Về xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang nhiều người biết đến anh Đoàn Văn Hồng bởi câu chuyện làm giàu của anh Hồng từ con dê. Đây được xem là mô hình chăn nuôi kiểu mẫu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời đang được ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích nhân rộng trong điều kiện thích nghi với biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt là vùng ven biển. | |
Tham quan mô hình chăn nuôi dê của anh Hồng |
Anh Hồng chia sẻ, khởi nghiệp và gắn bó với con dê từ năm 2000 nhưng anh chỉ đủ tiền mua 2 con về nuôi và tận dụng cỏ, cây tạp xung quanh làm thức ăn cho dê nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều lần nản chí, anh định bỏ cuộc. Thế nhưng, với ý chí của một người ham học hỏi, anh đã bám trụ và tiếp tục đeo đuổi nghề nuôi dê cho đến năm 2004, anh đã có đàn dê khoảng hơn 20 con, chủ yếu là dê giống.
Dê vừa mới phát triển tốt thì giá bắt đầu dao động và rớt xuống mứt thấp, đàn dê của anh Hồng nuôi cầm chừng và không sinh lợi nhiều. Tuy nhiên, anh vẫn quyết bám trụ với mô hình nuôi dê cho đến tận ngày nay. Anh Hồng chia sẻ: “Đã chọn thì phải gắn bó, chăn nuôi thì phải chịu cảnh giá cả lên xuống thất thường. Nếu cứ chạy theo giá thị trường cây nào, con nào có giá là trồng là nuôi thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Chính vì vậy, thay gì bỏ để chuyển đổi sang con khác thì tôi chọn cách chăm sóc, nhân giống và gắn bó thì sẽ cho “quả ngọt”.
Nỗ lực của anh Hồng đã được đền đáp, năm 2008, anh là một trong số ít nông dân được chọn tham gia dự án “Thử nghiệm mô hình cải tạo giống dê địa phương”, làm chủ nhiệm với mục tiêu nuôi thử nghiệm một số giống dê năng suất, chất lượng cao về sữa, thịt tại địa phương; đồng thời cải tạo giống dê hiện có của địa phương bằng các giống dê có năng suất chất lượng cao về sữa, thịt. Hiện tại, anh Hồng gắn bó với dê Bo thuần và dê Sữa thuần, đồng thời lai tạo hai giống dê này để cho ra những giống dê lai mau lớn, con giống khỏe mạnh gầy đàn và bán cho người chăn nuôi có nhu cầu.
Theo anh Hồng, nuôi dê dễ hơn chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác, đặc biệt là phù hợp với địa phương vùng ven biển như xã Tăng Hòa, bởi đây là mô hình có thể phát triển ra diện rộng, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển. Hiện tại, nhờ ham học hỏi và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong lai tạo, chăn nuôi nên chất lượng đàn dê giống của anh Hồng được cán bộ nông nghiệp và người chăn nuôi đánh giá cao. Anh Hồng chia sẻ thêm về kỹ thuật trong quá trình nuôi: “Nuôi dê với số lượng lớn thì phải xây dựng chuồng trại đúng quy cách, tránh ô nhiễm môi trường do mùi hôi gây ra. Với con dê phải chú ý đến việc phòng bệnh đủ liều lượng và giai đoạn, đồng thời phải theo dõi thường xuyên để chủ động kịp thời khi dê bỏ ăn. Thức ăn chủ yếu hiện nay của dê là bả bia của các nhà máy sản xuất bia về trộn với thức ăn công nghiệp. Song song đó phải tăng cường thêm cỏ, có chất sơ để dê khỏe mạnh, mau lớn”.
Đặc trưng của trang trại anh Hồng chủ yếu là cung cấp dê giống cho người chăn nuôi, dê đực thải loại thì bán thịt. Khách hàng hiện nay của anh ở khắp các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu ngày càng tăng. Hàng năm, anh Hồng xuất chuồng hàng trăm dê giống và dê thịt. Hiện tại, giá dê thịt hơn 130.000 đồng/kg, nhiều con dê thịt lên đến 50kg, mang về nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân. Anh Hồng chia sẻ thêm: “Hiện tại, hơn 1.000 con dê vừa giống, thịt, dê con thì hàng ngày tôi đều có dê các loại cung ứng ra thị trường. Ngoài ra, tôi còn thu mua dê thịt của bà con trong vùng để cung cấp cho thị trường các nơi, đồng thời cung ứng dê giống và chia sẻ kĩ thuật cho bà con có nhu cầu chọn con dê để phát triển kinh tế cho gia đình mình”.
Theo anh Hồng thì nuôi dê ngoài lợi nhuận từ việc bán dê thịt, dê giống thì phân dê cũng mang lại nguồn thu đáng kể. Anh Hồng cho biết: “Cứ tầm nửa tháng thì người mua phân dê đến cào, gom phân 1 lần, bình quân 22.000 đồng/bao. Với giá bán này, 1.000 con dê hàng tháng số phân mang lại không hề nhỏ, có thêm kinh tế xoay sở cho gia đình và chăm sóc đàn dê tốt hơn”.
Trong khi các loài gia súc khác đang đối diện với dịch bệnh thì anh Hồng lại khá tự tin với việc nuôi dê. Chính vì giá trị kinh tế từ con dê mang lại nên có nhiều người đã tìm đến anh để mua con giống, cũng như học hỏi kinh nghiệm nuôi. Ai đến anh cũng sẵn sàng chia sẻ, bởi với anh việc nuôi dê không chỉ để thoát nghèo, mà còn góp phần phát triển kinh tế cho người dân. Năm 2018, anh Hồng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” với mô hình nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao này.
Nói về mô hình chăn nuôi triển vọng này, ông Đặng Thành Trung - Chủ tịch Hội nông dân huyện Gò Công Đông cho biết: “Trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu như hiện nay thì con dê được Hội nông dân và các ngành chức năng của huyện Gò Công Đông nói riêng, các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang khuyến cáo bà con nên chọn để nuôi thay thế các loại vật nuôi khác và thường xuyên tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm tại mô hình chăn nuôi của anh Hồng. Ngoài ra, tại các hội thảo, chúng tôi cũng mời anh Hồng đến để chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp những thắc mắc của bà con nhân dân trong quá trình chăn nuôi. Ngoài việc tìm đầu ra, tiêu thụ dê của gia đình mình thì anh Hồng còn thu mua dê thịt, cung cấp dê giống, tạo sự an tâm cho người chăn nuôi. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của anh Hồng trong việc hỗ trợ người dân phát triển đàn dê, đây được xem là con vật giúp người nông dân xóa khó giảm nghèo hiệu quả hiện nay tại địa phương”.
“Với những triển vọng từ con dê mang lại, hướng tới tôi sẽ cố gắng tìm đầu ra ổn định, lâu dài và nghiên cứu lai tạo nhiều giống dê: sữa nhiều, khỏe mạnh, mau lớn để thay thế những giống dê hiện tại. Đồng thời, mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng chuồng trại đúng chuẩn, đảm bảo chăn nuôi không ô nhiễm môi trường và hỗ trợ bà con nào cần con giống chất lượng hay cần hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và thu mua dê thịt cho bà con, để người chăn nuôi yên tâm gắn bó với con dê, xây dựng mô hình chăn nuôi phù hợp, thích ứng với sự biến đổi khí hậu gây gắt như hiện nay” - Anh Hồng cho biết thêm.