Trong quá trình sản xuất lúa người nông dân thường bón phân đạm cho lúa theo kinh nghiệm của mình. Bón thiếu phân đạm sẽ cho năng suất lúa không cao; còn bón quá nhiều phân đạm sẽ gây lãng phí, cây lúa yếu, dễ đổ ngã, nhiễm nhiều sâu bệnh dẫn đến năng suất thấp. | |
Khi bón đạm vào trong đất, cây lúa hấp thu một lượng nhỏ, lượng đạm mất đi thường theo các nguyên nhân: bị rửa trôi, bị bốc hơi, keo đất giữ làm cho cây không hấp thu được. Bón đạm cho lúa càng không đúng kỹ thuật thì lượng đạm mất đi càng lớn.
Các nhà khoa học nông nghiệp Nhật Bản đã nghiên cứu và chế tạo ra một loại công cụ giúp nông dân bón phân đạm cho lúa dễ dàng và hiệu quả hơn - đó là bảng so màu là lúa. Bảng so màu lá lúa gồm 6 ngăn có màu sắc khác nhau. Từ ô số 1 đến ô số 6 màu sắc tăng dần từ màu vàng (màu của lá lúa thiếu đạm) cho đến ô số 6 có màu xanh đậm (màu lá lúa dư đạm). Theo màu sắc của bảng thì từ ô số 1 đến ô số 4 là thiếu đạm, màu xanh ở ô số 5 là đủ đạm và màu xanh đậm ở ô số 6 là dư đạm. Vì vậy căn cứ vào màu sắc của lá lúa so với bảng so màu mà bón đạm cho lúa sẽ rất dễ dàng.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ thì lợi ích của việc bón đạm cho lúa theo bảng so màu lá lúa là:
- Đây là cách bón khoa học dựa vào thực tế của cây lúa theo độ phì của đất, mùa vụ, giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.
- Tiết kiệm phân bón, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
- Giảm tác hại của sâu bệnh và đổ ngã do không có lượng đạm dư thừa trong cây.
- Giảm tác hại đến môi trường do giảm lượng đạm trong đất, nước.
Cách so màu lá:
* Từ ngày thứ 14 trở đi, cứ 7 ngày so màu lá một lần.
* Chọn lá trên cùng đã phát triển đầy đủ (không quá non, không quá già).
* Rà phần giữa phiến lá dọc theo bảng so màu để xem màu lá trùng với dảy màu mào trên bảng. Ghi nhận dảy màu đó. Nếu màu lá nằm giữa 2 dảy màu, ví dụ giữa 3 và 4 thì ghi là 3,5.
* Ghi nhận màu ở 10 lá lúa, lấy số trung bình của màu lá đám ruộng.
* không so màu trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời (chói mắt, không phân biệt rõ màu sắc), thời gian so màu tốt nhất từ 8 - 10 giờ sáng, nên giữ cố định giờ nầy cho những lần sau.
* Khi lá lúa có màu khung số từ 1 - 4 là thiếu đạm cần bổ sung đạm ngay.
Phân bón
Lượng phân các loại sử dụng theo quy trình sau:
Phân DAP: 7 - 10 ngày sau khi sạ, bón 50 kg; 17 - 20 ngày sau khi sạ, bón 50 kg.
Phân KCl: 7 - 10 ngày sau khi sạ, bón 25 kg; 35 - 40 ngày sau khi sạ, bón 25 kg.
Phân Urea: chỉ bón khi lá lúa có màu nhỏ hơn hoặc bằng 4, lượng Urea bón cho từng đợt như sau:
. Giai đoạn lúa đẻ nhánh: 60 kg/ha.
. Giai đoạn lúa làm đòng: 50 kg/ha.
Qua kết quả theo dõi ở các ruộng trình diễn cho thấy: ruộng thử nghiệm bón phân theo bảng so màu lá ít bị sâu bệnh hơn ruộng bón theo kinh nghiệm. Ruộng bón phân theo bảng so màu tiết kiệm được lượng phân đạm trung bình 30 - 40 kg/ha mà các chỉ số năng suất như số bông/m2, số hạt / bông và năng suất vẫn tương đương so với ruộng bón phân theo tập quán.
Hiện nay, Trung tâm khuyến nông ở các địa phương vùng ĐBSCL đã phổ biến tiến bộ kỹ thuật nầy đến tận tay người nông dân, đã góp phần tăng hiệu quả đáng kể cho ngành trồng lúa trong sản xuất nông nghiệp, chẳng những nâng cao hiệu quả về mặt kinh tế mà còn giảm thiểu ô nhiễm về môi trường do lượng phân đạm dư gây ra./.