Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Nuôi cá tra ở Tiền Giang và các vấn đề môi trường cần giải quyết
(Ngày đăng: 01/03/2019)
Thực tế cho thấy nuôi cá tra theo hình thức thâm canh đã có tác động rất lớn đến môi trường do thức ăn dư thừa, chất thải dạng phân và chất bài tiết tích góp lại trong nước và nền đáy. Dưới họat động của vi sinh vật và các quá trình phân hủy, chất thải chuyển thành Amoni, Nitrate, Phosphate..., các chất khoáng đã kích thích sự phát triển của tảo dẫn đến hiện tượng nở hoa trong ao. Thêm vào đó, các độc tố phát sinh từ quá trình phân hủy chất thải trong khi nuôi và sự tàn lụi của tảo làm cho môi trường nuôi nhanh chóng bị suy thoái, các đối tượng nuôi dễ bị stress và chết do mắc bệnh, thiếu oxy hay tăng độc tính của các chất chuyển hóa.

 

Giải pháp cho vấn đề là biện pháp thay nước; như vậy, chất dinh dưỡng, tảo cùng các chất ô nhiễm đã được cho ra khỏi ao và thay thế bởi nguồn nước có chất lượng tốt hơn có tác dụng cải tạo môi trường trong ao nuôi. Nhưng giải pháp thay nước cũng không lọai bỏ được hiểm họa của chính nó. Với việc thải bỏ chất thải không được kiểm soát và quản lý trong điều kiện cơ sở hạ tầng phát triển cấp, thoát nước cho khu nuôi không được đảm bảo thì chất thải từ khâu nuôi này sẽ theo nguồn nước cấp vào khu nuôi khác. Trên cơ sở đó, để bảo vệ môi trường, hạn chế tác động từ bên ngòai biện pháp duy nhất là chất thải từ các ao nuôi thâm canh đều phải được xử lý. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ nêu lên vấn đề ô nhiễm môi trường cần báo động và các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường.

Vấn đề ô nhiễm môi trường trong nuôi cá tra thật sự như thế nào?

Các công nghệ về sản xuất con giống, thức ăn, quy trình nuôi thủy sản thâm canh ngày càng hoàn thiện, quy mô nuôi ngày càng tăng. Nuôi thâm canh được coi như là một quá trình, bao gồm một lượng lớn vật liệu được đưa vào và sau đó chỉ một lượng nhỏ vật nuôi được thu hoạch, phần còn lại được coi như là chất thải ra môi trường bên ngoài. Thức ăn công nghiệp có phần dinh dưỡng cao, đặc biệt là giàu protein, phospho sẽ là nguồn tác động mạnh mẽ đến môi trường.

Theo tính toán của các nhà khoa học chỉ khoảng 20% lượng thức ăn khô được chuyển vào thành trọng lượng cá còn lại là do dư thừa, bài tiết và đặc biệt được thải ra theo đường tiêu hóa. Theo nghiên cứu năm 2004 của các nhà khoa học Thái Lan, trên cá da trơn nuôi trong 90 ngày chỉ hấp thu được 37% hàm lượng N, 45% hàm lượng P trong thức ăn, lượng oxy sinh hóa 0,22kg BOD5/kg [1]thức ăn và khả năng phú dưỡng của tảo bằng 2-3 lần lượng thức ăn sử dụng, tất cả đều cho vào ao nuôi. Như vậy, để đạt được sản lượng trung bình khoảng 200 tấn cá/ha/vụ với hệ số chuyển đổi thức ăn FRC là 1,6 cần sử dụng tối thiểu là 320 tấn thức ăn/ha và lượng chất hữu cơ thải ra môi trường là 256 tấn/ha.

