Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang
(Ngày đăng: 01/04/2020)

Trên cơ sở báo cáo tham luận, ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang”, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh, Liên hiệp Hội đã tổng hợp, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Ban biên tập xin giới thiệu cùng quý độc giả
Lãnh đạo Liên hiệp Hội Trà Vinh chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

 

          Tham dự hội thảo có các thành viên Ban tổ chức Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng (Cuộc thi) cấp tỉnh và cấp huyện; đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị, thành; các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hội 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Vĩnh Long…


       
  NHIỀU Ý KIẾN, KINH NGHIỆM HAY ĐƯỢC CHIA SẺ


          Hội thảo thu hút 20 báo cáo tham luận cùng nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, giáo viên, nhà quản lý giáo dục ở trong và ngoài tỉnh. Nội dung các báo cáo tham luận, ý kiến thảo luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời, đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng.

 

Thầy Trương Văn Liêm – Phó Hiệu trưởng trường THPT Trương Định (thị xã Gò Công)

biểu tại Hội thảo.


          Nội dung báo cáo tham luận gửi đến Ban tổ chức, Luật sư Lê Đăng Thọ - Giám đốc Quỹ Vifotec thông tin: Qua 15 lần tổ chức, số lượng đề tài tham gia Cuộc thi toàn quốc tăng từ 354 (năm 2004) lên 702 (năm 2019). Nếu như 2004 chỉ có 25 tỉnh, thành tham gia thì đến năm 2019 có 55 tỉnh, thành trong cả nước tham dự Cuộc thi. Trong đó, 100% số lượng đề tài dự thi đều được thể hiện dưới dạng mô hình hoặc sản phẩm; đặc biệt, có nhiều đề tài đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau và mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội. Luật sư Lê Đăng Thọ cũng đề nghị thành lập Hội đồng tư vấn để hỗ trợ, hướng dẫn các tác giả trẻ triển khai và hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo; tổ chức các câu lạc bộ sáng tạo và hội thảo về sáng tạo khoa học – công nghệ gắn với triển lãm các sáng kiến, sáng chế để thanh, thiếu niên có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ tác giả có đề tài đạt giải...


          Báo cáo tham luận của Liên hiệp Hội các tỉnh: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh khái quát về những thuận lợi, chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn cũng như những bất cập trong quá trình tổ chức Cuộc thi; đồng thời, đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả ứng dụng các giải pháp đạt giải. Theo Liên hiệp Hội Bến Tre, số lượng học sinh bậc THPT tham dự Cuộc thi còn hạn chế do thời gian trùng với Cuộc thi Sáng tạo khoa học – kỹ thuật do ngành Giáo dục – Đào tạo tổ chức hàng năm; một số tác giả chưa biết cách viết bản thuyết minh mô tả sản phẩm tham dự Cuộc thi; qua đó Ban tổ chức đã tổ chức tập huấn cho các trường, giáo viên hướng dẫn để hỗ trợ các tác giả hoàn chỉnh một bản thuyết minh đạt yêu cầu... Liên hiệp Hội Đồng Tháp thì cho rằng, cần chú ý khơi dậy những tiềm năng sáng tạo còn tiềm ẩn trong lứa tuổi học sinh; đồng thời, cần phát huy vai trò của tổ chức đoàn, ngành Giáo dục – Đào tạo, nhất là ở cấp huyện...


          Để phát huy vai trò của đoàn thanh niên đối với các đơn vị trực thuộc trong Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng, Tỉnh đoàn Tiền Giang đề xuất 3 nhóm giải pháp gồm: Nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh thiếu nhi về hoạt động sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi nhằm phát huy khả năng sáng tạo của đoàn viên, thanh thiếu nhi và lựa chọn phương thức triển khai phù hợp với từng đối tượng.


          Báo cáo tham luận của Trường THPT chuyên Tiền Giang đã chia sẻ kinh nghiệm về hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng bao gồm 7 nội dung: Yêu cầu đối với giáo viên hướng dẫn; lựa chọn đối tượng nghiên cứu khoa học; lựa chọn đề tài; viết báo cáo nghiên cứu, thuyết trình... Theo chúng tôi, đây là những kinh nghiệm rất có giá trị, các huyện, các trường có thể nghiên cứu để áp dụng vào điều kiện thực tế của đơn vị mình...


         
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC THI


          Trên cơ sở nội dung các báo cáo tham luận, ý kiến thảo luận trình bày tại hội thảo, liên ngành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh một số giải pháp, kiến nghị để Cuộc thi đạt chất lượng cao hơn trong thời gian tới, Các giải pháp, kiến nghị tập trung vào một số nội dung như sau:

 

Vảy cá kiêu sa – sản phẩm thân thiện với môi trường được trao giải Khuyến khích Cuộc thi cấp tỉnh.


          - Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Cuộc thi dưới nhiều hình thức (báo, đài, phóng sự truyền hình...) nhằm thu hút sự tham gia đông đảo của các tác giả trẻ trong độ tuổi thanh, thiếu niên và nhi đồng; trong đó, chú ý khai thác đối tượng thanh niên ngoài nhà trường thông qua tổ chức đoàn, hội đồng đội ở cấp tỉnh, cấp huyện.


          - Thứ hai, tổ chức các hình thức sinh hoạt dưới dạng "Câu lạc bộ sáng tạo”, "Địa chỉ tư vấn” trong các đơn vị trường học gắn với trưng bày, triển lãm các mô hình, sản phẩm đạt giải để các tác giả trẻ có điều kiện giao lưu, trao đổi và được tư vấn, hướng dẫn về phương pháp, kỹ thuật triển khai ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm dự thi.


          - Thứ ba, hàng năm, Ban tổ chức Cuộc thi cấp huyện xem xét giao chỉ tiêu về số lượng mô hình, sản phẩm dự thi cho từng đơn vị trường học, chú ý một số lĩnh vực ưu tiên (phần mềm tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường) và xem đây là tiêu chí để xét thi đua và tôn vinh, khen thưởng các trường vào cuối mỗi năm học.


          - Thứ tư, Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh, cấp huyện định kỳ tổ chức các buổi tập huấn cho các trường, các em học sinh về phương pháp luận sáng tạo, phương pháp nghiên cứu khoa học, các bước lựa chọn, triển khai, hoàn thiện ý tưởng sáng tạo và xây dựng báo cáo thuyết minh cho mô hình, sản phẩm dự thi.


          Đối với một số kiến nghị của đại biểu về xây dựng Quỹ hỗ trợ sáng tạo ở cấp tỉnh trên cơ sở huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để nâng cao giá trị giải thưởng cũng như thực hiện chính sách đãi ngộ đối với tác giả đạt giải (đào tạo để trở thành những nhà sáng chế trong tương lai), Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh sẽ nghiên cứu đề xuất Liên hiệp Hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, cho chủ trương. Vấn đề thành lập Hội đồng tư vấn ở cấp trường cũng như phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo về sáng tạo khoa học - công nghệ; làm sao để thu hút các tác giả trẻ ở bậc THPT tham gia Cuộc thi; thực hiện chính sách ưu tiên trong xét tuyển vào đại học đối với tác giả đạt giải Cuộc thi cấp tỉnh và toàn quốc... Liên hiệp Hội sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các ngành liên quan xây dựng kế hoạch gắn với giải pháp thực hiện hoặc đề xuất cơ quan cấp trên xem xét giải quyết theo thẩm quyền.../.

  

Hương Quỳnh
Tin liên quan