Du lịch và nông nghiệp là hai ngành kinh tế rất có tiềm năng phát triển tại nước ta, nhưng làm sao để gắn kết thành công để đưa ra một sản phẩm mang các lợi ích to lớn về mặt kinh tế, xã hội, môi trường. | |
Khách du lịch tham quan sản phẩm nông nghiệpTrang trại đồng quê Ba Vì |
Trước hết, cần hiểu du lịch nông nghiệp là một hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các vùng đô thị và nông thôn thông qua việc đến ở hoặc tham quan có mục đích nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng gia đình nông hộ hoặc các trang trại… Là một hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả và tiếp thị tận gốc về hồ sơ xuất xứ sản phẩm, nhất là khi nhu cầu về tự bảo vệ sức khỏe trước nguồn thực phẩm và môi trường ô nhiễm của cộng đồng xã hội tại các thành phố lớn ngày càng tăng. Thông qua các hoạt động du lịch nông nghiệp, du khách sẽ được trải nghiệm toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến ra các sản phẩm sạch, hữu cơ mang tính bản địa gắn với lịch sử văn hóa truyền thống.
Đó chính là tinh thần của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP. Khi được gắn với du lịch nông nghiệp, chương trình OCOP sẽ có thêm sức sống mạnh mẽ, động lực phát triển vì kéo khách hàng xuống tận nơi có quy trình sản xuất, chế biến, thương mại để thưởng ngoạn. Các hoạt động du lịch nông nghiệp còn tạo niềm tin, phấn khởi trên sự san sẻ, góp ý, cảm thông cho việc ngày càng nâng cao giá trị của sản vật cho cả cộng đồng người mua lẫn người sản xuất và bán. Đưa lại các giá trị vật chất và tinh thần không thể tính đếm được về mặt lâu dài - nền tảng của sự phát triển bền vững cho chương trình OCOP. Việt Nam là đất nước có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chương trình OCOP.
Bên cạnh các thuận lợi tiềm năng nói trên, quá trình phát triển mô hình nông nghiệp tại nước ta sẽ rất hợp lý nếu được coi là một sản phẩm của chương trình OCOP là mục tiêu quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Muốn vậy cần phải xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ như:
1. Cần có chủ trương nghiên cứu một cách thấu đáo cho việc phát triển nền du lịch nông nghiệp truyền thống địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.
2. Quá trình quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp là một việc khó khăn, đòi hỏi tầm nhìn lâu dài và thực hiện sẽ cần một quyết sách rất mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo.
3. Cần tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm du lịch nông nghiệp bắt đầu từ tên gọi và nội dung hoạt động.
4. Cần cung cấp kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị các sản vật cho các nông hộ. Số lượng du khách sẽ ít và không ổn định nếu tiếp thị và quảng cáo không tốt.
Việc xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp (DLNN) cần được thông qua các mô hình mang tính thực tiễn cao trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Mô hình DLNN mang đặc thù Việt Nam gắn kết với các làng nghề nông nghiệp truyền thống tức là các làng nghề sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nghề muối vì sẽ góp phần tích cực.
Trong bài báo này chúng tôi xin được giới thiệu một cách minh họa về Trang trại đồng quê Ba Vì. Từ năm 2008 cho đến nay, Trang trại đồng quê Ba Vì đã thực hiện xây dựng mô hình DLNN - mô hình thí điểm mang tính gợi mở tại vùng phụ cận chân núi Ba Vì nơi hiện hữu 4 làng nghề nông nghiệp truyền thống trong một không gian thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ dựa vào núi Ba Vì. Trang trại đã tiến hành các nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, xây dựng các tour DLNN, đóng góp vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc (có sự giao thoa Kinh, Mường, Dao), không gian cộng đồng nông nghiệp truyền thống và các sản vật gốc thiên nhiên. Xác định và phục vụ chu đáo các đối tượng du khách trong nước và ngoài nước đối với DLNN, đặc biệt là các trường học và các gia đình, cơ quan đến từ trung tâm Hà Nội.
Thứ hai, gắn kết chặt chẽ với cộng đồng nông dân của các làng nghề nông nghiệp truyền thống xung quanh Trang trại trên cơ sở nghiên cứu rất kỹ lưỡng lịch sử văn hóa hình thành sản vật trồng trọt và chăn nuôi để không những có các thông tin thật sự hấp dẫn du khách mà còn trở thành đơn vị giới thiệu quảng bá rất hiệu quả và tích cực các sản phẩm nông nghiệp xanh - sạch - an toàn của vùng cho người tiêu dùng, đặc biệt là du khách đến từ thành phố. Tham gia trực tiếp vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ nguồn gốc thiên nhiên (rau rừng, rau gia vị, rau thảo dược).
Thứ ba, tiến hành đào tạo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp của mình là con em của địa phương nơi mình hoạt động tất cả các kiến thức và kỹ năng DLNN, tham gia vào việc đào tạo cho các nông hộ liên kết nằm trong tour DLNN.
Thứ tư, xây dựng các quan hệ liên kết trong và ngoài vùng thông qua thị trường du khách tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của vùng như: thảo dược, sữa, chè, rau sạch (rau gia vị và rau thảo dược), gà đồi, thịt bê…./.