Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XII (2018-2019) thu hút 115 mô hình, sản phẩm tham dự. Trong đó, có 30 mô hình, sản phẩm tiêu biểu được trao giải cấp tỉnh và 2 sản phẩm đạt giải toàn quốc. Do đổi mới công tác tổ chức cũng như giá trị giải thưởng được nâng lên đáng kể nên Cuộc thi tiếp tục thu hút nhiều giải pháp tham dự hơn, chất lượng do đó cũng được nâng lên, đặc biệt là tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng… | |
TS. Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp Hội kiêm Trưởng ban tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh tặng Giấy khen cho Ban tổ chức Cuộc thi các huyện, thị, thành; |
HÌNH THỨC TỔ CHỨC THEO 2 CẤP TIẾP TỤC MANG LẠI HIỆU QUẢ
Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, Báo Ấp Bắc tổ chức hàng năm. Năm 2018-2019, lần thứ hai Cuộc thi được tổ chức theo 2 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện); trong đó, cấp huyện cũng thành lập Ban tổ chức, Ban giám khảo để chấm giải và tổ chức tổng kết, trao giải thưởng như cấp tỉnh.
Năm 2017, theo đề nghị của Liên hiệp Hội, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Công văn số 4273/UBND-KGVX chấp thuận chủ trương tổ chức Cuộc thi theo 2 cấp (từ năm 2017 trở về sau): Cấp tỉnh và cấp huyện; đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 2942/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017-2022 với thành phần gồm lãnh đạo Liên hiệp Hội, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan; đặc biệt, thành viên hội đồng còn có sự tham gia của lãnh đạo của UBND 11 huyện, thị, thành. Hàng năm, Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, thể lệ; đồng thời, hướng dẫn các huyện, thị, thành ban hành quyết định thành lập Ban Tổ chức, xây dựng kế hoạch, thể lệ Cuộc thi như cấp tỉnh.
Em Nguyễn Đình Tuấn Anh và Trương Trọng Phúc (giải Đặc biệt) chụp ảnh lưu niệm
Ban tổ chức và giáo viên hướng dẫn, Ban giám hiệu Trường THPT Tân Hiệp.
Để đảm bảo kinh phí tổ chức cho Cuộc thi ở 2 cấp, căn cứ Thông tư số 27/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính Quy định chế độ tài chính cho hoạt động tổ chức Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng, Liên hiệp Hội lập dự toán kinh phí tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh và cấp huyện đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính trình UBND tỉnh giao bổ sung kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học - công nghệ cho Ban tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh và cấp huyện (bao gồm kinh phí hoạt động của Ban tổ chức, Ban giám khảo, khen thưởng…).
Về giá trị giải thưởng, trên cơ sở đề xuất của liên ngành Liên hiệp Hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân (HĐND) ban hành Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND Quy định mức chi cho hoạt động tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Trong đó, giá trị giải thưởng đối với cấp tỉnh gồm: Giải Đặc biệt: 10 triệu đồng/giải; giải Nhất: 8 triệu đồng/giải; giải Nhì: 5 triệu đồng/giải; giải Ba: 4 triệu đồng/giải; giải Khuyến khích: 2 triệu đồng/giải. Đối với cấp huyện: giải Nhất: 4 triệu đồng/giải; giải Nhì: 3 triệu đồng/giải; giải Ba: 2 triệu đồng/giải; giải Khuyến khích: 1 triệu đồng/giải.
Vảy cá kiêu sa – sản phẩm thân thiện với môi trường được trao giải Ba Cuộc thi toàn quốc.
Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, Ban tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh, cấp huyện được tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động cùng với giá trị giải thưởng được nâng lên đáng kể nên có tác dụng động viên, khuyến khích các trường, các tác giả có nhiều giải pháp sáng tạo tham dự Cuộc thi, chất lượng các mô hình, sản phẩm dự thi cấp tỉnh cũng được nâng lên do được tuyển chọn kỹ từ các mô hình, sản phẩm đạt giải ở cấp huyện (cấp huyện thu hút 1.338 mô hình, sản phẩm dự thi và tuyển chọn 115 mô hình, sản phẩm đạt giải tham dự Cuộc thi cấp tỉnh).
NHIỀU GIẢI PHÁP SÁNG TẠO CÓ TÍNH ỨNG DỤNG CAO
Theo Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh, Cuộc thi lần thứ XII thu hút 115 mô hình, sản phẩm từ 11 huyện, thị, thành tham dự, thuộc 5 lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; Phần mềm tin học; Các sản phẩm thân thiện với môi trường; Các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Trong đó, có 30 mô hình, sản phẩm tiêu biểu được xét chọn để trao giải thưởng, gồm: 1 giải Đặc biệt, 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 20 giải Khuyến khích. Ngoài ra, có 2 sản phẩm đạt giải Cuộc thi toàn quốc (1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích). Theo đánh giá của Ban tổ chức, nhìn chung các mô hình, sản phẩm tham dự Cuộc thi năm nay chất lượng được nâng lên rõ rệt về tính mới, tính sáng tạo cũng như khả năng ứng dụng.
