Kỹ sữ Trần Văn Bạc, công tác tại Khu Bảo tồn sinh thái Đồn Tháp Mười đã nhân giống thành công chim Giang sen trong điều kiện nuôi bán hoang dã với 11/14 cá thể được nuôi sống đến trưởng thành. Đề tài này vừa được trao giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII (2018 – 2019). | |
Chim Giang sen 30 ngày tuổi |
Theo kỹ sư Trần Văn Bạc, Giang sen là loài chim thuộc danh mục cần quy tập và bảo tồn tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (gọi tắt là Khu bảo tồn) nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Đây là loài chim nằm trong sách đỏ Việt Nam thuộc nhóm IIB, có tên khoa học là Mycteria leucocephala. Trong những năm qua, Khu bảo tồn đã tiến hành quy tập được 12 cá thể bố mẹ. Tuy nhiên, do loài chim này sống và thích nghi với điều kiện nuôi bán hoang dã nhưng lại không sinh sản nên công tác quy tập và bảo tồn loài sinh vật quý hiếm này gặp không ít khó khăn.
Chim Giang sen 45 ngày tuổi
Xuất phát từ thực tế trên, kỹ sư Trần Văn Bạc nảy sinh ý tưởng và bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu “Nhân giống chim Giang sen trong điều kiện bán hoang dã”. Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 10-2016 đến tháng 3-2017. Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu về đặc điểm sinh học của giống chim Giang sen, tác giả đã tiến hành các thử nghiệm nhằm tạo ra điều kiện tối ưu gần giống với môi trường sống tự nhiên để chúng có thể thích nghi và sinh sản. Theo kỹ sư Bạc, chim Giang sen sống trong môi trường tự nhiên, thường kiếm ăn tại các đầm lầy, đồng ruộng với nguồn thức ăn chính là cá sống cùng một số động vật khác như: Tép, nhái, cua nhỏ… và chúng thường làm tổ trên các cây rừng lớn như: Tràm lâu năm, gừa, gáo…
Chuồng nuôi nhốt chim Giang sen tại Khu bảo tồn.
Cũng qua khảo sát thực tế, tác giả nhận thấy, trong quá trình quy tập tại Khu bảo tồn, loài chim này được nuôi nhốt trong nhà lưới và được cung cấp nguồn thức ăn chủ yếu là cá (đã chết) nên chúng ăn ít, dẫn đến suy dinh dưỡng, thể trạng kém. Ngoài ra, do không được bổ sung nguồn nguyên liệu tự nhiên vào đúng mùa sinh sản để chim bố mẹ xây tổ, tự ghép đôi, giao phối… là những nguyên nhân chủ yếu làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chúng. Từ đó, giải pháp kỹ thuật được tác giả đề xuất gồm: Chuồng nuôi được thiết kế theo kiểu nhà lưới với không gian đủ rộng để chim tự do bay lượn; đồng thời, bố trí hồ thả cá để làm mồi cho chim ăn (thay cho cá chết) và trồng cây xanh xung quanh chuồng kết hợp cung cấp một số nhánh cây khô như: Chuỗi đực, tràm, tre, keo gai… vào đúng mùa sinh sản nhằm tạo điều kiện cho đàn chim bố mẹ xây tổ, ghép đôi, giao phối và sinh sản. Đặc biệt, cần tạo không gian yên tĩnh để phù hợp với cuộc sống hoang dã của loài chim này.
Kết quả nghiên cứu của đề tài là từ 12 cá thể chim Giang sen trưởng thành ban đầu, kỹ sư Trần Văn Bạc đã cho sinh sản thành công 7 tổ chim với 14 cá thể chim non; trong đó, số lượng sống đến trưởng thành là 11 con.
Việc nhân giống thành công chim Giang sen trong điều kiện bán hoang dã đã góp phần bảo tồn loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam đang có nguy cơ tiệt chủng cũng như góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được áp dụng để nhân giống các loài chim khác có tập tính tương đồng với loài chim Giang sen như: Điên điển, Già đẫy, Diệc xám, Diệc lửa…