Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Quy tụ đội ngũ trí thức thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện (Phần 1) - Khởi sắc từ một cơ chế mở
(Ngày đăng: 26/04/2019)

Kể từ khi Quyết định số 2639/QĐ-UBND (ngày 16-9-2016) của UBND tỉnh có hiệu lực thi hành, hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tiền Giang (Liên hiệp Hội) có nhiều khởi sắc nhờ vận dụng cơ chế mở này. Trong 2 năm 2017-2018, Liên hiệp Hội thành lập Hội đồng phản biện độc lập 15 đề án, dự án quan trọng của tỉnh.
TS. Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch Liên hiệp Hội – chủ trì cuộc họp Hội đồng phản biện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020”.

 

       Các đề án, dự án Liên hiệp Hội phản biện độc lập, gồm: Dự án thí điểm “Xây dựng và khôi phục cây vú sữa Lò Rèn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”;Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng 2030”;Dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025”;Dự án “Vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025”;Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” và Đề án “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2030”…

 

TS. Nguyễn Minh Châu – Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam

có ý kiến phản biện đối với đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”.


       Theo lãnh đạo Liên hiệp Hội, kể từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2639/QĐ-UBND (ngày 16-9-2016) quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB&GĐXH) của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (thực hiện theo Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg, ngày 14-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ), hoạt động TV, PB của Liên hiệp Hội có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây. Cụ thể, hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ TV, PB&GĐXH đã được phê duyệt, Liên hiệp Hội xây dựng kế hoạch nội dung và dự toán kinh phí TV, PB&GĐXH đối với một số đề án, dự án quan trọng (có quy mô, tầm ảnh hưởng lớn) gửi Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp trong dự toán chi ngân sách nhà nước. Căn cứ vào dự toán chi ngân sách hoạt động TV, PB&GĐXH đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Sở Tài chính thông báo dự toán cho Liên hiệp Hội, Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện.


           Về nội dung và mức chi lập dự toán nhiệm vụ TV, PB&GĐXH thực hiện theo Thông tư số 11/2015/TT-TTC (ngày 29/1/2015 của Bộ Tài chính) bao gồm các nội dung chi như sau: Chi phí cho công tác chuẩn bị (xây dựng đề cương; nghiên cứu hồ sơ, tài liệu); chi phí cho hoạt động phản biện theo hợp đồng giao việc (hội thảo, tọa đàm); tổng kết hoạt động TV, PB (tổng hợp báo cáo kết quả tư vấn, phản biện) cùng một số chi phí khác. Từ nguồn kinh phí được bố trí, Hội đồng có thể chủ động mời các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín từ các trung tâm, viện, trường ở trong và ngoài tỉnh tham gia hiến kế cũng như đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, đảm bảo tính khả thi của các đề án, dự án khi được triển khai vào thực tế.


           Kỹ sư Nguyễn Văn Re – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết: Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2639/QĐ-UBND, hoạt động TV, PB của Liên hiệp Hội có sự chủ động hơn. Do được bố trí kinh phí trong dự toán đầu năm nên khi UBND tỉnh giao nhiệm vụ về TV, PB&GĐXH đối với một đề án, dự án cụ thể, Liên hiệp Hội lên kế hoạch và tiến hành các bước phản biện theo trình tự, thủ tục quy định như: Mời chuyên gia, nhà khoa học tham gia và ra quyết định thành lập Hội đồng phản biện độc lập; dự toán kinh phí phản biện; xây dựng đề cương phản biện; nghiên cứu nội dung đề án, dự án cần tư vấn, phản biện; tổ chức họp thành viên Hội đồng phản biện để lấy ý kiến đóng góp; tổng hợp, báo cáo kết quả tư vấn, phản biện đề án, dự án theo yêu cầu. Công tác tư vấn, phản biện của Hội đồng phản biện độc lập vì thế được triển khai nhanh hơn (chỉ mất từ 1-2 tuần là hoàn thành báo cáo) so với trước đây (sau khi có chủ trương phải mất thời gian làm thủ tục đề nghị bổ sung kinh phí) nên đảm bảo tiến độ do cơ quan thẩm quyền hoặc chủ đầu tư đưa ra.

 

       Theo Quyết định số 2639/QĐ-UBND, ngày 16-9-2016 của UBND tỉnh Tiền Giang, các Đề án lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội gồm có:


       1. Đề án cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội là các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức:


       a) Các đề án về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của tỉnh bao gồm các dự thảo của cơ quan, ban, ngành tỉnh trình Ban thường vụ Tỉnh ủy có liên quan đến lĩnh vực khoa học – công nghệ.


       b) Các chương trình, dự án lớn, chủ trương quan trọng của tỉnh liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức.


       2. Đề án do các cơ quan Đảng, Nhà nướcở tỉnh và huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh giao Liên hiệp Hội thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.


       3. Các đề án không quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này do Liên hiệp Hội đề xuất tư vấn, phản biện và giám định xã hội và được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.


       4. Đề án do các tổ chức (không thuộc quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều này) đặt hàng Liên hiệp Hội tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

 

 

ThS. Nguyễn Ngọc Ánh - ThS. Huỳnh Văn Xĩ
Tin liên quan