Tinh dầu là gì? Tinh dầu là vật chất dạng lỏng tập trung của các chất dễ bay hơi tự nhiên trong thực vật có mùi thơm. Tinh dầu mang sức sống và năng lượng tinh khiết nhất và mạnh hơn từ 50 đến 100 lần các loại thảo dược được sấy khô. Từ thời cổ đại, con người đã biết sử dụng trong các biện pháp dùng hương thơm để chăm sóc cơ thể khỏe mạnh, cân bằng tinh thần, làm đẹp… thậm chí ứng dụng trong ướp xác. Ngày nay, tinh dầu được nghiên cứu ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ văn hóa nghệ thuật, y dược, thẩm mỹ, tôn giáo, ẩm thực,… Có lẽ con người tiếp cận hương thơm, tinh dầu còn sau các loài côn trùng trong tự nhiên. | |
Thiết bị chưng cất tinh dầu |
Tinh dầu nguyên chất là loại tinh dầu được chiết xuất 100% từ thực vật, không thêm bất cứ thành phần hóa học nào khác. Tinh dầu nguyên chất an toàn cho sức khỏe, có thể dùng cho ăn uống ở hàm lượng nhất định theo hướng dẫn của nhà chuyên môn. Đa số tinh dầu đều trong veo, nhưng vẫn có một số màu vàng, màu hổ phách như tinh dầu chanh, cam, hoắc hương,… Một số tinh dầu không ăn được như tinh dầu bách, tinh dầu lộc đề xanh,…
Tinh dầu không nguyên chất là tinh dầu đã pha các thành phần hóa học khác hoặc được chiết xuất chưa đạt chất lượng tinh khiết, tuy nhiên tinh dầu không nguyên chất vẫn giữ được mùi hương của tinh dầu.
Tinh dầu tổng hợp còn được gọi là hương liệu, dầu thơm hóa tổng hợp. Tinh dầu tổng hợp bắt chước mùi thơm của tinh dầu có mùi thơm tương tự để tạo hương thơm trong ngành mỹ phẩm, xà phòng, thuốc lá, sản phẩm vệ sinh.
Người ta dùng phương pháp: ép lạnh, chưng cất hơi nước; dùng dung môi chiết xuất để lấy tinh dầu. Tinh dầu ép lạnh được xem là cao cấp nhất trong các loại tinh dầu, tinh dầu chiết xuất bằng hơi nước được xem là tinh dầu chất lượng chỉ sau ép lạnh, tinh dầu chiết xuất bằng dung môi dễ tồn tại tạp chất như sử dụng dung môi acetone, propane, hexane,… khả năng các hóa chất nầy để lại dư lượng độc hại nên không sử dụng để điều trị bệnh được.
Đa số mọi người đều sử dụng tinh dầu phù hợp theo chỉ định của chuyên môn. Tuy nhiên, một số người cũng cần được chống chỉ định hoặc de dặt hơn với một số tinh dầu không phù hợp. Thí dụ như phụ nữ có thai không được sử dụng tinh dầu húng quế, tinh dầu ngải cứu, tinh dầu hoa hồng,…
Tinh dầu được pha chế và sử dụng dưới nhiều dạng như làm son, phấn thơm, nước hoa, nước hoa khô, nước hoa lăn, làm nến thơm, nước xịt phòng, kem bôi da,…
Văn hóa sử dụng tinh dầu được bảo tồn và luôn được tìm tòi nghiên cứu, nhất là trong thời kỳ công nghiệp phát triển người ta phát hiện ra nhiều loại tinh dầu thiên nhiên hữu ích cho nhân loại.
Nhiều dân tộc hay tôn giáo có sự ưa chuộng loại tinh dầu đặc trưng riêng hoặc theo từng vùng miền, có loại sản phẩm tinh dầu đặc biệt mà nơi khác không có hoặc không chất lượng bằng.
Từ hơn 4.000 năm trước công nguyên con người đã biết sử dụng và hiểu biết giá trị của hương tinh dầu từ thực vật, đã dần đúc kết kinh nghiệm truyền lại cho thế hệ sau này bằng thực tế trong đời sống hàng ngày. Vào khoảng 4.500 năm trước công nguyên, người Trung Hoa đã phát hiện ra những tính năng kỳ diệu của cây cỏ để phòng và trị bệnh. Tuy vậy, người Ai Cập chính là dân tộc đã am hiểu và tận dụng những tính năng trị liệu về mặt thể chất và tinh thần của hương tinh dầu. Họ bào chế hương liệu dâng cúng các vị thần, ứng dụng tính năng của tinh dầu trong chống nhiễm trùng, khử trùng trong việc ướp xác, chữa bệnh. Từ đó, việc sử dụng hương tinh dầu dần đã được mọi tầng lớp trong xã hội sử dụng rộng rãi qua mỹ phẩm, nước hoa,... Người La Mã và Hy Lạp cũng sử dụng hương tinh dầu trong những cuộc tế lễ và nghi thức tôn giáo, sau này người dân dùng phổ biến trong tắm rửa, mát xa cơ thể, trong lễ hội vui chơi,…
Khoảng 1.000 năm sau công nguyên người Ả Rập đã chưng cất được tinh dầu hoa hồng và từ đó Ả Rập là quốc gia trở thành trung tâm sản xuất nước hoa cung cấp ra toàn thế giới. Vào khoảng thế kỷ thứ 12, Âu Châu đã sử dụng hương tinh dầu để phòng, chống bệnh dịch hạch, đến thế kỷ thứ 15 có rất nhiều đại gia sản xuất nước hoa khử mùi hôi và phòng bệnh tật, đến thế kỷ thứ 17 khả năng kích dục của hương tinh dầu được công nhận rộng rãi.