Trong số các giải pháp đạt giải, có một số mô hình, sản phẩm được Ban Tổ chức đánh giá cao về tính sáng tạo, khả năng ứng dụng, đặc biệt là thân thiện với môi trường như: Xà phòng diệt khuẩn từ dây vác (giải Đặc biệt cấp tỉnh); Tủ hút và khử khí độc hỗ trợ thực hành thí nghiệm, Sản phẩm làm từ giấy báo (giải Nhất cấp tỉnh); Những sản phẩm tái chế từ giấy vụn (giải Nhì cấp tỉnh); Đồng hồ trái đất (giải Ba cấp tỉnh); Bộ tổng hợp tranh sáng tạo (giải Khuyến khích cấp tỉnh và giải Ba toàn quốc); Vảy cá kiêu sa (giải Khuyến khích cấp tỉnh và toàn quốc)…
Trong đó, “Xà phòng diệt khẩn từ dây vác”, tác giả là em Nguyễn Đình Tuấn Anh và Trần Trọng Phúc (học sinh lớp 11, trường THPT Tân Hiệp, huyện Châu Thành). Em Nguyễn Đình Tuấn Anh cho biết, ý tưởng sáng chế ra sản phẩm trên xuất phát từ thực tế những lần nhìn thấy mẹ sử dụng dây vác nấu nước để tắm và trị chứng rôm sẩy cho đứa em ở nhà. Từ đó, em nảy sinh ý tưởng sử dụng dây vác và một số thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên để sáng chế ra một loại xà phòng có công dụng diệt khuẩn kết hợp dưỡng da nhưng ít gây tác dụng phụ cho người sử dụng. Sau hơn 3 tháng miệt mài nghiên cứu, 2 em Tuấn Anh và Trọng Phúc đã cho ra đời sản phẩm “Xà phòng diệt khuẩn từ dây vác” có nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên (lá vác, tinh bột nghệ, tinh dầu oải hương…), không sử dụng hóa chất, thân thiện với môi trường. Sản phẩm được Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chứng nhận có khả năng diệt được 3 chủng vi khuẩn (gồm: Salmonella gây bệnh thương hàn; Escherichia coli gây tiêu chảy, đau bụng, sốt, nhiễm trùng đường ruột; Bacillus cereus gây đại tiện ra nước, cơ bụng bị chuột rút) và 1 chủng nấm Candida albicans (gây bệnh ngoài da, đốm trắng trên lưỡi và miệng) với tỷ lệ diệt khuẩn đạt 99,76%.
Với mong muốn đảm bảo an toàn trong quá trình thực hành thí nghiệm môn hóa học, hai em Nguyễn Chí Thiện và Lê Hoàng Thoại (học sinh lớp 11, trường THPT Tân Phước, huyện Tân Phước) nghiên cứu, sáng tạo thành công “Tủ hút và khử khí độc hỗ trợ thực hành thí nghiệm”. Thầy Hồ Văn Hưởng, giáo viên hướng dẫn 2 em Chí Thiện và Hoàng Thoại thực hiện giải pháp trên cho biết: “Tủ hút và khử khí độc hỗ trợ thực hành thí nghiệm” được Ban tổ chức Cuộc thi cấp huyện đánh giá cao về tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng. Sản phẩm này có nhiều tiện ích như có tính cơ động cao (có thể di chuyển đến lớp học để các em có thể thực hành theo nhóm); giáo viên có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát các nhóm khi thao tác; đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh khi thao tác, thực hành, nhất là khi thực hành các dung dịch axit đậm đặc dễ xảy ra sự cố nếu không cẩn thận (hóa chất có thể bắn ra gây bỏng do ống thủy tinh bị vỡ khi gia nhiệt hay khi thực hiện phản ứng thủy phân)
Còn em Nguyễn Kim Yến (học sinh lớp 52, Trường Tiểu học Tân Tây 1, huyện Gò Công Đông) cho biết, với mong muốn khuyến khích mọi người tái sử dụng rác thải để góp phần bảo vệ môi trường, em nảy sinh ý tưởng tận dụng những tờ báo cũ cùng một số vật dụng khác như: Que đũa, ống viết, tăm tre… để thực hiện đề tài “Sản phẩm làm từ giấy báo”. Từ những tờ báo không còn sử dụng kết hợp với một số vật liệu khác, qua đôi tay khéo léo và óc thẩm mỹ, em Nguyễn Kim Yến đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt, như: Túi xách, bình hoa hình xoắn ốc, đĩa trang trí nhiều màu sắc, hộp đựng bánh kẹo, khung ảnh để bàn, lẵng hoa…. Cô Nguyễn Thị Mỹ Anh, giáo viên giảng dạy môn mỹ thuật Trường Tiểu học Tân Tây 1 – người hướng dẫn em Nguyễn Kim Yến hoàn thiện các sản phẩm trên cho biết: “Việc tạo ra các vật dụng, sản phẩm từ giấy báo là một ý tưởng hay, sáng tạo, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và tốn rất nhiều thời gian (em Yến phải mất khoảng 3 tuần để hoàn thành bộ sản phẩm trên). Ngoài ra, việc lựa chọn loại giấy báo (dày, mỏng, cứng, mềm) để phù hợp với kết cấu, độ bền của từng loại sản phẩm cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Các sản phẩm, vật dụng này có thể được sử dụng để trang trí phòng khách, bàn làm việc, bàn học trông rất xinh xắn và lạ mắt”…
Có thể nói qua 12 lần tổ chức, đặc biệt là kể từ khi được tổ chức theo hình thức 2 cấp (Cuộc thi lần thứ XI và XII), Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XII (2018-2019) tiếp tục gặt hái thành công và hiệu quả mang lại rất thiết thực, góp phần tạo ra sân chơi bổ ích, giúp cho các giả trẻ tuổi rèn luyện tư duy, kỹ năng sáng tạo, xây dựng và nuôi dưỡng ước mơ trở thành những nhà sáng chế trong tương lai.