Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hiểu thế nào về chăn nuôi ứng dụng công nghệ 4.0?
(Ngày đăng: 27/08/2019)

Nuôi dưỡng động vật (chăn nuôi) nhằm mục tiêu là tạo ra các sản phẩm như thịt, sữa, trứng, phân bón, năng lượng, giải trí,… rất cần thiết cho con người và có giá trị kinh tế cao ở trên thế giới.
Chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học

 

          Tuy nhiên, mục tiêu cụ thể của ngành này là phải bảo đảm sản xuất có lãi, thân thiện với môi trường và lâu dài trong thời đại ngày nay. Ưu điểm của nó là sản xuất được trong mọi hoàn cảnh với diện tích rất hạn chế, do đó mọi người đều có thể tham gia, đặc biệt là đối với người nghèo vốn ít ở nông thôn với quy mô gia đình và cũng phát triển chăn nuôi quy mô lớn công nghiệp. Hiện nay phát triển chăn nuôi công nghiệp chủ yếu là do các công ty nước ngoài với nguồn vốn lớn và kỹ thuật cao. Nghề chăn nuôi là ngành sản xuất cung cấp thu nhập chính cho ngân sách quốc gia ở nhiều nước như Úc, Anh, Mỹ, Hà Lan, Đan Mạch, Trung Quốc, Ấn Độ,… có mục tiêu xuất khẩu lớn dựa vào nguồn thức ăn chính trong nước như cỏ hòa thảo, họ đậu và các loại cây thức ăn khác, tạo ra sự đa dạng hoá về sản phẩm. Ví dụ như con giống, tinh đông lạnh, phôi đông khô, lông len, da, nội tạng phục vụ cấy ghép, sữa và thịt để phòng và trị bệnh cho người,…bên cạnh những sản phẩm chính.


          Nông nghiệp 4.0 (nền nông nghiệp thông minh), là xu thế phát triển hiện nay trên thế giới, được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi sử dụng hệ thống điều khiển tự động thông qua việc kết nối mạng các thiết bị máy móc trực tiếp tại nơi sản xuất hoặc gián tiếp tại trung tâm điều khiển. Trong đó, toàn bộ quy trình sản xuất bao gồm các công đoạn canh tác trên cánh đồng hay chăn nuôi trong các trang trại, kiểm soát chất lượng và giao dịch với các đối tác đều được quản lý và kiểm soát thông qua thông tin đã được số hoá. Chăn nuôi công nghệ 4.0 phát triển trên nền tảng sáng tạo về quản lý và công nghệ mới so với chăn nuôi công nghệ cao chủ yếu là tập trung vào đầu tư trang thiết bị và công nghệ cao, hiện đại. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong chăn nuôi phải đem lại lợi ích căn bản là tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn và mang lại lợi ích về tài chính, môi trường và xã hội.


           
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA NGÀNH CHĂN NUÔI


          Ngành chăn nuôi có những đặc điểm cần quan tâm trong tiến trình phát triển cũng như trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ như sau:


          - Sản phẩm chăn nuôi có giá trị kinh tế cao và rất cần thiết cho nâng cao dinh dưỡng và trí tuệ con người, có thể xuất khẩu bất kỳ nước nào trên thế giới tuỳ vào giá cả cạnh tranh.


          - Chăn nuôi công nghiệp và chăn nuôi hộ gia đình sản xuất nhỏ có công nghệ áp dụng khác nhau: Chăn nuôi công nghiệp đầu tư lớn với công nghệ hiện đại, trong khi chăn nuôi gia đình đầu tư ít, tận dụng nguồn lực trong gia đình và đất đai, lấy công làm lời với công nghệ thấp hơn.


          - Chăn nuôi gia đình ở nông thôn cần sự kết hợp chặt chẽ với trồng trọt, thủy sản và các hoạt động nông nghiệp khác so với chăn nuôi công nghiệp.


          - Chăn nuôi thường gây ô nhiễm môi trường do chất thải của gia súc và gia cầm, tuy nhiên nếu biết cách xử lý và sử dụng có thể mang lại hiệu qủa kinh tế nhiều hơn. Bên cạnh đó chất thải cũng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đáng kể.


          - Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cần có sự đầu tư và đánh giá dài hạn, mang tính bền vững và sáng tạo không ngừng.


          Nhìn chung, chăn nuôi cần vốn đầu tư nhiều hơn và có rủi ro cao hơn ngành sản xuất cây trồng, do dịch bệnh phức tạp hơn và sản phẩm phải an toàn dịch bệnh. Công nghệ ứng dụng trong chăn nuôi yêu cầu sự trang bị về kiến thức, kỹ năng và cách chăm sóc nuôi dưỡng của người sản xuất cẩn trọng hơn.


           
CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN VÀ LỢI ÍCH CHĂN NUÔI


          Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Lào, Bangladesh,… sản phẩm chăn nuôi cung cấp chủ yếu từ hộ gia đình có quy mô nhỏ, trong khi các nước phát triển như Mỹ, Úc, Đức,… do các công ty và trang trại lớn cung cấp. Điều này do điều kiện kinh tế quyết định, công ăn việc làm và lợi nhuận cũng được phân phối khác nhau. Do vậy ở các nước đang phát triển công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển sản xuất cho đại đa số người chăn nuôi cũng có sự khác biệt. Tóm lại, công tác nghiên cứu và phát triển các dự án làm sao người chăn nuôi sản xuất nhỏ có thể kiếm sống được.


