Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiền Giang: Hợp tác xã nông nghiệp trên đường phát triển
(Ngày đăng: 24/04/2020)
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ngày nay có vai trò, vị trí rất quan trọng, vừa hỗ trợ các thành viên tham gia thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, vừa thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


          Tỉnh Tiền Giang hiện có 127 HTX nông nghiệp với 39.150 thành viên.Có 74/127 HTX đủ điều kiện đánh giá xếp loại (các HTX mới thành lập hoặc ngưng hoạt động không đánh giá), trong đó: có 22 HTX xếp loại tốt, khá (chiếm 29,7%, tăng 8 HTX so năm 2018), 36 HTX loại trung bình (chiếm 48,7%), 16 HTX loại yếu do kinh doanh lỗ (03 HTX) hoặc tạm ngừng hoạt động cơ cấu lại nhân sự (chiếm 21,6 %). Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 320 Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp với 56.782 tổ viên. Đây là những đầu mối quan trọng thực hiện liên kết-tiêu thụ.


          Thực tế thời gian qua cho thấy, trong sản xuất nông nghiệp đã có nhiều HTX làm tốt vai trò liên kết nông dân với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Các HTX này đã vận động, tổ chức cho các hộ nông dân chuyển ghép ruộng đất, khắc phục được hạn chế về ruộng đất manh mún, hình thành những cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm thu hoạch và thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp thường tổ chức cung ứng một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất của các hộ xã viên (cung ứng giống, vật tư, phân bón, tư vấn hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật, vay vốn...), một số HTX còn tổ chức tiêu thụ sản phẩm, hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm không phải thông qua trung gian là tư thương, đầu nậu. Nhờ vậy, người sản xuất nhỏ chẳng những tránh được tình trạng bị ép giá, mà giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất được tăng lên, nhất là đối với những hộ nông dân thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn đầu tư.


          Để giúp người dân hiểu rõ về HTX kiểu mới, trung bình mỗi năm tỉnh đã tổ chức khoảng 20 cuộc tuyên truyền Luật, hướng dẫn thành lập mới HTX cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh; khoảng 5 lớp đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao chất lượng cho cán bộ quản lý HTX. Để góp phần củng cố, nâng chất hiệu quả hoạt động của các HTX, đã hỗ trợ 09 cán bộ trẻ/09 HTX (20,9% kế hoạch) về làm việc cho các HTX từ khi triển khai đến nay, hỗ trợ trong công tác kế toán, quản lý và hướng dẫn thành viên áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật.


          Bên cạnh đó, để giúp HTX nâng cao được năng lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận, tỉnh đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho HTX như công trình điện, nước sinh hoạt, trụ sở làm việc, nhà sơ chế;đã triển khai 18 công trình/14 HTX, hiện có 17 công trình hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng và 01 công trình nghiệm thu giai đoạn 1.


          - Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức thực hiện các kế hoạch hỗ trợ xây dựng, hình thành sản phẩm OCOP. Đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019 cho 04 sản phẩm có hồ sơ hoàn chỉnh. Kết quả: 02 sản phẩm đạt 3 sao là: Nước uống Đông trùng hạ thảo NICE – Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân, Mắm tôm chà Bà Hai Diễm – Cơ sở sản xuất Bà Hai Diễm và 02 sản phẩm đạt 4 sao: Trà trái mãng cầu xiêm Vĩnh Phát – Công ty TNHH Travipha, thịt gà tươi Gà ta Gò Công – HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công.


          Đặc biệt, để góp phần thúc đẩy việc chế biến sản phẩm: tỉnh đã hỗ trợ cho 03 HTX: Bình Tây, Bình Nhì, Mỹ Trinh xây dựng 02 nhà kho chứa lúa, 03 máy sấy, 03 máy gặt đập liên hợp (kinh phí từ dự án Cạnh tranh nông nghiệp); hỗ trợ cho 3 HTX: rau an toàn Gò Công, rau an toàn Thân Cửu Nghĩa; thanh long Mỹ Tịnh An xây dựng nhà sơ chế đóng gói và hệ thống thiết bị (kinh phí từ dự án QSEAP); đồng thời dự án VnSAT cũng hỗ trợ các HTX trong vùng dự án xây dựng nhà kho sơ chế, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất…


          Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ để xây dựng 10 mô hình HTX kiểu mới đến 2020: Mỹ Trinh, Mỹ Quới, Mỹ Thành, Hòa Lộc, Mỹ Lương, Ngũ Hiệp, Quyết Thắng, Bình Tây, Bình Nhì, Mỹ Tịnh An. Các nội dung hỗ trợ: Nâng cao năng lực quản lý điều hành, tư vấn phương án hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ liên kết tiêu thụ và thông tin tuyên truyền về mô hình HTX kiểu mới. Bước đầu các HTX này đã phát huy hiệu quả tích cực, là cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, nhiều HTX nông nghiệp đã đổi mới công tác tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Nổi bật như HTX thanh long Mỹ Tịnh An, HTX rau an toàn Gò Công, HTX rau an toàn Tân Đông, HTX Mỹ Quới...


          Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại là đa số các HTX mới hình thành, quy mô nhỏ, nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý các HTX được đào tạo bài bản còn hạn chế. Ngoài ra, khả năng ứng dụng công nghệ, đầu ra cho sản phẩm, các mối liên kết thường không bền vữngcũng là vấn đề đặt ra với nhiều HTX nông nghiệp hiện nay. Các doanh nghiệp nông nghiệp có năng lực đủ mạnh để tham gia đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh không nhiều.


          Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX cần có các giải pháp, tạo bước đi đúng đắn giúp các HTX phát huy tính ưu việt, phù hợp trong xu thế của thị trường hiện nay.


          - Tiếp tục tổ chức lại sản xuất, củng cố, nâng chất các HTX, hỗ trợ cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX nông nghiệp, quan tâm hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý của các HTX.


          - Tiếp tục thực hiện thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hoạt động lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017-2020; nâng cao năng lực các HTX thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Để HTX phát triển, cần có tổ chức, kế hoạch, định hướng rõ ràng. Ban quản trị HTX phải là những người nhiệt huyết, vì quyền lợi thiết thực của thành viên và công bằng; có năng lực, công khai tài chính rõ ràng để các thành viên tin tưởng và mang lại hiệu quả tối đa cho thành viên. Ngoài ra, HTX rất cần những người có uy tín, giỏi chuyên môn, am hiểu lĩnh vực, có mối quan hệ xã hội, có khả năng tập hợp và đoàn kết các nông dân (thành viên), làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra sản phẩm.


          - Cần nghiên cứu xây dựng đề án hỗ trợ phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.


          - Hướng dẫn HTX thực hiện dự án và kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.


          - Tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo giữa các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội đầu tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Mặt khác, các HTX cũng phải phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với người nông dân, xây dựng các mô hình điểm áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao để nâng cao uy tín, thương hiệu, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.


          - HTX nhỏ thì kết nạp thêm xã viên (người có tinh thần tự nguyện) để tạo ra quy mô lớn hơn hoặc các HTX nhỏ liên kết hay hợp nhất lại với quy mô lớn hơn để tạo ra sức mạnh tập thể, mới có đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị nông sản, giúp cho kinh doanh của các HTX hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn.


          - Ðẩy mạnh hoạt động phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông để tuyên truyền, giới thiệu nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả và đồng thời giúp người dân nhận thức đúng vai trò, sự cần thiết của HTX kiểu mới.


          Từ thực tế có thể khẳng định, mô hình HTX nông nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng là cầu nối trong việc tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi hiệu quả cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh. Hoạt động của các HTX đã đảm bảo khâu dịch vụ đầu vào lẫn đầu ra mà hộ nông dân cá thể không làm được hoặc làm nhưng không hiệu quả. Cụ thể: dịch vụ giống; phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; thu hoạch; chuyển giao khoa học kỹ thuật; liên kết trong sản xuất; chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập; thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo diện mạo mới cho nông thôn.


          Ngày nay, nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đang ngày càng tăng, với những đòi hỏi chất lượng ngày càng khắt khe hơn. Do đó, việc phát triển các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, áp dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu mà các HTX phải vươn tới. Đó không chỉ là cách để các HTX nông nghiệp phát triển bền vững mà còn là hướng tiếp cận phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo điều kiện hiện đại hóa nền nông nghiệp tỉnh nhà, nhanh chóng tham gia chuỗi sản xuất nông sản toàn cầu trong một tương lai không xa./.

 

 

Mỹ Ngọc
Tin liên quan