Nắm bắt xu thế và tác động của những xu thế giúp ngành nông nghiệp định hướng và có những điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, cụ thể là ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) vào lĩnh vực nông nghiệp, tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững và thân thiện với môi trường. Ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp là một trong những giải pháp tích cực để giải quyết các thách thức đó. | |
Trong lĩnh vực chăn nuôi, có các ứng dụng phần mềm trong quản lý sức khỏe, trong quản lý khẩu phần và dinh dưỡng của từng cá thể vật nuôi; ứng dụng các kỹ thuật công nghệ sinh học mới, hiện đại như ELISA, PCR, Sequencing,… để chẩn đoán nhanh và chính xác, cả định tính và định lượng, kháng nguyên và kháng thể,… các bệnh trên gia súc, gia cầm; ứng dụng phương pháp cắt phôi và cải tiến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm phục vụ lĩnh vực sinh sản động vật; sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc thiên nhiên nhằm thay thế và hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi; sản xuất vaccine; ứng dụng công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học hỗ trợ cho quá trình biến dưỡng như enzym phytase, cellulase, protease,… để sử dụng hiệu quả thức ăn chăn nuôi và giảm ô nhiễm môi trường; sản xuất các vi sinh vật có ích bổ sung trong thức ăn; xác định giới tinh vật nuôi,…
Một số hạn chế của sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng
Công tác nghiên cứu và phát triển CNC của Việt Nam thiếu định hướng vào ứng dụng cho đối tượng doanh nghiệp, nông dân. Các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là trình độ nuôi trồng của nông dân thấp, chưa đủ khả năng tiếp cận công nghệ mới; Chính phủ, chính quyền địa phương thiếu các giải pháp khả thi trong việc chuyển giao công nghệ; đất sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ, khó áp dụng CNC trong sản xuất, nông dân thường hạn chế về vốn, trong khi vay vốn phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp CNC là mô hình hoàn toàn mới với họ. Việc thu hút doanh nghiệp tham gia nghiên cứu tạo ra và phát triển CNC trong nông nghiệp rất ít là do công đoạn nầy thường gặp nhiều rủi ro, chi phí đầu tư nghiên cứu lớn.
Chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa có chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lục chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng chưa xuyên suốt và đồng bộ. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất các sản phẩm chủ lực của ngành vẫn chưa làm tốt vai trò liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; chưa tập họp được nhiền nông dân tham gia; ngành nghề hoạt động còn đơn điệu.
Công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của các đơn vị chức năng chưa nghiêm ngặt, còn mang tính hình thức, thiếu tính minh bạch.
Việc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong ngành một cách cầu thị sẽ giúp tìm ra các giải pháp, chính sách phù hợp để phát triển nông nghiệp, tái cấu trúc lại ngành cho phù hợp hơn với xu thế phát triển của ngành nông nghiệp trên thế giới.
Những rào cản trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN
Theo đánh giá của các nhà khoa học, mặc dù khoa học nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng đến nay, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước cũng như trên thế giới còn thấp. Phần lớn nông dân ở vùng sâu, vùng xa còn ít hiểu biết và thiếu thông tin về các giống mới, các quy trình công nghệ tiên tiến, cũng như nhu cầu đa dạng của thị trường. Việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, thiếu các giải pháp đồng bộ nhằm tạo động lực đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất. Nhiều đề tài sau nghiên cứu không triển khai được vào sản xuất do chất lượng kém và không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp chưa có tính đột phá, chỉ tập trung vào một số sản phẩm chủ lực mà chưa quan tâm đến sản phẩm công nghệ ứng dụng CNC, công nghệ thông minh. Theo Bộ NN&PTNT đánh giá, trình độ KHCN ở nhiều lĩnh vực như cây ăn quả, rau, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản… vẫn ở mức thấp. Đặc biệt là KHCN ứng dụng trong chăn nuôi còn hạn chế cả về chất lượng con giống lẫn khâu chế biến thức ăn.
Theo đánh giá của Viện Chính sách Chiến lược - Bộ NN&PTNT, mức độ đóng góp của KHCN đối với tăng trưởng sản xuất nông nghiệp còn thấp nếu như không muốn nói là quá thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nầy, trong đó nổi bật là đầu tư thấp và cơ chế chính sách bất cập. Do thu nhập và hiệu quả sản xuất thấp cho nên nông dân không gắn bó với nông nghiệp. Một nguyên nhân khác là sự gắn kết giữa nghiên cứu và chuyển giao chưa chặt chẽ, nhất là sự liên kết giữa KHCN và doanh nghiệp còn yếu.. Nghiên cứu KHCN nông nghiệp chỉ mới tập trung chủ yếu ở tổ chức nhà nước, trong khi các thành phần kinh tế khác, nhất là doanh nghiệp chưa thật sự mặn mà với nghiên cứu KHCN nông nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu nhiều cán bộ khoa học chuyên sâu trong từng lĩnh vực, nhất là lĩnh vực CNC. Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu còn nhiều hạn chế.
