Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Trời chuyển lạnh, bé dễ bị khò khè
(Ngày đăng: 02/12/2019)

Ngày 27-11-2019 bé Nguyễn Ngọc Q, 3 tuổi, nhà ở Phường 1, TP Mỹ Tho, Tiền Giang được mẹ đưa đến bác sĩ khám vì bé bị ho khò hè suốt đêm. Sau khi khám bác sĩ chẩn đoán cháu Q bị bệnh viêm tiểu phế quản cấp, bác sĩ cho toa và dặn khi nào thấy cháu thở mệt, co rút lồng ngực nặng thì phải vào bệnh viện ngay.
Quang cảnh phòng bệnh

 

          Mẹ cháu lo lắng nói bà rất sợ về đêm, cứ ban đêm là cháu ho và khò khè nhiều hơn, ban ngày thì tự nhiên giảm, không biết tại sao? Bác sĩ giải thích có thể ban đêm trời trở lạnh và cũng có khả năng buồng ngủ của cháu có nhiều bụi bậm khiến cho cháu dễ bị dị ứng với thời tiết cũng như môi trường. Chị nên giữ ấm buổi tối cho cháu, dọn dẹp sạch sẽ và thông thoáng phòng ngủ, không treo quần áo, để đồ chơi trong phòng quá nhiều rất dễ bị bám bụi nhà và bụi trong không khí.


          Trong tuần qua thời tiết đang giai đoạn chuyển mùa, lạnh về đêm, ngày xuất hiện mưa rải rác và sương mù, nhiều tỉnh thành bị ô nhiễm không khí nặng, nhiều trẻ ho, bị khò khè, khó thở phải vào các cơ sở y tế khám bệnh. Chúng ta phải làm sao để sao để phòng bệnh khò khè cho trẻ?


          Về chuyên môn, khi cơ thể tiếp xúc với không khí lạnh hoặc bụi khói sẽ kích thích các thụ thể cảm giác ở đường hô hấp, hoạt hóa phản xạ co cơ trơn phế quản gây hẹp phế quản. Đây là một phản xạ bảo vệ của cơ thể trước sự thay đổi đột ngột nhiệt độ không khí bên ngoài, làm hạn chế sự tổn thương niêm mạc phế quản, ngăn cản khí lạnh, bụi, sương mù và các hóa chất có hại khác vào đường thở. Tuy nhiên ở một số trẻ có cơ địa dị ứng, như bệnh hen suyễn chẳng hạn thì bản thân bé có những khiếm khuyết trong cơ chế điều hòa thần kinh tự chủ gây tăng đáp ứng đường dẫn khí quá mức. Trong hệ thần kinh tự chủ thì hệ phó giao cảm giử vai trò chủ yếu làm co thắt phế quản qua phản xạ phó giao cảm. Phản xạ phó giao cảm sẽ kích thích tế bào thần kinh tiết ra acetylcholine tác động lên các thụ thể muscarinic gây co thắt phế quản, tăng tính thấm thành mạch gây phù nề phế quản, tổn thương niêm mạc phế quản, tạo phản ứng viêm tại chổ, cuối cùng là bội nhiễm thêm vi trùng hoặc siêu vi trùng ở đường hô hấp, gây nên bệnh suyễn (Do dị ứng), viêm tiểu phế quản cấp (Do bội nhiễm siêu vi trùng đường hô hấp).


          Để phòng ngừa bé bị khò khè trong mùa lạnh, bà con mình nên giữ ấm cho bé, chú ý các vị trí sau: Giữ ấm phần đầu, đây là bộ phận dễ bị ảnh hưởng nếu không được ủ ấm, đặc biệt thóp, tai, nên cho bé đội nón vải hoặc len để ủ ấm phần đầu. Vùng cổ, ngực là nơi trực tiếp tiếp xúc với không khí lạnh nên chú ý giữ ấm cho phần này của bé để tránh gió và các bệnh về hô hấp. Vùng tay chân là nơi xa nhất của cơ thể nên máu thông lưu thông kém, dễ bị co mạch khi trời lạnh, điều này ảnh hưởng đến hệ thần kinh giao cảm gây co thắt phế quản. Bà con cần cho bé mang bao tay, vớ len thường xuyên. Khi bé ra ngoài trời nên cho bé đi một đôi giầy có kèm theo vớ len, hoặc ủng để chân được giữ ấm tốt nhất. Ngoài ra bà con chú ý cho trẻ uống đủ nước, vì mùa lạnh trẻ ít uống nước khiến trẻ dễ mất nước, làm niêm mạc hô hấp bị khô dễ bong tróc gây tổn thương đường hô hấp như viêm họng, chảy máu cam, không tiếp xúc với người ho cảm, tránh chổ đông người, rửa tay thường xuyên... Dinh dưỡng hợp lý, đủ chất sẽ làm gia tăng sức đề kháng cho trẻ góp phần làm giảm các bệnh lý đường hô hấp về mùa lạnh./.

 

BS. Nguyễn Thành Úc
Tin liên quan