 Dưới đây là Bảng ước lượng chất thải phát sinh từ 1ha ao nuôi cá tra

 

Cách tính

Khối lượng (tấn)

Sản lượng cá

 

200

Thức ăn sử dụng

Chứa 5% N, 1,2% P, FRC=1,6

320

Chất thải phát sinh

Bằng 80% thức ăn khô

256

Chất thải dạng N

37% N được cá hấp thu

10,08

Chất thải dạng P

45% P được cá hấp thu

2,112

Chất thải dạng BOD5

0,22 BOD5 kg/kg thức ăn

64

Khả năng phú dưỡng của tảo

2-3 lần lượng thức ăn sử dụng

640-960

Như vậy, hiện nay Tiền Giang đang thả nuôi chưa đến 150 ha, nhưng nếu tương lai phát triển lên 500 ha ao nuôi cá tra, sản lượng sẽ là 100.000 tấn/vụ (200.000 tấn/năm) thì lượng chất thải tương ứng mỗi vụ nuôi  là 128.000 tấn chất thải hữu cơ; trong đó có 5.040 tấn N, 1.056 tấn P và 32.000 tấn BOD5. Con số trên là một giá trị rất lớn đối với các vùng nuôi tập trung.Với lượng nước thải trên nếu không có giải pháp hạn chế sẽ là hiểm họa đối với môi trường nước của tỉnh nói chung và đặc biệt nghiêm trọng đối với vùng nuôi cá tra. Thải lượng lớn và nồng độ các chất ô nhiễm khá cao, chất thải từ các ao nuôi cá tra đã và đang tác động rất lớn đến môi trường nước, ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến nghề nuôi mà còn tác động đến các hoạt động sinh hoạt của người dân.

Các giải pháp xử lý nước thải trong nuôi cá

Như đã phân tích ở trên ô nhiễm môi trường do chất thải từ nuôi cá tra ở mức rất cao. Với đặc tính lượng chất thải nhiều chủ yếu ở dạng dễ phân hủy sinh học trong điều kiện các khu vực nuôi cá đều nằm trong vùng nông thôn, gần các khu sản xuất nông nghiệp nên các giải pháp áp dụng để xử lý nước thải từ nuôi cá đều thiên về hướng sử dụng công nghệ sinh học tự nhiên và đơn giản.

Tại đại học Mississippi (Mỹ) đã nghiên cứu sử dụng hệ thống đất ngập nước để xử lý chất thải trong nuôi cá da trơn với tỷ lệ tương ứng sử dụng là 15,25,35% diện tích đất ngập nước so với diện tích nuôi cá cho hiệu quả xử lý Amoni từ 2-63%, NO2- 29-97%, NO3- 28-80% và Phospho 52-95%.

Tại Thái Lan các nhà khoa học đã sử dụng giải pháp nuôi tuần hoàn cá da trơn trong điều kiện thí nghiệm, bao gồm nước thải từ bể nuôi cá tra chuyển sang bể nuôi cá rô phi sau 3-7 ngày được tuần hoàn lại cho bể nuôi cá tra cho hiệu quả về kinh tế và môi trường.

Tại Việt Nam các nghiên cứu sử dụng hệ thống đất ngập nước để xử lý chất thải trong nuôi cá tra cho hiệu quả. Thử nghiệm của Đại học Cần Thơ sử dụng cách lọc nước thải qua khu đất ngập nước chảy ngầm kiến tạo cho hiệu quả xử lý khá cao. Hiệu quả xử lý trong hệ thống này là khá khả quan: BOD5 đạt 84%, TKN đạt 85% [2] và TSS [3] đạt 67-96%.

Người dân ở xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang sử dụng nước thải từ hầm nuôi cá tra để tưới cho lúa với tỷ lệ 3 ha nuôi cá sử dụng cho 51 ha lúa cho hiệu quả rõ rệt. Các thử nghiệm của người dân là một trong những hướng có triển vọng để giải bài tóan cho xử lý lượng nước thải khổng lồ phát sinh từ các hầm nuôi cá tra. Nhiều địa phương ở Cần Thơ đã sử dụng nước thải từ ao nuôi cá tra để tưới cho lúa cũng nhầm mục đích giải quyết vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, cần phải có các mô hình nghiên cứu làm cơ sở khoa học để khuyến cáo người dân sử dụng đạt hiệu quả cao về kinh tế và môi trường.