Một số giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng
Những giải pháp về thay đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; thay đổi biện pháp kỹ thuật trong canh tác hoặc chăm sóc là những biện pháp cơ bản, có tác động lâu dài và rộng rãi đến đời sống và thu nhập của người sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, ứng dụng CNC trong nông nghiệp cũng là giải pháp hết sức hữu hiệu, có giá trị và tác động thay đổi căn cơ nền nông nghiệp cần được đặc biệt quan tâm và có những chính sách khuyến khích để thúc đẩy, cụ thể như:
1. Ứng dụng công nghệ Bclockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Ứng dụng truy xuất nguồn gốc mang lại các lợi ích như tuân thủ các quy định mang tính toàn cầu; quảng bá công ty hướng đến sự bền vững, minh bạch, đáp ứng yêu cầu khách hàng; sử dụng công cụ hỗ trợ hiệu quả chống khủng bố sinh học; trả lời nhanh và tin cậy trong trường hợp có vấn đề liên quan đến an toàn và thu hồi sản phẩm; đáp ứng yêu cầu đối tác, cả thị trường trong nước và nước ngoài.
2. Xây dựng chuỗi cung ứng cho một số sản phẩm nông nghiệp trọng yếu: Chuỗi cung ứng có lợi điểm là kết hợp được ưu thế và sở trường của các nhân tố tham gia trong chuỗi; chia sẻ được trách nhiệm, rủi ro và quyền lợi của những thành viên tham gia trong chuỗi; nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả trong việc giới thiệu sản phẩm và năng lực cung ứng; tạo sự an tâm cho các nhà phân phối cũng như người tiêu dùng đối với các sản phẩm của chuỗi.
3. Ứng dụng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông): sử dụng các phần mềm quản lý hệ thống tưới, quản lý đồng ruộng, chuồng trại kết hợp với điện thoại và mạng vi tính, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển từ xa giúp theo dõi việc vận hành nhà màng cũng như sản xuất ngoài đồng ruộng, trang trại. Thông qua các phần mềm giúp chúng ta nhận biết các chỉ tiêu cần thiết cho cây trồng, vật nuôi có tối ưu chưa và điều chỉnh các chỉ tiêu nào và các hoạt động nầy được điều khiển thông qua các thiết bị thông minh.
4. Ứng dụng quản lý đất canh tác trên bản đồ số GIS: Hệ thống dựa trên cơ sở dữ liệu đã được phân tích với từng loại cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, các thay đổi của thời tiết, kết hợp với các tính toán về chi phí, doanh thu dự kiến để từ đó đưa ra các lựa chọn và giải pháp bố trí sản xuất, canh tác tối ưu trên khu đất, tính toán được lợi nhuận dự kiến cho từng phương án tổ chức sản xuất.
5. Xây dựng và thiết lập hệ thống thông tin thị trường (Mis-Market Information System): Xem nó như là một phương tiện hữu hiệu để cải thiện hiệu quả của hệ thống marketing và nâng cao khả năng định giá một cách công bằng hợp lý của các tác nhân trong ngành hàng; giúp nông dân có khả năng lập các kế hoạch sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường; quyết định sản xuất vào những thời điểm có lợi nhất; quyết định thị trường mà họ sẽ mang sản phẩm đến bán và có khả năng đàm phán trực tiếp với các tác nhân khác trong hệ thống marketing. Việc phát triển hệ thống thông tin thị trường cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho cả những người kinh doanh nông sản, giúp họ có thể chuyển sản phẩm từ nơi thừa sang những nơi thiếu hụt để có thể mang lại lợi nhuận cao nhất.
6. Chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi thích ứng BĐKH: Xây dựng quy hoạch các tiểu vùng chăn nuôi đối với từng đối tượng vật nuôi theo hướng thích ứng với điều kiện hạn, mặn và an toàn dịch bệnh, gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó phát triển chăn nuôi vịt biển, dê, nuôi gà bán chăn thả, chim yến nuôi trong nhà ở vùng ngoại ô. Riêng chim yến và ong mật cần cân nhắc kỹ và phát triển một cách có căn cứ khoa học, bảo tồn giống ong mật bản địa.
7. Tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh gắn với chuỗi liên kết:
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, cần phải thay đổi cách tiếp cận mới theo hướng sản xuất công nghiệp, tập trung hạ giá thành, sử dụng con giống, thức ăn có chất lượng cao, áp dụng quản trị tốt và đẩy nhanh chăn nuôi hữu cơ theo hướng các sản phẩm đặc sản.
Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh quy hoạch cơ cấu lại ngành phù hợp với lợi thế so sánh, gắn với nhu cầu thị trường và định hình được nhóm sản phẩm chăn nuôi đặc sản, đặc trưng địa phương. Đồng thời, xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh, tổ chức chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến và kết nối thị trường theo các chuỗi liên kết khép kín.