Di tích khảo cổ Óc Eo- Gò Thành (ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Sau 3 năm (1988- 1990) khai quật đã phát hiện được dấu vết của di tích cư trú, di tích kiến trúc và di tích mộ táng. Đặc biệt, thông qua di tích mộ táng đã đem lại nhiều kết quả thú vị về tập tục chôn cất của người Phù Nam xưa tại Tiền Giang. | |
Một số mảnh vàng phát hiện tại mộ cổ Óc Eo - Gò Thành |
Mộ 88GT-M1 (Mộ khai quật năm 1988 tại Gò Thành- Mộ số 1) có dạng vuông (2,3m x 2,3m), bờ miệng thành dày 0,5m, vách huyệt xây bằng 38 lớp gạch (gạch có 2 kích thước: 23cm x 12cm x 6cm và 33cm x 18cm x 8cm), sâu 3m. Trong lòng huyệt mộ, dưới cùng là nền đất sét nện có lẫn gạch cháy và than tro, phía trên là lớp đất sét màu xám xanh trộn lẫn với đá cuội nhỏ, tiếp lên lại có một lớp đất sét màu tím xanh, rồi đến lớp cát màu xanh xám, chính giữa lớp cát này có 4 thanh gỗ (dài 48 cm x rộng 15,5cm x dày 6cm) xếp chồng lên nhau (2 thanh trên, 2 thanh dưới) theo hình chữ thập có lỗ trống vuông ở chính giữa, rộng 6cm. Từ bề mặt của 4 thanh gỗ lên đến lớp gạch thứ 3 cách bờ miệng mộ được lấp đất sét màu xám tro có lớp gạch vỡ và 8 viên gạch nguyên (33cm x 18cm x 8cm); Hiện vật chôn trong mộ gồm 2 mảnh vàng mỏng có kích thước nhỏ tìm thấy dưới lỗ vuông xếp bằng 4 thanh gỗ trong lớp cát màu xanh xám của trung tâm ngôi mộ.
Mộ 88GT-M2 có dạng hình vuông (3,2m x 3,2m), sâu 2,84m, tường vách huyệt mộ dày 0,34m, được cấu tạo bởi 2 phần:
+ Phần trên từ mặt xuống đến độ sâu 0,46m, tường vách được xây bằng hợp chất đá cuội màu trắng xám, gạch vỡ và cát có chất kết dính giống như được đổ bê tông.
+ Từ độ sâu 0,46m xuống đến đáy, tường vách được xây bằng gạch cỡ lớn (33cm x 18cm x 8cm) tạo thành 4 bức tường thẳng đứng.
Đất lót nền phía dưới cùng là loại đất sét màu xanh xám lẫn với đá cuội màu trắng xám, tiếp đến là một sàn gạch được xây dày 2 lớp. Ở lớp trên, chính giữa sàn gạch chừa một lỗ vuông rộng bằng nửa viên gạch, phía trên được đậy bằng một viên gạch nguyên, trong lỗ vuông có 1 mảnh vàng tròn chạm hình bông sen. Trên sàn gạch được lấp cát màu xám. Trên lớp cát, xung quanh 4 vách tường của huyệt mộ được xây nổi thêm 10 lớp gạch, các viên gạch được xếp theo hình dọc, có một đầu áp sát vào vách huyệt, tạo thành hình khối trụ cao 1m nằm khoảng giữa lòng huyệt mộ, trên khối trụ có 4 thanh gỗ xếp thành hình vuông hở 4 góc (mỗi thanh gỗ: dài 68cm x rộng15,5cm x dày 6cm), bên trên được lấp cát màu xanh xám lẫn đá cuội dày 1,43m đến ngang phần độ sâu 0,46 m cách bề mặt huyệt mộ, cuối cùng từ độ sâu 0,46m đến bề mặt của phần vách được nện đất sét pha cát lẫn gạch vụn.
