Trước tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống, cựu chiến binh (CCB) - thương binh Nguyễn Văn Quỡn (ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong, Châu Thành, Tiền Giang) nảy sinh ý tưởng tạo ra thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt rất tiện dụng. | |
CCB Nguyễn Văn Quỡn giới thiệu về thiết bị lọc nước mặn, phiên bản 2, chuẩn bị xuất xưởng. |
Thiết bị ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân cũng như giúp nhiều diện tích vườn cây ăn trái có thể cầm cự và chống chịu trước điều kiện thời tiết ngày càng gay gắt, phức tạp như hiện nay.
BIẾN KHÓ KHĂN THÀNH CƠ HỘI
Ông Nguyễn Văn Quỡn cho biết, qua thông tin báo, đài, được biết tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019-2020 sẽ đến sớm và còn nghiêm trọng hơn trận hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016 nên ông nảy sinh ý tưởng và bắt tay vào nghiên cứu, tạo ra thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt phục vụ người dân trong xã có nhu cầu cũng như giúp nhà vườn có nguồn nước tưới tiêu cầm cự qua mùa hạn, mặn.
Vận hành thiết bị lọc nước mặn tại nhà vườn.
Qua nghiên cứu một số thiết bị lọc nước mặn trên mạng internet, vốn có kiến thức về lĩnh vực cơ - điện tử, ông tự thiết kế mô hình riêng và đặt hàng một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh cung ứng vật tư, nguyên liệu. Tuy nhiên, sau khi lắp ráp và đưa vào vận hành thử, cả 2 thiết bị lọc nước mặn đều không đạt yêu cầu, công sức hơn một tháng mày mò nghiên cứu cộng với chi phí vật tư, nguyên liệu trên 80 triệu đồng xem như mất trắng. Nguyên nhân, sau đó được ông xác định là do không kiểm tra (test) kỹ và không lường được độ mặn nguồn nước đầu vào lại quá cao (khoảng 7,7- 7,8g/lít), dẫn đến việc thiết kế hệ thống lọc không phù hợp (màng lọc RO bị rách do không chịu được độ mặn quá cao). Sau đó, được doanh nghiệp cung ứng vật tư tư vấn, hỗ trợ kiểm tra, test kỹ mẫu nước đầu vào kết hợp thay đổi thiết kế phù hợp, ông Quỡn đã hoàn thiện và cho ra đời thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt như ý muốn.
Thiết bị này có cấu tạo gồm: Bộ lọc thô (cột treo) làm bằng chất liệu composite, bên trong chứa sỏi và than hoạt tính; bộ lọc tinh gồm các lõi lọc PP (từ 1 – 6 lõi tùy theo công suất thiết kế); bộ lọc phèn, mặn được thiết kế từ 1-2 lõi RO; mô-tơ hút nước mặn (1HP), mô-tơ cao áp (3HP) cấp nước sau lọc tinh cho bộ lọc RO… Đặc biệt, ở mặt trước của tủ điện điều khiển có lắp 2 đồng hồ hiển thị, 2 cột chỉ báo (cập nhật liên tục tỷ lệ nước thành phẩm được thu hồi và tỷ lệ nước phế thải sẽ được loại bỏ) và van điều tiết (tăng, giảm) lượng nước đầu vào cung cấp cho bộ lọc thô. Theo đó, sau khi loại bỏ các thành phần tạp chất ở giai đoạn lọc thô và lọc tinh, đến bộ lọc RO, độ phèn, độ mặn gần như được loại bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, để giúp nhà vườn tiết kiệm chi phí đầu tư, ông còn có sáng kiến dùng những tấm bạc nylon trải xung quanh mương (ao) để chứa nước ngọt được tạo ra từ thiết bị lọc. Sau đó, nhà vườn sử dụng mô-tơ hút nước lên bơm tưới cho cây.
“TIẾNG LÀNH” ĐỒN XA
Sau khi lắp ráp và vận hành thành công thiết bị đầu tiên, đến nay ông Nguyễn Văn Quỡn đã cung ứng 5 thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt cho nhà vườn ở xã Phú Phong với giá bán 62 triệu đồng/thiết bị, công suất lọc 750 lít/giờ.
Ông Nguyễn Văn Thơi (Ấp Phú Quới, xã Phú Phong) phấn khởi cho biết: Hiện tại, tôi mua 2 thiết bị lọc nước mặn của ông Quỡn để phục vụ việc tưới tiêu cho 2 vườn sầu riêng (tổng diện tích 1,2 héc-ta) 4 năm tuổi của tôi chuẩn bị cho trái. Thiết bị này hoạt động rất hiệu quả. So với chi chí để mua nước ngọt từ các sà lan để tưới, mỗi tháng tôi tiết kiệm trên 15 triệu đồng; đồng thời, nước sau khi lọc qua thiết bị này, độ mặn đảm bảo an toàn hơn cho cây (khoảng 0,01g/lít) so với nước mua từ các sà lan (khoảng 0,4g/lít). Bà Tần Thị Út Mười (Ấp Phú Thuận, xã Phú Phong) chia sẻ: Thiết bị lọc nước mặn do ông Quỡn chế tạo vận hành rất hiệu quả. Tôi sử dụng thiết bị này để lọc nước tưới vườn sầu riêng kết hợp nấu ăn, tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày với chất lượng không thua gì nước máy. Qua sử dụng dụng cụ kiểm tra độ mặn của nước sau khi lọc, kết quả rất lý tưởng, độ mặn đo được là 0,012 g/lít (độ mặn nguồn nước đầu vào trên 6g/lít).
Qua giới thiệu và đánh giá của khách hàng đã sử dụng thiết bị trên, nhiều nhà vườn ở trong và ngoài tỉnh đã đặt hàng ông sản xuất thiết bị lọc nước mặn với yêu cầu công suất lớn hơn.
“Theo đặt hàng của ca sĩ Lý Hải (TP. Hồ Chí Minh), sau khi khảo sát thực tế, tôi đã thiết kế, lắp ráp hoàn chỉnh và bàn giao cho nhà tài trợ 10 thiết bị để tặng cho một số nhà chùa và hộ dân khu vực bị xâm nhập mặn nặng thuộc huyện Bình Đại (Bến Tre) cùng 2 đơn vị UBND cấp xã thuộc huyện Cai Lậy và Chợ Gạo (Tiền Giang); trong đó, có 1 thiết bị được tôi thiết kế bộ lọc tinh gồm 6 lõi lọc nên có thể nâng công suất lọc lên 1.200 lít/giờ với mức giá khuyến mãi (không tăng giá bán)” – ông Quỡn phấn khởi cho biết.
Ông Dương Hoàng Văn – Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu máy lọc nước Đài Việt (TP. Hồ Chí Minh) nhận xét: Thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt là sáng kiến của anh Quỡn với sự cải tiến về tính năng kỹ thuật so với một số thiết bị lọc nước hiện có. Thiết bị được lắp đặt và vận hành theo đúng quy trình kỹ thuật. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, các thiết bị do anh thực hiện sau hơn 2 tháng đưa vào vận hành, chất lượng nước đầu ra vẫn tốt, không bị giảm lưu lượng do lõi lọc RO bị đóng cặn hay nghẹt như một số thiết bị cùng loại trên thị trường. |
(*) Bài dự thi giải báo chí Nguyễn Đức Cảnh năm 2020 - 2021