Nghề nuôi lươn hiện nay đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, phù hợp với các hộ có diện tích nhỏ xung quanh nhà và tận dụng thời gian nhàn rỗi. Việc nuôi lươn thường xuyên gặp khó khăn trong phát triển mô hình do trước nay nuôi lươn phụ thuộc vào con giống tự nhiên và sử dụng thức ăn tươi sống là cá tạp. | |
Lươn thương phẩm |
Hiện nay, giống lươn tự nhiên không chủ động được do ngày càng cạn kiệt và không đảm bảo chất lượng, chỉ xuất hiện vào mùa lũ tháng 10-11 dương lịch hàng năm, ngoài ra do đánh bắt ngoài tự nhiên nên lươn bị sây xát dễ bị nhiễm bệnh, chậm lớn ; bên cạnh đó, trước đây có ít hộ dân tự sản xuất lươn giống sử dụng thức ăn là cá tạp nhưng không thành công.
Đồng thời, khi nuôi lươn trước nay sử dụng nguồn thức ăn tươi sống là cá tạp không chủ động được và thức ăn không đảm bảo yêu cầu chất lượng làm lươn thường xuyên bị lây nhiễm bệnh từ nguồn thức ăn tươi sống này, làm cho môi trường nước nuôi dễ bị ô nhiễm đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, ngoài ra việc đánh bắt cá tạp làm thức ăn còn làm cạn kiệt nguồn cá tự nhiên.
Để giải quyết những vấn đề trên, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện sáng kiến ”Sử dụng thức ăn viên trong sản xuất lươn giống bán nhân tạo và nuôi lươn thương phẩm”.
Mục đích sáng kiến giúp cho nông hộ nâng cao trình độ kỹ thuật để tự tay cho lươn sinh sản bán nhân tạo, giúp người nuôi chủ động được nguồn lươn giống nhân tạo liên tục suốt cả năm, với chất lượng con lươn giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, đặc biệt lươn giống này sử dụng được thức ăn viên khi chuyển qua nuôi thịt, đáp ứng yêu cầu của người nuôi, mang lại hiệu quả cao và dễ nhân rộng mô hình.
Những giải pháp kỹ thuật đã áp dụng:
- Khảo sát chọn điểm, chọn hộ tham gia thực hiện sáng kiến theo các tiêu chí Trung tâm Khuyến nông đưa ra.
- Hướng dẫn các hộ thiết kế hệ thống bạt cho lươn đẻ, bạt ương giống và bạt nuôi thương phẩm.
- Hướng dẫn các hộ thiết kế hệ thống xử lý nước (ao cấp và xử lý nước; bể lắng, bể lọc nước).
- Tuyển chọn lươn bố mẹ nuôi vỗ.
- Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học nhằm tạo ra lươn giống đáp ứng yêu cầu người nuôi và bảo vệ môi trường.
- Theo dõi lươn đẻ.
- Theo dõi khi lươn nở vớt lươn bột lên bạt ương thành lươn giống.
- Theo dõi, chăm sóc, phân cỡ lươn trong giai đoạn ương giống.
- Tập cho lươn giống sử dụng được thức ăn viên trong quá trình ương (thức ăn có hàm lượng đạm từ 40-44%), nhằm cung cấp giống lươn sử dụng hoàn toàn thức ăn viên cho người nuôi lươn thương phẩm.
- Nuôi lươn thương phẩm bằng thức ăn viên từ nguồn giống sản xuất này.
- Nhân rộng sáng kiến sử dụng thức ăn viên trong sản xuất lươn giống bán nhân tạo và nuôi lươn thương phẩm.
Hiệu quả của áp dụng sáng kiến: Giúp nông hộ nâng cao trình độ, có đủ kiến thức, kỹ thuật để tự tay cho lươn sinh sản bán nhân tạo sử dụng được thức ăn viên, đảm bảo chất lượng con giống cung cấp cho người nuôi đạt yêu cầu, hiệu quả.
