Em Đoàn Trần Tiến Trí, học sinh lớp 9, Trường THCS Tân Bình (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) sáng tạo thành công “Thiết bị báo cháy đơn giản” rất tiện dụng. Giải pháp này được em vận dụng sáng tạo dựa trên nguyên lý hoạt động của con chuột bóng đèn huỳnh quang. | |
Giải pháp của em Đoàn Trần Tiến Trí được trao giải Nhì Cuộc thi thị xã Cai Lậy lần thứ II (2018-2019). |
Em Đoàn Trần Tiến Trí cho biết, trong chương trình môn Vật lý lớp 9, em rất thích thú những bài học liên quan đến dòng diện, cường độ dòng điện, điện thế, điện trở và dành nhiều thời gian để tìm hiểu về chúng. Trong đó, em đặc biệt chú ý và tập trung nghiên cứu về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của con chuột (còn gọi là tắc-te hay starter) sử dụng để khởi động cho đèn huỳnh quang (hay đèn tuýp).
Về bản chất thì con chuột là tụ điện, cấu tạo gồm hai thanh kim loại đặt gần nhau trong bóng thủy tinh chân không. Với điện thế khoảng 170 vôn sẽ có sự phóng điện giữa hai thanh này làm nó bị nóng, nở ra và chạm vào nhau. Khi chạm vào nhau tức là nó đã nối mạch điện.
Ứng dụng nguyên lý hoạt động con chuột đèn huỳnh quang để thay cho cảm biến nhiệt
Từ đó, em vận dụng nguyên lý hoạt động của con chuột đèn huỳnh quang thay cho cảm biến nhiệt để sáng tạo ra “Thiết bị báo cháy đơn giản”. Thiết bị có cấu tạo gồm: Mô-tơ (tận dụng từ xe trò chơi điện tử), 2 cục pin 1,5V, 1 bóng đèn, dây điện (một dây nối cực dương của pin với cực dương của mô-tơ, dây còn lại nối cực âm của pin, đấu nối tiếp với con chuột và với cực còn lại của mô-tơ), chuông xe đạp (tận dụng phần vỏ chuông), chuột đèn huỳnh quang (thay cho cảm biến nhiệt, được đập bỏ phần vỏ ngoài) và miếng gỗ để lắp các vật dụng, thiết bị trên.
Về vận hành, khi có hỏa hoạn xảy ra, nhiệt độ trong nhà tăng (từ 60-1000C), hai thanh kim loại của con chuột nóng lên, chạm vào và nối thông mạch điện làm mô-tơ quay tác động vào vỏ chuông tạo tiếng kêu và làm đèn cháy sáng để báo động có cháy. Ngược lại, khi nhiệt độ trong nhà giảm xuống (ngọn lửa đã được dập tắt), hai thanh kim loại co lại và tách ra, mạch điện được ngắt, mô-tơ ngừng quay nên đèn tắt và chuông báo động cũng ngừng kêu.
Thầy Vương Hữu Thuận Thành, giáo viên Trường THCS Tân Bình – người hướng dẫn em Đoàn Trần Tiến Trí thực hiện thiết bị trên nhận xét: “Em Đoàn Trần Tiến Trí là học sinh giỏi 4 năm liền của trường. Ngoài ra, em cũng rất đam mê sáng tạo, thích khám phá, nhất là lĩnh vực cơ điện”.
Do đảm bảo các tiêu chí về tính mới, tính sáng tạo nên giải pháp sáng tạo “Thiết bị báo cháy đơn giản” của em Đoàn Trần Tiến Trí được Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng thị xã Cai Lậy lần thứ II (2018-2019) trao giải Nhì.