Mộ 88GT-M3 có dạng hình giếng vuông có mỗi cạnh 2,25m, tường vách huyệt mộ sâu 2,36m, bờ vách được xếp bằng một hàng gạch theo chiều dọc, dày 0,5m, giữa cá lớp gạch được gắn kết với nhau bằng cát màu xám có chất kết dính.
Dưới cùng huyệt mộ là đất đắp màu xám xanh được trộn lẫn với đá cuội có kích thước khá lớn (từ 15- 20cm). Trên bề mặt, chính giữa nền đất đắp có 4 viên gạch xếp thành hình gần vuông, ở giữa có lỗ vuông. Trong lỗ vuông có chứa một mảnh vàng cắt hình bông sen, một mảnh gốm thô màu xám nâu và một ít than tro. Trên hình vuông bằng gạch và phía trên nền đất lót được lấp cát màu xám tro có dấu vết của những mẫu đồng mục nát. Trên lớp cát, có mặt bằng hình tứ giác được xếp bằng 6 tảng đá hoa cương hạt thô, màu xám, có dạng hình khối chữ nhật bằng phẳng (mỗi tảng có kích thước: 51cm x 25cm x 12cm). Xung quanh bên ngoài mặt phẳng hình tứ giác, dọc theo 4 vách của huyệt mộ có xây nối thêm 2 lớp gạch theo chiều dọc (dày 16cm), 2 rìa cạch của mặt phẳng hình tứ giác xếp bằng đá ở độ sâu 1,36m cách bề mặt huyệt mộ và một bức tường hình chữ I gồm 17 lớp gạch. Từ mặt bằng đá lên đến mặt huyệt mộ được lấp bằng gạch vỡ và nguyên. Trong lớp gạch này phát hiện một pho tượng nam thần bằng đá bị gãy đầu và cả chân tay.
Mộ 89GT-M1 có dạng hình giếng vuông, mỗi cạnh rộng 2,2m, vách huyệt được xây bằng 35 lớp gạch sâu 2,5m. Xung quanh trong lòng huyệt mộ được nện bằng gạch vụn màu đỏ tạo khoảng giữa có dạng hình tròn, đường kính rộng khoảng 1m. Trong lòng đường tròn được lấp bằng cát màu trắng xám. Hiện vật chôn theo gồm 4 mảnh vàng lá hình vuông có chạm hình voi nằm ở giữa 4 bờ vách sát đáy mộ.
Mộ 89GT-M2, M3, M4: Huyệt mộ được phát hiện đều có dạng hình vuông, mỗi cạnh rộng từ 2m đến 2,2m, vách huyệt mộ không xây bằng gạch. Cấu trúc bên trong huyệt mộ là một khối trụ được xây vuông vắn bằng gạch, phía trên gạch xây theo dạng xiên. Ở chính giữa là hộc hình tứ giác ăn thông từ trên bề mặt xuống đáy, trong hộc được lấp đầy gạch vỡ và cát màu xám. Hiện vật chôn theo gồm những mảnh vàng nhỏ (19 mảnh ở mộ M2; 1 mảnh trong M3 và 31 mảnh ở M4), tất cả các mảnh vàng nằm ở phía giữa lớp gạch thứ 2 và 3 của hộc xây từ dưới lên.
Mộ 89GT-M5: được phát hiện ở độ sâu 0,8m so với bề mặt. Mộ có hình vuông, mỗi cạnh rộng 2m. Trong lòng huyệt mộ có cấu tạo từ trên xuống gồm 4 lớp gạch vỡ đến sàn gạch nguyên và dưới cùng là lớp đất sét pha cát màu xám có lẫn than tro. Ở giữa lớp đất sét pha cát có chôn theo 2 mảnh vàng lá nhỏ.
Mộ 89GT-M6: Huyệt mộ được xây theo dạng hình giếng vuông, mỗi cạng rộng 2m. Vách mộ được xây bằng 9 lớp gạch, sâu 0,6m. Phía trên, trong lòng huyệt được lấp một lớp than tro dày 0,25m, phía dưới được lấp bằng đất sét pha cát màu xám có lẫn than tro. Hiện vật chôn theo gồm 1 bông tai nhỏ bằng vàng có đính hình hoa 4 cánh và 2 mảnh vàng lá rất nhỏ.
