Khi hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển đến hình thức nuôi công nghiệp thì thật khó tránh khỏi việc sử dụng hóa chất, thuốc nhằm các mục đích khác nhau như: tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, nâng cao sức khỏe cho thủy sản nuôi, quản lý môi trường…Song, đây chính là vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người. | |
Mô hình nuôi tôm sạch ở ĐBSCL
- Ảnh hưởng trước tiên và trực tiếp chính là đến sức khỏe của những người tham gia nuôi trồng thủy sản, khi mà hàng ngày họ phải tiếp xúc với hóa chất và kháng sinh nhưng lại hầu như không có dụng cụ bảo hộ tối thiểu nào. Những ảnh hưởng diễn ra có thể họ không nhận thấy ngay tức thời mà thường kéo dài về sau.
- Việc dùng hóa chất và kháng sinh còn có thể để lại dư lượng trong cơ, nội tạng của thủy sản nuôi nên khi sử dụng các thủy sản nuôi làm thực phẩm thì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu thủy sản.
- Việc sử dụng kháng sinh để chữa bệnh cho thủy sản nuôi, sau đó nước thải từ các ao nuôi sẽ được xả ra sông, biển sẽ làm cho các kháng sinh có cơ hội tiếp xúc với các vi khuẩn gây bệnh với nồng độ thấp. Đây chính là mối nguy cho hiện tượng kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh ở người và động vật trên cạn.
Do đó, để hạn chế những tác động nêu trên, người nuôi thủy sản cần quan tâm thực hiện những vấn đề sau đây:
1. Không nên xem hóa chất, kháng sinh trị bệnh là phương án đầu tiên khi phải trị bệnh mà phải cho rằng đây là phương sách cuối cùng sau khi thực hiện việc tối ưu hóa các điều kiện môi trường, dinh dưỡng và vệ sinh.
2. Cần trang bị kiến thức về an toàn lao động và dụng cụ bảo hộ cho những người trực tiếp sử dụng hóa chất, kháng sinh trong hoạt động nuôi thủy sản.
3. Không nên sử dụng kháng sinh để phòng bệnh vì như thế dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, đe dọa đến hiệu quả lâu dài của thuốc.
4. Cần lựa chọn những loại thuốc ít tồn lưu trong môi trường, ít ảnh hưởng đến vật nuôi và có thời gian loại thải ngắn thông qua những thông tin sẵn có về sản phẩm.
5. Cần sử dụng các chất kháng khuẩn có hiệu quả nhưng phổ tác dụng càng hẹp càng tốt để hạn chế tình trạng kháng thuốc ở các vi sinh vật khác.
6. Cần duy trì việc ghi chép về việc sử dụng hóa chất, thuốc (các chất đã sử dụng, liều lượng, lý do sử dụng, kết quả sử dụng, thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch).
7. Không xả thải vào môi trường bất kỳ lượng nước có chứa dư lượng hóa chất, kháng sinh với nồng độ có khả năng gây hiệu quả sinh học bất lợi, phải làm giảm nồng độ này hoặc loại bỏ dư lượng hoặc gia tăng thời gian lưu giữ.
8. Thực hiện tốt việc quản lý cộng đồng trong từng vùng nuôi để giảm rủi ro trong việc ô nhiễm nguồn nước cung cấp do các dư lượng hóa chất, kháng sinh và các vi khuẩn kháng thuốc./.