“Xây dựng đơn vị đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang” là giải pháp sáng tạo của Bác sĩ Huỳnh Phương Minh cùng các đồng nghiệp công tác tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm (ĐKTT) Tiền Giang. Giải pháp này được trao giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XII (2016-2017). Giải pháp này có thể áp dụng trong chẩn đoán và điều trị cho các bệnh nhân bị đột quỵ ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. | |
Tại Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang, hàng năm số lượng bệnh nhân nhập viện do đột quỵ khá cao và năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2009 có 1.511 bênh nhân bị đột quỵ, trong số đó nhồi máu não chiếm tỷ lệ 72% và xuất huyết não chiếm tỉ lệ 28%, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân đột quỵ trong năm 2009 là 19% (288 bệnh nhân). Giải pháp xây dựng đơn vị đột quỵ (ĐVĐQ) nhằm cải thiện chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, gia tăng khả năng hồi phục cho bệnh nhân; giảm tỷ lệ các biến chứng, giảm di chứng đột quỵ, tăng tỷ lệ bệnh nhân sống độc lập sau đột quỵ; phòng ngừa, giảm bớt tỷ lệ mắc bệnh và tái phát.
Giải pháp này bước đầu mang lại kết quả khả quan, giảm được 3% tỷ lệ tử vong (năm 2010 là 16%, năm 2011 là 15,6%, so với năm 2009 khi chưa có ĐVĐQ là 19%), tỷ lệ hồi phục sau 3 tháng tăng dần qua các năm: năm 2009 là 43,7%, năm 2010 là 45,1%, năm 2011 là 48,3%.
Hoạt động của ĐVĐQ như sau:
- Nhận bệnh nhân đột quỵ mới khởi phát.
- Trong 3 ngày bệnh nhân được chẩn đoán xác định và đề ra hướng điều trị. Có 02 bác sĩ nội thần kinh của ĐVĐQ được phân công đến khám bệnh nhân thường xuyên.
- Quy trình theo dõi và xử lý: Theo dõi trên màn hình (monitor) huyết áp và tim mạch trong 24 giờ để phát hiện rối loạn nhịp tim không thường xuyên, đặc biệt là rung nhĩ cơn; Khảo sát bước đầu tìm các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân; Khởi đầu điều trị đặc hiệu và điều trị hỗ trợ cần thiết; Chăm sóc, dinh dưỡng; Tập vật lý trị liệu sớm ngay khi tình trạng cho phép.
Ngoài ra, giải pháp còn giáo dục, phổ cập kiến thức về đột quỵ cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh và chuẩn bị cho bệnh nhân điều trị tiếp sau xuất viện, tái hòa nhập cộng đồng và phòng ngừa tái phát.
Việc thành lập ĐVĐQ đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho người bệnh cũng như theo kịp những tiến bộ trong điều trị đột quỵ, đặc biệt là dùng thuốc điều trị tiêu huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não, mở sọ giải áp đã cứu sống bệnh nhân xuất huyết não, hồi phục chức năng thần kinh của bệnh nhân mau hơn, có trường hợp hồi phục gần như hoàn toàn. Đây là ĐVĐQ đầu tiên thuộc bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được tổ chức một cách có hệ thống, có sự phối hợp chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa, và là tiền đề cho các bệnh viện đa khoa trong tỉnh áp dụng mô hình tùy theo điều kiện của đơn vị.
Giải pháp đã mang lại những hiệu quả nhất định như:
Về kỹ thuật: Giải pháp áp dụng những tiến bộ mới trong điều trị, chăm sóc đột quỵ, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, vốn kiến thức cho nhân viên y tế. Tích lũy nhiều kinh nghiệm trong chiến lược điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Hiệu quả điều trị rất cao khi thành lập ĐVĐQ với những trang thiết bị thiết yếu, sẵn có tại đơn vị.
Về kinh tế: Tăng tỷ lệ hồi phục, tỷ lệ sống còn, sống không lệ thuộc, điều này đồng nghĩa với việc hạn chế gánh nặng cho gia đình, giảm được số người chăm sóc bệnh. Từ đó, góp phần giảm nhẹ chi phí, giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng đến nhân lực lao động cũng như nguồn thu nhập cho gia đình và xã hội.
Theo tính toán, sau 2 năm áp dụng ĐVĐQ, tỷ lệ tử vong giảm được hơn 3% (tương đương cứu sống 10 người) và tỷ lệ bệnh nhân hồi phục sau 3 tháng là 48%, tăng 5% so với trước đây (tương đương 600 người). Đối với người bệnh được cứu sống thì không thể quy đổi giá trị bằng tiền; còn đối với người bệnh hồi phục thì giảm được ít nhất 600 người chăm sóc cho bệnh nhân; đồng thời những người hồi phục này có khả năng lao động sản xuất để tạo kinh tế cho gia đình. Nếu tính bình quân 1 ngày làm công là 100 ngàn đồng thì số tiền tiết kiệm được cho xã hội khoảng 1,8 tỷ đồng/tháng. Nếu tính trong thời gian dài thì số tiền này sẽ rất lớn.
Về xã hội: Khi người bệnh bị đột quỵ được điều trị phục hồi hoặc giảm di chứng, điều này giải tỏa tâm lý mặc cảm sống dựa vào người khác, gánh nặng cho gia đình của người bệnh. Qua đó, giúp nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh cũng như cách chăm sóc, dự phòng bệnh đột quỵ. Tạo niềm tin của người dân đối với ngành y tế nói chung và y tế tỉnh nhà nói riêng.
Về khả năng áp dụng:
Giải pháp dễ chuyển gia, áp dụng. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện có trang thiết bị thiết yếu, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn, điều dưỡng đầy đủ và nhiệt tình với nhiệm vụ được giao sẽ xây dựng được ĐVĐQ tại đơn vị mình./.