Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Đào tạo ToT triển khai dự án “Hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ ứng phó với đại dịch Covid-19 và hạn mặn tại tỉnh Tiền Giang”
(Ngày đăng: 16/10/2020)

Ngày 05/10/2020,Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang đã tổ chức lớp đào tạo ToT (đào tạo kỹ năng giảng viên) hướng dẫn triển khai dự án hợp tác công tư: “Hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ ứng phó với đại dịch Covid-19 và hạn mặn tại tỉnh Tiền Giang”với sự tham gia của 100 cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ nông nghiệp xã và nông dân ở địa bàn 6 huyện/thị trong tỉnh (Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Thị xã Gò Công và Thị xã Cai Lậy).
Quang cảnh lớp tập huấn ToT

 

          Qua lớp đào tạo nhằm trang bị và nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông và nông dân để triển khai dự án “Hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ ứng phó với đại dịch Covid-19 và hạn mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ” với các nội dung như: sử dụng phần mềm thu thập số liệu nông dân và thực hành; tổng quan về canh tác lúa bền vững và kỹ thuật sử dụng thuốc trừ nấm bệnh Aliette 800WG và Antracol 70WB; an toàn lao động cho nông dân (ưu tiên nông dân nữ) khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phòng chống dịch Covid-19.


          Dự án được thực hiện từ tháng 9/2020 đến tháng 03/2021 tại 15 xã/4 huyện gồm Cái Bè (xã Hậu Mỹ Trinh, Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B), Cai Lậy (xã Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam, Thạnh Lộc), Gò Công Tây (xã Long Vĩnh, Long Bình, Bình Tân, Vĩnh Hựu), Gò Công Đông (xã Tăng Hòa, Tân Điền, Phước Trung, Bình Nghị, Tân Thành) với đối tượng tham gia là các nông hộ sản xuất có nguyện vọng và đáp ứng các yêu cầu của dự án quy định.


          Mục tiêu cụ thể cần đạt được của dự án tại Tiền Giang là tăng cường cơ hội tiếp cận các giải pháp công nghệ về bảo vệ thực vật, hỗ trợ tập huấn, cấp phát miễn phí sản phẩm bảo vệ thực vật giúp bảo vệ năng suất trước tình hình hạn hán, nhiễm mặn cho 12.000 nông dân tại 4 huyện (Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông). Nâng cao năng lực cho giảng viên khuyến nông và nông dân trong canh tác nông nghiệp bền vững thông qua hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao kiến thức thực hành nông nghiệp tốt (GAP), từ đó giúp tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập và sinh kế của các nông hộ nhỏ tại Tiền Giang. Tăng cường năng lực phòng chống dịch Covid-19 và kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho nữ nông dân.


          Các nội dung thực hiện của dự án là hỗ trợ nông hộ phát triển bền vững gồm: Cấp phát 12.000 kg thuốc BVTV cho 12.000 nông dân; Tổ chức đào tạo ToT về GAP, thực hành ứng dụng cập nhật dữ liệu cho cán bộ, nông dân tham gia dự án 01 lớp ToT cho 100 cán bộ, nông dân; Tổ chức đào tạo 4 lớp ToF (đào tạo nông dân chủ chốt) cho nông dân 15 xã/4 huyện/4.000 người (Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông). Thu thập thông tin Database về nông dân hưởng lợi là 12.000 nông dân (phấn đấu đạt 48% là phụ nữ). Truyền thông về Covid -19 và tăng cường kiến thức cho nữ nông dân gồm: Phân phát tài liệu thông tin truyền thông (kết hợp quà, tài liệu thông tin truyền thông) cho 12.000 nông dân tại 15 xã/4 huyện; Đào tạo về phòng chống dịch Covid -19, tăng cường kỹ năng và kiến thức về chăm sóc sức khỏe của nữ nông dân (Lồng ghép vào tập huấn ToF).


          Qua dự án nhằm hỗ trợ các nông hộ sản xuất nhỏ tại Tiền Giang duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất, ứng phó hiệu quả với tình hình bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, đại dịch Covid-19 một cách bền vững, đảm bảo sản phẩm thu hoạch đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn quốc tế góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống và xây dựng một ngành nông nghiệp phát triển ổn định bền vững./.

 

Mỹ Ngọc
Tin liên quan