Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Nuôi tôm càng xanh toàn đực xen canh lúa – Những kỹ thuật cần lưu ý
(Ngày đăng: 14/07/2020)

Những năm gần đây, tôm càng xanh toàn đực được người dân quan tâm thực hiện, vì trước kia người dân chỉ nuôi được một vụ tôm sú trong năm. Khi mùa mưa đến là người nuôi tập trung cho công tác rửa mặn, cải tạo đất để chuẩn bị trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm. Đây cũng là thời điểm thu nhập của bà con nuôi tôm đạt thấp, vì tôm sú không thích hợp phát triển trong môi trường nước ngọt. Một số người dân đã nuôi xen canh cá, cua với trồng lúa, nhưng hiệu quả mang lại không cao, trong khi đó một số hộ quan tâm chọn hình thức nuôi tôm càng xanh xen canh với trồng lúa, vì môi trường trồng lúa phù hợp cho tôm càng xanh phát triển tốt. Một số yêu cầu kỹ thuật cần lưu ý:
Ương tôm trong vèo đặt trong ao

 

          Kỹ thuật ương tôm càng xanh (nuôi giai đoạn 1):


          Chuẩn bị ao, mương ương: Diện tích ương từ 200m2 trở lên tùy theo quy mô của từng hộ. Cải tạo ao, mương ương thật kỹ: tháo cạn nước, nạo vét bùn đáy, bắt cá tạp, tu sửa bờ, cống,… Bón vôi với liều lượng 7kg/100m2, phơi đáy. Lấy nước vào qua lưới lọc, mực nước đạt từ 0.8-1m tùy theo độ sâu của ao, mương ương, nếu phát hiện có cá tạp tiến hành diệt tạp bằng rễ dây thuốc cá, sau khi lấy nước vào khoảng 3-4 ngày tiến hành thả giống. Đặt giá thể cho tôm trú ẩn (tàu dừa hoặc chà). Hoặc có thể ương trên ao nổi.


          Chọn và thả giống: Giống tôm càng xanh toàn đực (tôm post). Con giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh, không bị xây xát, có kích cỡ tương đối đồng đều. Bao chứa tôm giống chuyển về được cho xuống ao, mương ngâm để thuần hoá nhiệt độ khoảng 15 phút mới thả tôm ra ao, mương ương. Thời gian thả tôm tốt nhất là sáng sớm hoặc chiều mát. Mật độ thả ương: 100 con/m2. Mật độ ương càng cao thời gian ương ngắn lại.



 Ương tôm trên ao nổi


          Cho ăn, chăm sóc và quản lý: Thức ăn cho tôm là thức ăn viên để hạn chế làm bẩn nước ao, mương ương. Ngày cho tôm ăn 4 lần (sáng 6-7giờ, trưa 10-11 giờ, chiều 16-17 giờ, tối 20-21 giờ), lượng thức ăn cho tôm ăn 0,8kg/100.000 con tôm/ngày đầu và tăng dần theo thời gian ương. Thức ăn cho tôm ăn trong suốt quá trình ương là thức ăn mảnh nên cần pha nước tạt đều xung quanh mương, ao cho tôm ăn. Lắp đặt hệ thống cung cấp oxy cho ao, mương ương. Giữ mức nước trong ao, mương ương từ 0.8 - 1.0m. Đặt sàn theo dõi khả năng bắt mồi của tôm để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp không để dư thừa hoặc thiếu thức ăn vừa gây lãng phí, dơ bẩn nước vừa làm tôm chậm lớn và phân đàn. Định kỳ 5-7 ngày thay nước một lần, mỗi lần thay từ 20-50% tùy theo màu nước và thời gian ương. Sau mỗi lần thay nước, mưa lớn cần tạt vôi vào ao, mương để giúp ổn định môi trường ao, mương ương tránh gây sốc tôm.


          Thu hoạch: Sau gần 2 tháng ương thì có thể tiến hành thu hoạch chuyển sang nuôi thương phẩm hoặc xuất bán giống. Trước khi thu hoạch 1 ngày cần thay nước 70% để kích thích tôm lột vỏ. Chuẩn bị dụng cụ (lưới kéo, vợt,…) và bể để chứa tôm, có thể dùng bể composite có sục khí, hoặc căng giai (vèo) ở những mương, ao nước sạch. Nên thu vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.


          Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa (nuôi giai đoạn 2):


          Điều kiện ruộng: Gần sông, rạch, kênh, mương để việc cấp thoát nước dễ dàng. Nguồn nước cấp phải sạch, có độ pH thích hợp. Gần nơi ở, thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý tôm nuôi.


          Xây dựng ruộng nuôi tôm: Diện tích ruộng nuôi tôm thích hợp 0,1 - 1ha. Bờ ruộng nuôi phải chắc chắn, không bị rò rỉ, nước rong không ngập bờ. Mặt ruộng tương đối bằng phẳng, mức nước trên ruộng đạt 0,3m. Mương bao quanh rộng 2 - 5m, sâu 0,5 - 1,2m. Đáy mương bằng phẳng, dốc về phía cống thoát. Có cống cấp và thoát nước riêng biệt, miệng cống 0,5 - 0,8m. Đảm bảo đủ lượng nước điều tiết khi cần thiết.


          Chuẩn bị ruộng nuôi tôm: Tháo cạn nước, dọn sạch cây cỏ, rong rêu, vét bùn đáy mương, đắp bờ bao chắc chắn, bón vôi 70 – 100kg/1.000m2, phơi đáy mương 7-10 ngày. Lấy nước vào ruộng nuôi qua lưới lọc từ cống, mực nước của mương nuôi từ 0.8 - 1m. Dùng dây thuốc cá để diệt tạp, liều lượng 1kg/100 m3 nước. Có thể bón phân NPK hoặc urê hoặc lân... với lượng 3 - 6kg/1.000m2 hoặc có thể sử dụng phân hữu cơ ủ oai 20kg/1.000m2 để gây màu. Thả chà (nhánh cây khô, rụng lá, không chát) được cắm thành từng cụm hoặc rải rác khắp mương để làm nơi trú ẩn cho tôm.


          Chọn và thả giống: Chọn giống tôm càng xanh toàn đực khỏe mạnh, có kích cỡ tương đối đồng đều, phản ứng nhanh, không bị nhiễm ký sinh hoặc bị đục cơ. Hiện nay việc đưa giống tôm càng xanh toàn đực vào nuôi được đặc biệt quan tâm, vì giải quyết tình trạng tôm cái mang trứng và tôm đực càng xào. Mật độ thả giống từ 2 - 4con/m2. Nếu tôm đã ương giai đoạn 1 ở trên thì chuyển sang ruộng nuôi giai đoạn 2 này.


          Quản lý thức ăn: Cho tôm ăn thức ăn viên công nghiệp, có độ đạm từ 25 – 32%, hệ số thức ăn FCR = 1.1-1.3. Cho ăn từ 1 – 2 lần/ngày, rải khắp mương nuôi. Liều lượng cho ăn (100.000 con tôm giống): Ngày đầu tiên cho ăn 0,8kg, sau đó tăng dần khoảng 80gam/ngày, tuần thứ 2 là 120gam/ngày, tuần thứ 3 là 200gam/ngày, tuần thứ 4 là 500gam/ngày. Từ tháng thứ hai liều lượng thức ăn được tính theo trọng lượng tôm từ 5,5% tháng thứ 2 giảm từ từ xuống còn 2% vào tháng thứ 6.


          Khi cho tôm ăn cần dựa vào một số yếu tố khác bên cạnh việc ước lượng theo đàn tôm trong ao để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp như: Căn cứ vào chất lượng môi trường mương hay những ngày mưa lớn nên giảm lượng thức ăn. Kết hợp sàng ăn và rãi thành nhiều điểm trong ao để có thể đánh giá đúng thức ăn tôm sử dụng. Theo dõi tăng trưởng và tình trạng sức khỏe tôm: do đặc tính của tôm lớn lên là nhờ lột xác và chu kỳ lột xác tuỳ thuộc vào kích cỡ và điều kiện môi trường sống.

