được hướng dẫn kỹ thuật kết hợp kinh nghiệm và tuân thủ một số điều kiện nhất định nuôi mới có kết quả cao; việc nuôi lươn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước, nhiệt độ phải được kiểm soát và thay nước phải đúng giờ, tránh tiếng động ồn ào, hạn chế tác động cơ học làm lươn chậm lớn, người nuôi phải theo dõi chăm sóc thật tỉ mỉ cẩn thận.


         Về kinh nghiệm: Nghề nuôi lươn tại Tiền Giang có từ những năm 2000, nhưng không phát triển được, đến 2016 mới bắt đầu phát triển nên đa số các hộ nuôi có kinh nghiệm từ 2-4 năm.


          Về quy mô: Nhìn chung quy mô hiện nay còn tương đối nhỏ lẻ, đa số dưới 10 bể/hộ (dưới 60 m2), chỉ vài hộ được trên 10 bể/hộ, chủ yếu tại thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy, mô hình này phù hợp với nơi đô thị hay hộ có ít đất sản xuất. Tổng số hộ sản xuất lươn giống khoảng 20 hộ, số hộ nuôi lươn thịt trên 40 hộ.


         Về con giống: Trước đây con giống được thu gom từ tự nhiên và được thuần dưỡng 1 - 2 tháng trước khi đưa vào nuôi thịt để giúp lươn giống thích nghi với điều kiện nuôi nhốt, giảm hao hụt ở giai đoạn đầu. Hiện tại các hộ nuôi lươn thương phẩm chỉ sử dụng lươn giống nhân tạo đảm bảo chất lượng, khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, sử dụng được thức ăn viên, ít hao hụt khi nuôi, cung cấp quanh năm, đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng và một phần số lượng theo nhu cầu của người nuôi. Với giống nhân tạo sử dụng thức ăn viên đã giúp tỷ lệ sống lươn nuôi được nâng lên và ổn định trong quá trình nuôi. Tuy nhiên, sức sinh sản của lươn thấp nên hiện nay chưa đáp ứng đủ số lượng lươn giống nhân tạo cho người nuôi thương phẩm vì vậy phần nào cũng làm chậm sự phát triển của nghề nuôi lươn.


          Về thức ăn: Trước đây hộ sử dụng thức ăn tươi sống như cá tạp không chủ động được và không đảm bảo yêu cầu chất lượng nên lươn dễ bị lây nhiễm bệnh từ nguồn thức ăn tươi sống này và làm cho môi trường nước nuôi dễ bị ô nhiễm đã ảnh hưởng đến hiệu quả mô hình. Hiện nay sử dụng thức ăn viên công nghiệp, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, chất lượng phù hợp với nhu cầu phát triển của lươn.


          Về hình thức nuôi: Trước đây nuôi trong ao, bể có nền đáy bùn, diện tích lớn, giá thể cho lươn trú ẩn làm bằng khung tre/gỗ kết thành lồng bè đặt chồng lên nhau chiếm khoảng 2/3 diện tích bể nên khó quản lý, làm lươn dễ bị bệnh nên tỷ lệ sống thấp, chi phí sản xuất cao. Hiện nay nuôi trên bể/bạt không bùn, mặt trong trơn láng, diện tích nhỏ 3-6m2; giá thể sử dụng là dây nylon cột chùm treo trong bể/bạt; đáy bể được làm dốc về phía cống thoát để dễ đưa thức ăn thừa, chất bài tiết của lươn khi tháo cạn thay nước; Thường xuyên thay nước 1-3 lần/ngày tùy theo chất lượng môi trường nuôi hoặc cho nước chảy tràn để đảm bảo môi trường nuôi luôn ổn định vì vậy dễ chăm sóc quản lý, lươn ít bệnh, hiệu quả cao.


          Về năng suất: Đạt 250 kg/01 bể 6m2 (từ 170 kg đến 300 kg/1 bể 6m2). Tùy theo kích cỡ nguồn giống lươn ban đầu, thời gian nuôi lươn sẽ khác nhau, nếu con giống cỡ 300 con/kg thì thời gian nuôi từ 9-10 tháng.


          Về quản lý dịch bệnh: Lươn ở sạch, nên thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe lươn nuôi, áp dụng các các biện pháp phòng là chính, chỉ sử dụng thuốc kháng sinh được phép sử dụng và khi thật sự cần thiết.


          Xử lý môi trường: Hiện nay các hộ nuôi lươn cho nước thải ra ao tận dụng nuôi cá hoặc trồng cỏ chăn nuôi chưa có quy trình xử lý nước thải cụ thể, nếu về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường.


          Về liên kết tiêu thụ sản phẩm: Hiện tại tỉnh Tiền Giang chưa có hợp tác xã/tổ hợp tác nuôi lươn nên chưa khai thác tối đa các tiềm lực trong liên kết sản xuất. Mặt khác do phát triển sản xuất còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ nên việc tổ chức liên kết sản xuất và xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn chưa được đầu tư dẫn đến tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc rất lớn vào thương lái. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế mặc dù tiềm năng thị trường là rất lớn cả trong nước và xuất khẩu.


          Tiềm năng thị trường tiêu thụ lươn


          Hiện nay, nguồn lươn thịt tiêu thụ chủ yếu tại chợ đầu mối Bình Điền - TP.HCM khoảng 5.760 tấn/năm, trong đó lượng lươn thực tế tiêu thụ tại TP.HCM chiếm 40% tương đương 2.304 tấn/năm, điều này cho thấy sức mua sản phẩm lươn tại thị trường TP.HCM khá cao, trong khi đó sản lượng nuôi tại TP.HCM đạt khoảng 194 tấn/năm (chiếm 3% nhu cầu hiện tại của thị trường). Từ đó có thể dự đoán rằng việc phát triển nghề nuôi lươn thịt trong đó có Tiền Giang là rất triển vọng về tính khả thi của thị trường, nhất là trong bối cảnh bệnh dịch gây bất lợi cho ngành chăn nuôi heo như hiện nay.