          Về nguyên lý để chăn nuôi một loài vật nuôi phát triển bền vững ở một hộ gia đình hay một địa phương phải dựa vào sản xuất được nguồn thức ăn chính, ít rủi ro và sản xuất có lãi. Trong chăn nuôi việc chọn lựa một loài vật nuôi nào để nuôi có tầm quan trọng rất lớn, vì nó quyết định sự thành bại và sản xuất bền vững hay không? Do vậy trong hoàn cảnh kinh tế của người chăn nuôi và địa phương, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thị trường và xu thế công nghệ 4.0 địa phương cần có sự lựa chọn quyết tâm xây dựng dự án để đi đến thành công. Ví dụ: Chương trình bò sữa Sóc Trăng, bò thịt Bến Tre, dê cừu Ninh Thuận, thỏ ở Hà Tĩnh và Bắc Giang, hươu nai ở Nghệ Tĩnh,…


          Sản xuất chuỗi và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là xu thế sản xuất chăn nuôi cho thị trường cần được đặc biệt chú trọng. Do vậy, xây dựng ngành sản xuất trong hoàn cảnh này phải đặt trên cơ sở liên kết chuỗi, hợp tác xã, cơ sở chế biến hiện đại và buôn bán trong, ngoài nước phải được tính đến. Phân hữu cơ là nguồn nguyên liệu từ chất thải chăn nuôi cho nền nông nghiệp hữu cơ rất cần thiết và quan trọng cho sự sản xuất bền vững, phải được tính đến.


          NHỮNG THÁCH THỨC TRỰC TIẾP NGÀNH CHĂN NUÔI


          1. Những khủng hoảng do dân số tăng nhanh


          Trong thời đại ngày nay, thế giới đang chịu sự tác động cùng một lúc của 3 sự khủng hoảng về thực phẩm, năng lượng và biến đổi khí hậu gây nên do dân số ngày càng tăng, nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và sự thải khí gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động sống của con người. Ngành nuôi dưỡng động vật trên thế giới, Việt Nam và vùng ĐBSCL cũng phải chịu sự ảnh hưởng của các sự khủng hoảng này. Bắt đầu từ thế kỷ 21, cần thiết phải thấy là chúng ta đang bước vào giai đoạn mà giá ngũ cốc, thức ăn hỗn hợp truyền thống và bệnh tật gia súc ngày càng tăng cao, do sự cạnh tranh lương thực giữa người với gia súc, động cơ và do biến đổi khí hậu. Như thế chăn nuôi trên toàn cầu phải thích ứng với những thay đổi mang tính căn bản đối với con giống, sản xuất thức ăn và quy trình kỹ thuật nuôi động vật.


          2. Môi trường và khí thải gây hiệu ứng nhà kính


          Sự suy thoái môi trường do hoạt động sống của con người (đi lại, vận chuyên, rác thải, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp) dẫn đến ô nhiễm môi trường như bụi, khói, mùi hôi thối (NH3, H2S,…), phát tán mầm bệnh (virus, vi trùng gây bệnh, ký sinh trùng…) phát sinh dịch bệnh nghiêm trọng cho con người, vật nuôi và phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O, NO,…) làm trái đất ấm lên, gây nên biến đổi khí hậu.


          3. Tác động lớn của biến đổi khí hậu


          Biến đổi khí hậu gây nên sự nóng, lạnh, mưa lớn và hạn hán cực đoan; lũ lụt và bão; sạt lở đất ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và đời sống của con người.


          Dịch bệnh ở vật nuôi trở nên nghiêm trọng và dữ dội hơn, gây thiệt hại to lớn do biến đổi khí hậu ảnh hưởng sự biến đổi vật liệu di truyền, nguồn gen của vi sinh vật gây bệnh (bệnh cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi, heo tai xanh, lở mồm long móng trên heo và gia súc nhai lại,…).


          4. Chất lượng, an toàn sản phẩm chăn nuôi và công nghệ áp dụng


          Trong hoàn cảnh hiện nay, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ và an toàn cho con người, công nghệ cao lựa chọn thích hợp được cho là mục tiêu sản xuất để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; đó là những thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi hiện nay và thời gian sắp tới.


          Tóm lại, phát triển chăn nuôi trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cần đặt ra tiêu chí hướng tới trong các bước phát triển để phù hợp với xu hướng và đòi hỏi tất yếu đổi mới công nghệ, trong đó có nông nghiệp. Khái niệm nông nghiệp 4.0 là nền sản xuất nông nghiệp thông minh sáng tạo với đặc trưng là nền nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật số và kết nối các thiết bị để điều khiển tự động trong quá trình sản xuất chăn nuôi (chăn nuôi bò sữa, heo và gà công nghiệp với thiết bị thông minh, tự động và giảm lao động đáng kể), cho phép nâng cao hiệu suất sản xuất, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và mang lại lợi nhuận nhiều hơn. Tuy nhiên, sự đầu tư tài chính phải tương xứng. Do vậy, nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong chăn nuôi sẽ phong phú, sáng tạo hơn với thiết bị thông minh thích hợp.

 

KS. Nguyễn Văn Re
Tin liên quan