Ngày nay qua nhiều nghiên cứu người ta đã bắt đầu hiểu được nền tảng khoa học, tính năng và ứng dụng hương tinh dầu được phát hiện qua thử nghiệm, giải thích được ít nhiều sự nhầm lẫn suốt hàng ngàn năm qua.
Hương tinh dầu hoàn toàn khác hẳn với loại dầu “nặng” mà người ta dùng để nấu ăn, hương tinh dầu là loại dầu được cô đặc, nhẹ hơn nước và rất dễ bốc cháy, bốc hơi nhanh. Vì vậy chúng thường được pha trộn với những thành tố khác nhằm giữ được tính công hiệu. Hương liệu tinh dầu có tính đậm đặc nên hương tinh dầu được dùng theo đơn vị đo lường là giọt.
Vì cấu trúc phân tử nhỏ bé nên hương tinh dầu dễ thấm qua da. Hương tinh dầu dễ hòa tan trong cồn, chất nhũ hóa, nhất là chất béo. Hương tinh dầu dễ bay hơi nên dễ xâm nhập vào cơ thể khi ta hít thở, chúng được hấp thu từ đường mũi truyền thẳng lên não tác động lên cảm xúc chúng ta. Tùy theo từng loại hương tinh dầu có màu sắc, hương thơm và độ bay hơi riêng của nó nên mỗi thứ hương tinh dầu đều có những tính năng hữu ích riêng biệt.
Có nhiều cách ứng dụng mùi hương phòng chữa bệnh từ xa xưa đến nay như: Xông hơi, một phương pháp phổ biến rất tốt để chữa trị những chứng ở hệ hô hấp, cảm lạnh,…nhưng phải lưu ý không dùng cho người bệnh hen suyễn; xoa bóp trị liệu bằng hương tinh dầu; đốt đèn hương tinh dầu; tắm hương tinh dầu; ngâm tay, chân; xịt phòng; nước hoa khử mùi; mùi hương dành cho tủ quần áo; hoa khô; khăn tay; nến thơm,…
Trong nghiên cứu của Giáo sư Babar Ali và cộng sự thuộc trường Đại học Dược và khoa Sinh hóa Đại học King Abdulaziz, Saudi Arabia năm 2015 “Tổng quan về tinh dầu trong liệu pháp mùi hương”.
Việc sử dụng các liệu pháp thay thế và bổ sung song song với điều trị bằng y học chính thống ngày nay càng được chú trọng. Liệu pháp mùi hương là một trong những liệu pháp bổ sung sử dụng tinh dầu làm tác nhân trị liệu chính để điều trị một số bệnh. Liệu pháp này ra đời sau khi các nhà khoa học chứng minh được tính chất sát trùng và tính thấm qua da của tinh dầu. Hít, xoa bóp tại chỗ và tắm là những cách sử dụng chính giải quyết được nhiều chứng bệnh có hiệu quả như trầm cảm, khó tiêu, đau đầu, mất ngủ, đau cơ, các vấn đề về hô hấp, bệnh ngoài da, khớp sưng đau,… nghiên cứu này được tập hợp và phân tích từ nhiều nguồn đáng tin cậy (tạp chí học thuật, Ethnobotany, Google Scholar, Pubmed, Science direct) bao gồm: các tài liệu liên quan đến trị liệu, y tế, mỹ phẩm, tâm lý, khứu giác, liệu pháp xoa bóp, các vấn đề về an toàn và các loại thực vật khác nhau được sử dụng trong liệu pháp mùi hương.
Marilú Roxana Soto Vasquez, Paúl Alan Arkin Alvarado García thuộc khoa Dược và Hóa sinh, Đại học quốc gia Trujillo, Peru và Trung tâm Tâm lý trị liệu tích hợp Trujillo, Peru thực hiện nghiên cứu “Liệu pháp mùi hương với hai loại tinh dầu Satureja và thiền định để giảm chứng lo lắng trên bệnh nhân mắc rối loạn lo âu”.
Các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên 108 người tham gia, chia thành 06 nhóm, gồm 01 nhóm chứng và 05 nhóm thử nghiệm. Người tham gia nghiên cứu sẽ hít tinh dầu trong khi thiền định và được đo chỉ số lo lắng STAI trước và sau khi tiến hành để so sánh. Kết quả ở tất cả các nhóm sau khi thực hiện liệu pháp, chỉ số STAI đều giảm có ý nghĩa thống kê (P<0.005), đặc biệt ở nhóm sử dụng liệu pháp tinh dầu với thiền định.
Ở Việt Nam, người ta sử dụng liệu pháp hương tinh dầu từ lâu đời trong nền y học cổ truyền bằng các hương liệu như sả, bạc hà, kinh giới, tía tô, hương nhu, các loại cam quýt bưởi, đinh hương, đại hồi, trầm hương, hoàng đàn, cam tòng, húng chanh, bạch chỉ, tiểu hồi hương,… Nhưng các hương liệu này chủ yếu dùng trong thang thuốc hoặc một số ít loài được chưng cất sử dụng chưa được bài bản và rộng khắp. Sản phẩm tinh dầu dùng phòng chữa bệnh chưa được phong phú, chưa có những cơ sở nghiên cứu chuyên sâu nên tính phổ biến còn hạn chế.
Tiềm năng từ liệu pháp mùi hương ứng dụng trong phòng chữa bệnh, làm đẹp, khử mùi,… từ hương tinh dầu là rất to lớn. Chúng ta đang quan tâm, nghiên cứu và ứng dụng liệu pháp mùi hương đặc trưng tại cơ sở và thành quả đem lại một ngày không xa.