          Về thị trường tiêu thụ của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng: Đa số người dân chưa quen việc chế biến món ăn từ thịt lươn trong cơ cấu bữa ăn chính trong gia đình, hình thức chế biến chủ yếu là các sản phẩm cháo dinh dưỡng, món ăn tại các nhà hàng, quán ăn, chỉ một tỉ lệ nhỏ người tiêu dùng đưa vào bữa cơm ăn hàng ngày.


          Theo số liệu từ nguồn Trademap.org - CPTPP, Việt Nam là một trong các quốc gia thuộc nhóm 10 nước trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu lươn nhiều nhất thế giới (tính từ 2014 đến 2018), tốc độ nhập khẩu lươn luôn gia tăng qua các năm, nếu năm 2014 giá trị nhập khẩu khoảng 1,3 triệu USD thì đến năm 2018 đã tăng lên rất cao là 9,8 triệu USD, được nhập khẩu từ các quốc gia Trung Quốc (là chính), Indonesia và Ma Rốc. Điều này cho thấy, thị trường tiêu thụ trong nước là thị trường không thể bỏ ngỏ nếu phát triển ngành nuôi lươn trong tương lai. Bên cạnh đó, năm 2018 các khu vực thị trường nhập khẩu lươn hàng đầu bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kong, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Singapo, Ma Cao, Canada và Việt Nam.


          Cũng theo số liệu thống kê từ nguồn Trademap.org - CTTPP cho thấy, năm 2018 tổng giá trị xuất khẩu lươn của các quốc gia trên thế giới đạt khoảng 573,9 triệu đô la Mỹ tương đương khoảng 26.160 tấn, dẫn đầu thị phần là thị trường đại lục của Trung Quốc 33.3%, Philippin 27.6%, Tây Tạng 9.4%, Indonesia 9.2%,... Từ kết quả này cho thấy, hiện tại Việt Nam chưa phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ lươn thông qua kênh xuất khẩu chính ngạch, việc phát triển thị phần xuất khẩu lươn của Việt Nam còn rất nhiều khó khăn và thử thách trong bối cảnh các quốc gia khu vực Châu Á đã và đang chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu lươn trên thế giới.


          Từ những tiềm năng của thị trường tiêu thụ lươn trong nước và thế giới cho thấy để chinh phục được thị trường, người nuôi lươn Việt Nam, trong đó có Tiền Giang cần phải nâng cao cả về lượng lẫn về chất và phát triển ngành nuôi lươn hiện nay là đúng xu hướng có tính khả thi về thị trường rất cao.


          Giải pháp để nghề sản xuất giống và nuôi lươn thương phẩm phát triển bền vững:


          Đối với các đơn vị quản lý nhà nước, các đơn vị khoa học: Xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi lươn thương phẩm không bùn để tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân - những người có nhu cầu nuôi lươn; Hướng tới mô hình nuôi lươn theo tiêu chuẩn GAP đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nghiên cứu sản xuất giống lươn nhân tạo để đảm bảo cung cấp đủ nguồn lươn giống, đảm bảo chất lượng, giá thành và năng suất; Đảm bảo có đầu mối quản lý và chuyên cung cấp giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng các mô hình khuyến nông về sản xuất giống và nuôi lươn thương phẩm không bùn, tập huấn, hội thảo, tham quan và dạy nghề để hướng dẫn quy trình nuôi đạt hiệu quả. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm lươn đến người tiêu dùng trong và ngoài nước; hỗ trợ xây dựng logo, website, ấn phẩm quảng bá, tham gia học tập kinh nghiệm về xúc tiến thương mại, các hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản, hội chợ triển lãm, hội thi,... Hỗ trợ thành lập, củng cố hoạt động của các tổ hợp tác/hợp tác xã để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi lươn.


          Đối với người nuôi lươn: Phải nghiên cứu, học tập kỹ thuật, kinh nghiệm trước khi nuôi, hạn chế thấp nhất những sai sót về kỹ thuật trong quá trình nuôi; Tham gia các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tham quan, dạy nghề… để có thông tin, quy trình kỹ thuật nuôi lươn. Tận dụng cơ hội hiện có về cơ chế, chính sách của nhà nước hiện nay để có điều kiện hỗ trợ phát triển như chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ lãi vay, chứng nhận sản phẩm, xúc tiến thương mại,... Chất lượng lươn thịt phải đáp ứng nhu cầu của thị trường như về màu sắc, kích cỡ, chất lượng an toàn thực phẩm,…đây là yếu tố quyết định đầu ra của sản phẩm.Tham gia các tổ hợp tác/hợp tác xã để có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, nắm thông tin thị trường, gắn kết với doanh nghiệp, các đơn vị thu mua để kết nối tiêu thụ. Tuân thủ các quy trình kỹ thuật, các hợp đồng liên kết khi sản xuất – tiêu thụ, cần giữ uy tín trong quá trình liên kết tiêu thụ đầu ra, chất lượng, số lượng.


          Từ những tiềm năng sẵn có, cùng với sự cần cù chịu khó của người nông dân tin chắc rằng tương lai không xa nghề nuôi lươn tại Tiền Giang sẽ phát triển bền vững góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn./.
 

Mỹ Ngọc
Tin liên quan