Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Chuyển dịch năng lượng công bằng: Từ nghiên cứu tới thực tiễn
(Ngày đăng: 04/07/2019)

Đó là chủ đề hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tiền Giang tổ chức ngày 28-6-2019 tại khách sạn MeKong (Tiền Giang). Tham dự hội thảo có Ban Hợp tác quốc tế (Liên hiệp Hội Việt Nam), Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID), TS. Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch Liên hiệp Hội Tiền Giang, đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hội 8 tỉnh, thành khu vực phía Nam cùng các chuyên gia, diễn giả đến từ Trường Đại học Cần Thơ và các quốc gia Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Nam Phi, …
TS. Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch Liên hiệp Hội Tiền Giang phát biểu khai mạc Hội thảo.

 

          Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khang nhấn mạnh khái niệm “Chuyển dịch công bằng” và “Phát triển năng lượng bền vững” đồng nghĩa với việc giảm nhẹ các rủi ro phát sinh trong quá trình chuyển dịch; không chỉ quan tâm đến các vấn đề môi trường, mà còn cả vấn đề việc làm của người lao động cũng như cộng đồng có khả năng bị ảnh hưởng bởi các hoạt động sản xuất năng lượng. Vì vậy, chuyển dịch công bằng đang là xu hướng tiếp cận được nhiều quốc gia quan tâm thúc đẩy.

 

Diễn giả thảo luận và trả lời câu hỏi của đại biểu.


           Chuyên gia Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Green ID (Liên hiệp Hội Việt Nam) giới thiệu tóm tắt về dự án “Nghiên cứu mô hình chuyển đổi năng lượng sạch đảm bảo công bằng đối với người lao động và cộng đồng địa phương”; trong đó, dự án đã chỉ ra những lợi ích, thách thức của chuyển dịch công bằng cùng sự chấp thuận của xã hội và vấn đề sinh kế của cộng đồng bị ảnh hưởng… Các diễn giả gồm có bà Manuela Matthess (Viện Chính sách năng lượng và Môi trường quốc tế - FES Berlin), bà Yvonne Blos (Giám đốc Chương trình Biến đổi khí hậu và Năng lượng tại FES Việt Nam) và ông Bobby Peek (Giám đốc Ground Work Nam Phi) đã chia sẻ về những cơ hội, thách thức, những kinh nghiệm cũng như những bài học rút ra trong quá trình thay đổi cấu trúc và chuyển dịch năng lượng công bằng ở Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Nam Phi. Trong đó, những cơ hội do quá trình chuyển dịch mang lại là: An ninh năng lượng được đảm bảo tốt hơn; giảm tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho hộ dân chưa có điện ở vùng sâu, vùng khó khăn… Những thách thức có thể là: Nhu cầu sử dụng đất lớn có thể dẫn đến xung đột; vấn đề đảm bảo sinh kế, việc làm cho khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án nhiệt điện, than; việc đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình chuyển dịch có thể gặp khó khăn… Về kinh nghiệm, để chuyển dịch thành công, cần coi trọng mối quan tâm của cộng đồng địa phương và khu vực; cần huy động sự tham gia của những nhóm người bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu…

 

 

Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.


          PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) trình bày khái quát quá trình phát triển năng lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, ông thông tin về một số mô hình thí điểm sử dụng hệ thống điện mặt trời được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp như: Hệ thống quan trắc nước theo thời gian thực ở tỉnh Trà Vinh; giàn tấm thu năng lượng mặt trời để bơm nước tưới ruộng ở tỉnh Bến Tre…PGS.TS. Lê Anh Tuấn cũng đề xuất một số chính sách hỗ trợ để phát triển hệ thống điện mặt trời, nhất là ở khu vực nông thôn.


           Các chuyên gia, diễn giả cũng dành thời gian thảo luận và giải đáp nhiều câu hỏi của đại biểu về những thuận lợi và trở ngại đối với xu hướng phát triển năng lượng tái tạo; vấn đề trợ giá khi chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo; vấn đề quy hoạch, chính sách ưu đãi để phát triển năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sử dụng năng lượng mặt trời…

 

Huỳnh Văn Xĩ
Tin liên quan