Ngày 9-1-2020, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội); Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng phối hợp tổ chức hội thảo khoa học: “Khởi nghĩa Trương Định và việc phục dựng, nâng cấp các quần thể di tích”. Ban biên tập xin giới thiệu nội dung bài phát biểu của TS. Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch Liên hiệp Hội tại hội thảo trên. | |
Kính thưa quý lãnh đạo, quý vị đại biểu cùng các vị khách quý!
Gò Công vốn được xem là “Địa linh nhân kiệt”, vùng đất này đã sản sinh nhiều bậc anh hùng hào kiệt, lương tướng danh thành, trung quân, ái quốc. Nơi đây gắn liền với tên tuổi của 2 vị hoàng hậu nổi tiếng triều Nguyễn lúc bấy giờ là Thái Hậu Từ Dũ và Nam Phương hoàng hậu… Đặc biệt, Gò Công còn gắn liền với tên tuổi của Anh hùng dân tộc Trương Định, Người đã góp phần viết nên trang sử oanh liệt của nhân dân Nam kỳ nói chung và nhân dân Tiền Giang nói riêng trong những năm đầu đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.
Có thể nói, sau 3 năm (1859 - 1862) lãnh đạo nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa, ông đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, buộc quân Pháp phải rút khỏi Đồn Gò Công vào tháng 3-1862.
Sau đó, theo nội dung Hiệp ước Nhâm Tuất do triều đình nhà Nguyễn ký kết với thực dân Pháp (tháng 6-1862), thay vì phải giải tán nghĩa quân nhưng ông đã chọn “Đám lá tối trời” làm cứ điểm để tiếp tục gầy dựng lực lượng và lãnh đạo nhân dân đánh Pháp. Tuy nhiên, do thế giặc quá mạnh cộng với sự truy lùng ráo riết của bọn mật thám cùng một số kẻ phản bội, ông đã anh dũng hy sinh vào ngày 20-8-1864.
Thưa quý vị đại biểu!
Tuy sự nghiệp cứu nước chưa thành, ước nguyện cứu dân chưa đạt, nhưng Trương Định đã để lại tấm gương về lòng yêu nước thương dân, về tinh thần kiên trung, bất khuất, quyết chiến đấu đến cùng vì quyền lợi tối thượng của quốc gia, của dân tộc nên được nhân dân suy tôn là “Bình Tây Đại nguyên soái”.
Sau năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang đã tiến hành trùng tu, tôn tạo một số di tích từng gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông, như: Cụm di tích Đền thờ Trương Định – Đám lá tối trời – Ao Dinh tại xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông); Đền thờ và lăng mộ Trương Định tại thị xã Gò Công; Chiến lũy Pháo đài tại xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông); Lăng Hoàng Gia tại gò Sơn Quy (xã Long Hưng, thị xã Gò Công)…
Đặc biệt, trong năm 2019, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Gò Công Đông cùng các sở, ngành liên quan, UBND xã Gia Thuận tiến hành khảo sát, xây dựng và đề xuất phương án phục dựng “Đám lá tối trời” trình UBND tỉnh xem xét.
Thưa quý vị đại biểu!
Để ghi nhớ và tri ân vị Anh hùng dân tộc có nhiều công lao đối với đất nước cũng như để phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc ta cho các thế hệ hôm nay và mai sau, việc bảo tồn và mở rộng các di tích lịch sử có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trương Định ở Gò Công là việc làm cần thiết và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Để có cơ sở phối hợp và triển khai phương án “Phục dựng đám lá tối trời” cùng các quần thể di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trương Định đạt hiệu quả và đảm bảo tính khả thi, được sự thống nhất của UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: "Khởi nghĩa Trương Định và việc phục dựng, nâng cấp các quần thể di tích”.
Việc tổ chức hội thảo nhằm đạt mục tiêu:
- Một là, xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phục dựng “Đám lá tối trời” cùng các quần thể di tích liên quan nhằm xây dựng Khu di tích Anh hùng dân tộc Trương Định thành Trung tâm tổ chức lễ hội khu vực phía Đông của tỉnh, góp phần phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới.
- Hai là, đề xuất một số giải pháp để triển khai xây dựng dự án “Phục dựng đám lá tối trời” gắn với việc phục dựng, nâng cấp các quần thể di tích và mở rộng Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định mang lại hiệu quả, có tính khả thi.
Với những nội dung nêu trên, tôi xin tuyên bố khai mạc hội thảo khoa học: "Khởi nghĩa Trương Định và việc phục dựng, nâng cấp các quần thể di tích”
Ban tổ chức tin tưởng rằng, trong buổi hội thảo hôm nay, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Viện, Trường, cấp ủy các cấp; các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã… các chuyên gia, nhà khoa học sẽ có những ý kiến đóng góp thiết thực, hiệu quả; đồng thời, đề xuất một số giải pháp khả thi nhằm giúp cho công tác triển khai dự án “Phục dựng đám lá tối trời” và việc phục dựng, nâng cấp các quần thể di tích liên quan mang lại hiệu quả cao nhất, nhằm đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đối với những công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trương Định trong cuộc đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.
Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin chân thành cám ơn Quý vị đại biểu đã dành thời gian tới tham dự hội thảo. Chúc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin cảm ơn và xin trân trọng kính chào!