Mộ 89GT-M7: được phát hiện ở giữa một khối kiến trúc bằng gạch khá bằng phẳng. huyệt mộ được xây dạng gần vuông (có 2 cạnh rộng 3,35 m và 2 cạnh rộng 3,15m), rộng ở phía trên và hẹp dần xuống dưới, vách huyệt được xây bằng gạch xiêu lệch vào trong, tạo kiến trúc hình “kim tự tháp” ngược. Xung quanh trong lòng mộ được tấn đầy gạch vỡ, chính giữa có hộc vuông ăn thông từ trên xuống. Trong lòng hộc vuông được lấp đầy gạch vụn và cát màu xám. Hiện vật chôn theo gồm 8 mảnh vàng hình vuông có chạm hình voi nằm ở 4 góc và ở giữa 4 cạnh của vách mộ, 2 mảnh vàng hình lá dài và 3 mảnh vàng nhỏ nằm trong lớp gạch thứ 3 và 4 của hộc gạch xây ở trung tâm mộ.
Mộ 89GT-M8: phía trên phần mặt mộ có gạch xếp hình chữ thập, đây là loại mộ có bề mặt phẳng. Huyệt mộ có dạng hình giếng vuông, mỗi cạnh rộng khoảng 2,2m, vách mộ được xây bằng một lớp gạch sâu 3m. Xung quanh trong lòng huyệt được tấn bằng nhiều lớp gạch vỡ và đá cuội thạch anh có kích thước lớn lẫn với cát màu xám. Ở chính giữa mộ xây hộc hình vuông ăn thông từ trên xuống, trong lòng hộc được lấp gạch vỡ và cát màu xám. Hiện vật chôn theo gồm 6 mảnh vàng lá hình vuông có chạm hình voi, 2 mảnh vàng lá hình chữ nhật dài và 12 mảnh vàng lá nhỏ nằm lẫn trong lớp gạch xây hộc ở trung tâm. Ngoài ra còn có 13 mảnh vàng lá nhỏ nằm ngay dưới 13 viên gạch xếp thành hình chữ nhật nằm ngay cạnh kiến trúc mộ.
Mộ 89GT-M9: Mộ là khối kiến trúc hình tứ giác được xây bằng gạch, huyệt mộ lớp gạch, sâu 1,5m. Xung quanh trong lòng huyệt được xây bằng gạch nguyên. Ở chính giữa có hộc hình khối trụ vuông thông từ trên xuống. Trong lòng hộc được lấp toàn gạch vỡ và cát màu xám. Trong mộ chỉ có 1 mảnh vàng lá nhỏ.
Theo tiến sĩ Đào Linh Côn và Nguyễn Duy Tỳ - Trung tâm Khảo cổ học - Viện Khoa học xã hội (nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) tại TP. Hồ Chí Minh (chủ trì cuộc khai quật) nhận định: Sau các đợt khai quật di chỉ khảo cổ Gò thành đã phát hiện 12 ngôi mộ thuộc hai loại hình mộ gò và gò mộ. Tất cả các ngôi mộ đều có huyệt vuông, được chôn trên một gò đất đắp lớn. Gò đắp được xử lý một cách phức tạp để chống nước ngầm, nước mội nhằm bảo vệ phần mộ ở trung tâm. Đây là loại mộ hỏa táng nên di cốt chỉ còn lại dưới dạng than tro. Hiện vật chôn theo mang tính chất nghi thức và thường là những mảnh vàng lá được chạm khắc khá công phu.
Qua phân tích bằng C14 (Các-bon 14) một số mẫu vật tại di tích khảo cổ Gò Thành có niên đại từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII sau công nguyên
Hiện di tích khảo cổ Gò Thành đã được công nhận là di tích Quốc gia (năm 1994) để phục vụ khách tham quan và nghiên cứu lịch sử - văn hóa của cư dân cổ thuộc văn hóa Óc Eo ở Tiền Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung./.