Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Súng thần công trong bảo vệ thành Định Tường
(Ngày đăng: 27/09/2018)

Tiền Giang là một tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Trong suốt bề dày lịch sử, nhân dân đã làm lên những kỳ tích oai hùng trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhân dân Tiền Giang sớm có truyền thống đấu tranh chống áp bức và giặc ngoại xâm. Năm 1785, nhân dân Tiền Giang cùng nghĩa quân của anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm tại Rạch Gầm - Xoài Mút.
Súng thần công phát hiện tại Tp. Mỹ Tho

 

Khi thực dân Pháp xâm lược Nam kỳ, Tiền Giang là nơi có nhiều ngọn cờ tập hợp nhân dân đứng lên khởi nghĩa: Trương Định (1861- 1864), Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (1861- 1875), Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều (1861- 1866), Tứ Kiệt (1868- 1870)…Các cuộc khởi nghĩa đã làm cho quân xâm lược bị nhiều tổn thất nặng nề, góp phần cho công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước trong cuối thế kỷ XIX.

Trong các cuộc khởi nghĩa ấy, ngoài lòng nồng nàn yêu nước, tinh thần quả cảm, sáng tạo của các thủ lĩnh và nhân dân còn kể đến các loại vũ khí tuy thô sơ nhưng đã làm lên kỳ tích oai hùng. Để chứng minh cho điều đó, hiện tại Bảo tàng Tiền Giang còn lưu giữ và trưng bày khá nhiều các loại vũ khí như: Gươm, giáo, mũi tên, mũi giáo…Đặc biệt, trong đó có bộ sưu tập súng thần công gồm 07 khẩu trong bảo vệ thành Định Tường.

 Trong những năm 1983- 1992, Bảo tàng Tiền Giang đã sưu tầm, tiếp nhận được 07 khẩu tại 2 bờ sông và dưới lòng sông  Bảo Định (đoạn tiếp giáp vàm ngã 3 giữa sông Bảo Định và sông Tiền dài trên 1 km), gồm 2 nguồn:

   *  Súng được phát hiện trong quá trình khảo sát, sưu tầm của cán bộ Bảo tàng bên 2 bờ sông Bảo Định. Do dòng chảy thay đổi và sự xoáy mòn của các lớp đất bùn phù sa, khi nước rút đã lộ ra 05 khẩu nằm dọc hay thẳng đứng, được khai quật đem về Bảo tàng.

   *  Trong quá trình một số ngư dân và người dân đi mò phế liệu đã phát hiện 02 khẩu súng thần công và trục vớt lên báo cho các cơ quan hữu quan,  sau đó được giao lại cho Bảo tàng cất giữ để nghiên cứu, trưng bày.

Súng có hình trụ và được chia làm 3 phần rõ rệt gồm: nòng súng, bầu và chuôi súng, có kích cỡ:

  

Tất cả súng đều được cấu tạo thành nhiều khoang với các gờ nổi nhỏ không đều nhau bao quanh thân. Bầu súng có hai tai trống đặt tiết diện tròn đối xứng nhau, được gọi là trục quay và đỡ súng khi đặt trên bệ. Sát phần đuôi có một lỗ nhỏ hình tròn, đường kính khoảng 1cm, đây là lỗ tiếp lửa để kích nổ.

Theo tư liệu lịch sử ghi lại: Súng thần công khi bắn, đầu tiên quân lính phải luồn dây ngòi qua lỗ châm ngòi vào trong khối hậu, rồi nhồi thuốc thật chặt vào trong khối hậu, tiếp đến cho đạn vào nòng, sau đó đánh lửa châm ngòi, ngòi cháy dẫn lửa vào khối hậu đốt thuốc nhồi, thuốc nhồi cháy phát sinh năng lượng tống viên đạn ra khỏi nòng súng. Quá trình từ khi luồn dây ngòi đến khi tống được viên đạn ra khỏi nòng súng phải mất vài phút, nhiều khi súng không nổ "lúc nổ, lúc không" nên được gọi tên là "Ông Cà Lăm".

Căn cứ số hiện vật phát hiện được tại thực địa cũng như các tài liệu lịch sử thì năm 1792 ngay tại lỵ sở của dinh Trấn Định, thành Định Tường được dựng lên. Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức miêu tả: Thành có dạng hình vuông, chu vi 998 tầm, tả hữu hai cửa, mỗi cửa có một cái cầu treo; hào rộng 8 tầm sâu 1 tầm, bốn mùa nước ngọt, có nhiều cá tôm, dưới cầu có dòng nhỏ để thông với sông lớn Mỹ Tho. Ngoài hào có lũy đất, có cạnh góc lồi lõm như hình hoa mai. Mặt trước từ chân lũy 300 tầm đến phía trong đồn Đại Giang. Kho gạo, kho thuốc súng, quân trại súng lớn sẵn sàng đầy đủ. Mặt sông rộng lớn. Năm giáp Dần, đặt đại bác ở trên đồn bắn thử sang đối ngạn xa đến 10 dặm, cây rừng đều đổ nát, sức đạn đó mạnh như thế.

Khi Pháp tấn công tỉnh Định Tường, ngày 12 tháng 4 năm 1861, biết không giữ nổi thành, Tuần phủ Nguyễn Hữu Thành đã ra lệnh tiêu hủy toàn bộ kho tàng, vũ khí, tài liệu, dinh thự (trong đó có các khẩu súng thần công) rồi cùng với Phó đề đốc Đặng Đức thu gom  rồi rút quân về Vĩnh Long trước khi Pháp chiếm được thành. Như vậy có thể khẳng định số súng thần công trên dùng để bảo vệ thành Định Tường từ khi xây dựng thành năm 1792 cho đến khi Pháp tấn công đánh chiếm Định Tường năm 1861.

Tóm lại: Bộ sưu tập súng thần công hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Tiền Giang, đã được sử dụng vào bảo vệ thành Định Tường chống quân xâm lược của nhân dân Tiền Giang vào thế kỷ XVIII- XIX./.

 

Ths. Nguyễn Mạnh Thắng
Tin liên quan