- Sáng kiến áp dụng đã mang lại hiệu quả rõ nét nên việc tuyên truyền cho nông dân áp dụng và nhân rộng là khả thi. Các kỹ thuật áp dụng trong mô hình là những kỹ thuật đơn giản, dễ làm, dễ áp dụng nhưng cũng cần phải theo dõi chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận mới thành công.
- Các yêu cầu kỹ thuật đạt được:
+ Tỉ lệ lươn đẻ: 35,6% (Vượt 5,6 % so với chỉ tiêu ban đầu là 30%).
+ Tỷ lệ nở: 70% (Vượt 10% so với chỉ tiêu ban đầu là 60%).
+ Tỉ lệ sống ương giống: 63,07% đạt 20.400 con lươn giống (Vượt 3,07% so với chỉ tiêu ban đầu là 60%).
+ Sản lượng lươn giống thu được là 20.400 con (vượt 4.000 con so với chỉ tiêu ban đầu là 16.400 con).
+ Tỉ lệ sống lươn thương phẩm: 80%
+ Năng suất lươn thương phẩm: 2.4 tấn/100m2.
+ Lợi nhuận: 180 triệu đồng, gồm:
* Lợi nhuận 1 vụ sản xuất giống: 76 triệu đồng, vượt so với chỉ tiêu ban đầu gần 12 triệu đồng, do lượng lươn giống thu cao hơn 4.000 con.
Như vậy: 01 năm 4 hộ này sản xuất 2 vụ, lợi nhuận là gần 150 triệu đồng (hiện các hộ vẫn cho lươn đẻ tiếp tục).
* Lợi nhuận 01 vụ nuôi lươn thương phẩm: 30 triệu đồng/4.000con.
Sau khi áp dụng sáng kiến đã giúp nông dân nâng cao nhận thức và trình độ sản xuất, việc sử dụng thức ăn viên trong quá trình ương lươn giống để lươn thích nghi và quen với thức ăn viên sẽ thuận tiện cho người nuôi lươn thịt dễ chủ động được nguồn thức ăn, giúp giảm đánh bắt cá tạp làm thức ăn cho lươn góp phần hạn chế bệnh và giảm ô nhiễm môi trường; nhờ vậy sẽ tạo ra sản phẩm an toàn đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng thức ăn viên trong quá trình ương lươn giống để lươn thích nghi và quen với thức ăn viên sẽ thuận tiện cho người nuôi lươn thịt dễ chủ động được nguồn thức ăn, giúp giảm đánh bắt cá tạp làm thức ăn cho lươn góp phần hạn chế bệnh và giảm ô nhiễm môi trường; nhờ vậy đã tạo ra sản phẩm an toàn đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
- Mô hình đã giúp tận dụng thời gian nhàn rỗi cho nông dân, tạo công ăn việc làm cho nông dân. Đây là mô hình phù hợp với nông dân có ít đất sản xuất hay khu đô thị, có khả năng nhân rộng cao.
Sáng kiến áp dụng thành công đã tạo ra nguồn lươn giống sử dụng được thức ăn viên và nuôi lươn thương phẩm từ nguồn giống này đạt hiệu quả cao, không chỉ có dân địa phương quan tâm đến tìm hiểu học tập mà còn có nhiều đoàn tham quan trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập nhân rộng. Việc sản xuất ra được con lươn giống bán nhân tạo sử dụng thức ăn viên là tiền đề để nghề nuôi lươn thương phẩm phát triển và hiện nay nghề nuôi lươn đang được người dân quan tâm và phát triển trở lại.
Theo thống kê số hộ nhân rộng mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo này tại các huyện phía Tây gồm Cái Bè, Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy khoảng 8 hộ, với sản lượng lươn giống khoảng 50.000 - 80.000 con/năm, số hộ nuôi lươn thương phẩm rải rác trong tỉnh khoảng 30 hộ. Thời gian tới tiếp tục phối hợp với các ban ngành đoàn thể và tuyên truyền trên báo đài để nhân rộng mô hình.
Mô hình Sản xuất lươn giống bán nhân tạo