Ngày 09/10/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang phối hợp UBND huyện Gò Công Tây tổ chức sơ kết điểm trình diễn “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa” thuộc dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025”. | |
Máy cấy 3 trong 1 |
Năm 2020, dự án thực hiện tại 4 huyện (Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây, Gò Công Đông) gồm trình diễn 40,7 ha và nhân rộng 2.300 ha; trong đó vụ Hè Thu trình diễn 40,7 ha và nhân rộng 560 ha, vụ Đông Xuân nhân rộng 1.770 ha. Mục tiêu đến năm 2025 có 15.356 ha lúa ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, vụ Hè Thu năm 2020, tại huyện Gò Công Tây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện với quy mô 9,7 ha tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây) sử dụng giống lúa ST24.
Lúa giai đoạn 09 ngày sau cấy
Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao ứng dụng trong mô hình sản xuất lúa là máy cấy 3 trong 1, máy gieo hạt, gieo mạ trên khay; Lúa giống xác nhận, chất lượng cao; Phân bón thông minh bón 2 lần/vụ, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật. Dự kiến 10 ngày nữa thu hoạch, ước năng suất 6 tấn lúa tươi/ha cao hơn ngoài mô hình 0,2 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm khoảng 2,5 triệu đồng/ha nhờ tiết kiệm được chi phí lúa giống, phân, thuốc, công dặm lúa, trong đó có chi phí thuê làm mạ và cấy cao hơn ngoài mô hình. Giống lúa ST24 này được sử dụng lần đầu tiên tại vùng này, được nông dân đánh giá cao và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.
Lúa giai đoạn 87 ngày sau cấy
Quang cảnh hội nghị sơ kết điểm trình diễn
Qua dự án nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa giúp giảm giống, giảm phân thuốc, giảm công lao động nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và tăng thu nhập; sản xuất theo hướng nông nghiệp tiên tiến, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo. Đây là điểm sáng để người dân tham quan trao đổi kinh nghiệm và ứng dụng nhân rộng vào sản xuất đạt hiệu quả cao, bền vững./.