Ngày 19/2/2020, bé Lê Diễm T, 2 tuổi, nhà ở xã Thân Cửu Nghĩa, Tiền Giang được mẹ đưa đến bác sĩ khám vì sốt, ho. Bé nhìn thấy bác sĩ sợ quá khóc ré lên, bà mẹ vội vàng lấy từ trong túi ra cái núm vú giả nhét vào miệng bé cho cháu ngậm, ngay lúc đó bé hết khóc, mắt lim dim. | |
Thấy vậy bác sĩ nói với mẹ bé: “Chị phải cẩn thận, bú vú giả không tốt đâu, dễ bị nhiễm bệnh lắm, nhất là mùa dịch corona càng có nguy cơ mắc virus này nhiều hơn”. Mẹ cho biết cháu hồi mới sinh rất khó tính, khóc suốt, ở nhà mua cho cháu núm vú giả để cháu bú cháu mới hết quấy khóc, riết rồi quen, nhiều lần giấu vú giả để cháu bỏ thói quen này, nhưng ngăn hoài không được. Bác sĩ nghe vậy cũng thông cảm sự khó khăn của bà mẹ, bỏ một thói quen không phải dễ dàng, nhưng không có gì là không thể nên đã hướng dẫn bà mẹ cố gắng khắc phục như sau:
Trước hết mình phải biết bú vú giả có hại như thế nào về mặt sức khỏe. Lúc còn bú mẹ mà cho bé nút vú giả bé rất dễ bị nôn trớ, vì khi nút bé sẽ hút nhiều hơi vào dạ dày khiến cho bụng đầy hơi dễ trào ngược ra ngoài, nhất là sau bú. Nếu bú vú giả lâu ngày, nhất là trong giai đoạn bé còn bú mẹ hệ xương răng hàm còn trong quá trình phát triển sau sanh, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển xương hàm của bé. Miệng bé trở nên hô do răng và hàm bị đẩy ra ngoài hay móm do một hàm bị đưa vào trong; lệch khớp cắn; rối loạn phát âm; răng mọc xệu xạo do thay đổi vị trí của răng khi xương hàm bị biến dạng. Nếu răng mọc lệch vào trong sẽ dẫn đến tình trạng sai khớp cắn, các răng trên cung hàm không thể phối hợp đồng bộ với nhau. Làm chức năng ăn nhai và phát âm của trẻ bị cản trở, trẻ phát âm không tròn vần, rõ chữ, dễ bị suy nhược cơ thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện trong tương lai. Trẻ thay răng mọc lệch, không thẳng hàng, chen chúc,… sẽ dẫn đến tổn thương xương hàm, đau nhức đầu, rối loạn khớp thái dương hàm, thức ăn thừa dễ mắc kẹt vào kẽ và bề mặt răng, vì răng lệch lạc nên rất khó để vệ sinh răng sạch sẽ. Lâu ngày, thức ăn sẽ tích tụ thành mảng bám, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ra những bệnh lý nguy hiểm về răng miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu, viêm tủy răng…
Trong mùa dịch covid-19 hoặc các bệnh truyền virus nhiễm qua đường hô hấp và đường tiêu hóa khác, nếu vô ý để cái vú giả chạm vào bề mặt của các vật dụng trong nhà bị dính virus, rồi không rửa sạch, đưa vào miệng ngậm sẽ đưa luôn virus vào miệng và gây bệnh. Về tâm lý, lớn lên bé dễ bị tổn thương về tâm lý khi những người xung quanh chọc ghẹo khiến bé mặc cảm, khó hoà nhập với xã hội.
Để giúp bé sớm ngừng bú vú giả, ngay lúc còn trong tháng mới sinh, bà con mình không được dùng vú giả để dỗ bé, mà hãy thường xuyên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Trường hợp bé đã sẵn có thói quen bú vú giả như bé T thì mình sẽ giúp bé “cai” bú vú giả từ từ. Trong thời gian chưa cai được, thì phải giữ cái vú giả cho thật sạch, không vất lung tung, trước khi đưa cho bé phải rửa vú giả, rửa tay cho bé, rửa tay cho người chăm sóc bé bằng xà bông với nước sạch. Khi bé quấy khóc, cảm thấy không an toàn hoặc đang buồn thì bà con mình giúp bé tự tin bằng sự vỗ về, quan tâm và tìm cách bày trò chơi và chơi với bé để bé quên bú vú giả. Thường xuyên ở bên cạnh con, không để bé chơi một mình, chuyển hướng chú ý của bé về một thú vui khác, thí dụ như một trò chơi mà bé yêu thích, khi bé chợt nhớ đến và đòi bú vú giả. Khi bé lớn hơn một chút, hiểu biết hơn, bà con mình giải thích những việc có hại xảy ra khi bé bú vú giả. Bằng tình cảm yêu thương, kiên trì và quyết tâm của mẹ và gia đình thì chắc chắn sẽ giúp bé bỏ thói quen bú vú giả, hơn nữa trong lúc mọi người đang chung tay ngăn ngừa dịch viêm phổi covid-19 thì đây chính là cơ hội để chúng ta quyết tâm sửa chữa những thói quen xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe của con cái mình và gia đình mình./.