 


Sàng kiểm tra thức ăn tôm


          Quản lý môi trường: Cần duy trì các yếu tố môi trường ao nuôi trong ngưỡng thích hợp. Đối với tôm càng xanh việc thay nước rất quan trọng, cần chủ động và thay nước thường xuyên, lượng nước thay từ 20 – 30% nước trong ruộng nuôi. Khi cấp nước cho ruộng nuôi tôm cần kiểm tra các yếu tố môi trường bên ngoài và ruộng nuôi cho tương đồng


Bảng quản lý các yếu tố môi trường ao nuôi

Yếu tố Tối ưu Cho phép Chú ý
 DO (ppm)  > 5  > 3  Quạt nước, sục khí hợp lý
 pH  8 ± 0.3  7.0 - 8.7  Dao động trong ngày <0.5 
Nhiệt độ (oC)  28 – 31  26 - 33  Độ sâu ao nuôi, quạt nước
 Độ kiềm (ppm)  100-120  60 - 180  Tăng: bón CaCO3/ Dolomite
 Độ mặn (ppt)  0 – 5  0 – 15  Thay nước giảm từ từ
 Độ trong (cm)  30 - 40  30 - 50  Màu nước (mật độ tảo; bón phân)
NH3 (ppm)  0  <0.1  Độ độc phụ thuộc vào pH
H2S (ppm)   0  <0.02  Độ độc phụ thuộc vào pH 


          Trong quá trình nuôi cần chú ý theo dõi tôm trong ruộng nuôi tôm để có biện pháp điều chỉnh kịp thời và hợp lý. Hàng tuần cần chài hay đặt vó tôm để quan sát đường ruột nhằm đánh giá mức độ bắt mồi, những dấu hiệu của bệnh trên tôm (quan sát mang, màu sắc, khối cơ, những biến dạng khác của tôm…), cần theo dõi và dự đoán thời kỳ lột xác của đàn tôm nuôi trong ruộng để có những điều chỉnh về lượng thức ăn và môi trường nước nuôi tôm…


          Thu hoạch: Sau thời gian nuôi 3 - 4 tháng, có thể thu tỉa những con tôm đạt kích cỡ thương phẩm. Những cá thể phát triển tốt tiếp tục nuôi để đạt kích cỡ tối ưu và tiến hành thu hoạch toàn bộ. Tùy thuộc vào điều kiện nuôi và thời gian nuôi mà có kích cỡ thu hoạch phù hợp, năng suất thu hoạch thường đạt từ 400-500kg/ha.


          Có 3 vấn đề kỹ thuật đặc biệt lưu ý:


          + Khi thực hiện mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh – lúa: Không nên thả cua chung với tôm càng xanh vì loài này có tập tính hung dữ, ăn thịt lẫn nhau khi lột xác hoặc những con có kích cỡ lớn hơn thường ăn con nhỏ hơn. Tạo nơi trú ẩn trong mương nuôi, để cho tôm ẩn nấp khi lột xác hạn chế ăn thịt lẫn nhau.


          + Kỹ thuật bẻ càng: Sau khi thả nuôi từ 60 – 75 ngày tiến hành bẻ càng, nhằm giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt, đồng đều, tỷ lệ sống cao (hạn chế hao hụt do ăn thịt lẫn nhau vào những ngày lột xác), đạt giá bán cao khi thu hoạch. Lưu ý: cần phải áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật, tránh hao hụt sau khi bẻ càng. Vị trí bẻ: ở khớp gần cơ thể. Tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên để hạn chế tôm bị thương bằng cách giữ chặt hai càng, để tôm búng tự nhiên. Sau thời gian nuôi thêm 3- 4 tháng, hai càng tôm sẽ tự mọc trở lại.

 


 Kỹ thuật bẻ càng tôm càng xanh


          + Thời gian gieo sạ lúa từ tháng 8 - 9 dương lịch (Theo dõi thông tin của cơ quan Bảo vệ thực vật địa phương để xuống giống né rầy). Nên chọn những giống lúa cứng cây ít đỗ ngã, độ chắc hạt cao, chịu phèn mặn khá: OM 6162, OM 5451, OM 9921, OM 6976, OM 4900, OM 7347... Sạ thưa hoặc sạ hàng theo định mức khuyến cáo cho từng nhóm giống lúa. Đặc biệt cần áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật theo nguyên tắc quản lý dịch hại (IPM).


          Lợi ích của mô hình xen canh nuôi tôm càng xanh toàn đực - lúa giúp tăng năng suất lúa, tăng thu nhập trên cùng diện tích, cải thiện môi trường, cách ly được mầm bệnh, thích ứng biển đổi khí hậu, nâng cao đời sống của người dân, tạo ra sản phẩm sạch và phát triển bền vững./.

 

Mỹ Ngọc
Tin liên quan