Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm phát sinh hiện tượng mùa nắng nóng kéo dài gây thiệt hại không nhỏ đến sự phát triển của vườn cây ăn trái. Để đối phó với thời tiết khắc nghiệt này, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã đề xuất giải pháp giúp cây trồng chống chịu nắng hạn hiệu quả. Xin giới thiệu đến quý đọc giả và bà con nông dân trồng cây ăn trái tham khảo. | |
Cần xác định nguồn nước tưới, gồm nước ngầm và nước mặt và sử dụng nước có trách nhiệm, tiết kiệm và hiệu quả. Tưới tiết kiệm nước, vừa đủ, ưu tiên nguồn nước hạn hẹp cho loại cây cần nước nhất và giai đoạn cây cần nước nhất (ra lá non, ra hoa, đậu trái, trái phát triển…). Không tưới quá nhiều nước. Nên tưới trực tiếp vào vùng hoạt động của rễ và tưới lúc trời mát, tránh tưới lúc có gió to, nắng gắt. Nên sử dụng biện pháp tưới nhỏ giọt, tưới phun nhỏ dưới tán, hạn chế thất thoát nước. Lắp đặt một hệ thống nhỏ giọt có thể giảm nước tưới 30-60% hay cao hơn và làm tăng hiệu quả tưới nước hơn 20% vì giúp giảm tổn thất nước (qua bay hơi và giảm diện tích tưới) và lao động.
Làm cho đất có đầy đủ ẩm trước khi hết mùa mưa: các biện pháp để nước mưa thấm kỹ vào đất (như đào hố trồng to và sâu, làm đất tơi xốp hơn, trồng cây theo đường đồng mức…) là chiến lược quan trọng để giảm nhu cầu tưới nước trong mùa khô. Cách nầy đòi hỏi sự chuẩn bị từ trước một cách chủ động.
Tăng cường chất hữu cơ trong đất: bón 5-10 tấn (hay nhiều hơn đến 20 tấn/ha) phân hữu cơ mỗi năm sẽ giúp gia tăng hiệu quả giữ ẩm đất và cải thiện sinh trưởng của cây rõ rệt. Nên bón thêm phân hữu cơ, phân xanh, các loại thân, lá thực vật (rơm, cỏ khô, bã mía, than bắp đậu…) đã qua ủ sơ hoặc có thể chưa ủ.
Lưu ý cây phủ đất giúp hạn chế rữa trôi, xói mòn, tuy nhiên cần cân nhắc trong trường hợp thiếu nước. Nên thay thế lớp phủ xanh bằng cách phủ đất sử dụng, sử dụng vật liệu không sử dụng nước. Nên phủ đất bằng vật liệu hữu cơ sẵn có. Có thể sử dụng tàn dư cây trồng, phụ phế phẩm hữu cơ nông trại (rơm, cỏ, than cây, vỏ cây…), phủ đất để giảm bốc thoát hơi nước từ đất, giúp giữ ẩm và chống nóng cho cây. Lớp phủ đất là bắt buộc khi nói đến tiết kiệm nước và tưới hiệu quả cho cây ăn trái. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy vào lúc khô nóng, phủ đất có thể làm đất mát 5 – 15oC. Lớp phủ đất cũng giúp gia tăng hoạt động sinh học trong đất, bổ sung chất hữu cơ cho đất khi hoai mục. Nếu không có sẵn vật liệu hữu cơ, có thể thay vật liệu sẵn có và thích hợp khác như dùng lưới che mát, bạt phủ bằng nhựa, lưới nhựa… để phủ đất dưới tán cây. Cách này nhanh và khá hiệu quả nhưng vật liệu phải mua ngoài.
Giúp cây bớt nóng, giảm bớt bốc thoát hơi nước qua thân lá và chống chịu với khô hạn. Có thể dùng lưới che mát phía trên tán cây. Có thể chọn loại cây ít cạnh tranh nước (như sử dụng độ ẩm trong đất ở tầng sâu hơn cây ăn trái, ít tiêu thụ nước…) để trồng che bóng cho cây ăn trái trong mùa khô.
Gió làm tăng lượng bốc thoát qua thân lá và làm cây héo nhanh hơn cùng với nhiệt từ nắng nóng. Trong điều kiện khô hạn, nên thiết lập những băng chắn gió bằng vật liệu như bạt, lưới che mát, lưới ngăn côn trùng hay các loại vật liệu có sẵn thích hợp khác để chắn gió cho vườn có diện tích nhỏ. Áp dụng hàng cây chắn gió cho vườn có quy mô lớn hay các trang trại. Nên chọn cây có hệ rễ mọc sâu, ít cạnh tranh nước. Tỉa cành tạo tán thích hợp, tỉa lùn hoá cây, tỉa bớt tán lá dầy đặc, tỉa thưa trái giúp cây giảm được nhu cầu nước.
Né vụ, có thể tránh cho cây ăn trái trong thời điểm khô hạn, thiếu nước tưới vì cây sẽ thiệt hại nhiều do thất thu năng suất. Ở giai đoạn ra lá non, nếu thiếu nước tưới cây sẽ thiệt hại nặng hơn so với khi cây có lá trưởng thành. Chọn các loại cây ăn trái cần ít nước tưới, nhất là những vùng có nguy cơ cao. Khi cây ra lá non, ra hoa, mang trái, nhu cầu nước sẽ gia tăng, nếu thiếu nước đột ngột cây sẽ tổn thương nặng. Do đó, nên xác định nguồn nước có đủ tưới suốt mùa khô hay không để xem có nên để cây ra hoa, nuôi trái không? Nếu không đủ nên ngăn chặn hay tỉa bỏ hoa và trái để giữ sức cho cây. Đây là trường hợp xác định cứu cây hay cứu mùa vụ của cây.
Các loại cây ăn trái ít đòi hỏi nước, có tiềm năng chịu hạn tốt như: cây mít, cây mãng cầu ta, nhãn, táo, me, thanh long, điều, xoài, xung lấy trái, chuối xiêm, sơ ri... Một khi đã lớn, chúng có khả năng chịu hạn ngắn hạn mà chỉ cần ít hoặc không cần bổ sung nước tưới. Trong các nhóm cây có múi, cây bưởi chịu hạn tốt hơn các cây khác. Nên sử dụng gốc ghép chịu hạn cho cây ăn trái để tận dụng khả năng chống hạn của chúng.
Tuỳ thực tế vùng trồng, loại cây mà áp dụng các biện pháp, không nên chỉ dựa vào một biện pháp riêng lẻ mà nên kết hợp các biện pháp thích hợp với nhau để ứng phó với khô hạn thiếu nước tưới. Biến đổi khí hậu sẽ tác động dần khắp và sâu rộng đến sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất có thể sẽ giảm dần trong khi nhu cầu gia tăng sẽ là bài toán cần phải tính đến. Các giải pháp dài hạn cần phải đặt ra cho sản xuất nông nghiệp toàn vùng không riêng cho một loại cây nào.