Đề xuất các giải pháp có thể áp dụng để hạn chế tác động của nghề nuôi cá tra đến môi trường

Từ phân tích hiện trạng về môi trường do ngành nghề nuôi cá tra gây ra, kết hợp với kinh nghiệm xử lý môi trường trong lĩnh vực nầy theo nguồn thông tin trong và ngòai nước, nhất là kinh nghiệm bước đầu của một số bà con nông dân ở Cần Thơ và An Giang, các khu vực nuôi cá tra của tỉnh có thể áp dụng một số giải pháp như sau:

Giải pháp quy họach

Trên cơ sở quy họach tổng thể của Bộ NN&PTNT tỉnh cần xây dựng ngay quy họach chi tiết cho vùng nuôi của địa phương mình dựa trên cơ sở điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng của các khu vực. Các khu vực nuôi cần phải được quy họach đồng bộ với hệ thống cấp nước và thoát nước riêng biệt. Với định hướng quy hoạch các khu vực nuôi cá tra sẽ nằm ven sông Tiền nên vấn đề cấp nước có thể rất thuận lợi, nhưng cần phải thật sự chú trọng đến giải pháp tiêu thoát nước thải cho các khu vực nuôi sao cho không ảnh hưởng đến nguồn nước cấp.

Giải pháp về khoa học kỹ thuật

- Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi cá tra thân thiện với môi trường, bao gồm giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) hạn chế các ảnh hưởng của thức ăn tự chế đến môi trường nước.

- Đầu tư nghiên cứu làm rõ về thành phần chất thải theo thời gian nuôi, xác định rõ tải lượng các chất ô nhiễm từ các ao nuôi trên cơ sở đó tính toán diện tích và cách thức xử lý cho phù hợp.

- Với đặc tính nước thải lớn, thành phần chủ yếu là chất dễ phân hủy sinh học, các khu nuôi nằm gần các khu sản xuất nông nghiệp nên giải pháp thủy lợi là dẫn nước thải từ khu nuôi sử dụng cho các khu sản xuất nông nghiệp sẽ có tính khả thi và phù hợp với hầu hết điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng và trình độ quản lý ở địa phương.

- Đầu tư nghiên cứu và xây dựng thử nghiệm mô hình xử lý chất thải phát sinh từ nuôi cá tra. Chú trọng đến giải pháp hồ sinh học kết hợp với cánh đồng tưới nông nghiệp; trong đó, phải làm rõ được vấn đề điều kiện áp dụng, cách thức, tỷ lệ diện tích, thời gian lưu, các vấn đề nước thải phú dưỡng, cân bằng dinh dưỡng trong nước thải khi sử dụng cho cánh đồng tưới nông nghiệp.

Tóm lại, nuôi cá tra ở ĐBSCL nói chung và ở tỉnh Tiền Giang nói riêng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, nếu phát triển như hiện nay: Các vùng nuôi thiếu quy họach, mới chỉ chú ý đến phát triển diện tích và năng suất trong nuôi trồng để thu lợi nhuận mà bỏ quên vấn đề bảo vệ môi trường thì với tình trạng này suy thoái môi trường do nuôi cá sẽ tác động đến nghề nuôi và là cản trở lớn nhất đến sự ổn định và phát triển nghề nuôi trong thời gian tới. Vì vậy, để nghề nuôi cá tra phát triển bền vững, ngay bây giờ song song với quy hoạch phát triển nghề nuôi cần phải chú trọng đến vấn đề quản lý môi trường; trong đó vấn đề đặc biệt quan trọng là nghiên cứu đưa ra các biện pháp hợp lý, có tính ứng dụng thực tiễn để xử lý được chất thải phát sinh trong quá trình nuôi cá tra./.

 

[1] BOD5: Lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra, với thời gian xử lý nước là 5 ngày ở điều kiện nhiệt độ là 20°C.

[2] TKN: Tổng Nitơ Kjeldahl.

[3] TSS: Tổng chất rắn lơ lửng - trọng lượng khô của đất bị giữ lại bởi lưới lọc.

 

 

KS Nguyễn Văn Re
Tin liên quan