Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) được thành lập gần 10 năm, đời sống người dân nơi đây từng bước được cải thiện nhờ sự định hướng đúng đắn của các ngành chức năng. Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện đã không ngừng xây dựng các mô hình, các nguồn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, bước đầu đã hỗ trợ nhiều gia đình chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. | |
Hội LHPN huyện Tân Phú Đông có hơn 8.600 hội viên đang tham gia sinh hoạt ở các hội, chi tổ hội phụ nữ cơ sở. Điểm nổi bật ở Hội LHPN huyện là việc duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt, họp định kỳ hàng tháng, đây là dịp để chị em hội viên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của nhau, từ đó động viên, có hình thức giúp đỡ kịp thời. Cũng chính những buổi họp định kỳ mà nhiều nguồn vốn, nguồn quỹ được đề xuất thành lập, hỗ trợ cho những chị em hội viên khó khăn có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Dựa vào thổ nhưỡng của vùng, nhiều chị em phụ nữ đã sử dụng các nguồn vốn của phụ nữ để chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng sả hay cây mãng cầu xiêm. Với năng suất mãng cầu xiêm bình quân đạt 30 - 35 tấn/ha, giá luôn duy trì ở mức cao, nhiều chị em đã thoát nghèo bền vững nhờ cây mãng cầu xiêm, có nhiều điều kiện tham gia cùng các hoạt động của hội phụ nữ cũng như hoạt động khác tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Thanh Loan, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn xoay vòng không tính lãi của chị em phụ nữ, gia đình tôi có thêm kinh phí chăm sóc mãng cầu xiêm, số vốn tuy không nhiều nhưng biết cách sử dụng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ được chăm sóc tốt, mãng cầu xiêm đã cho trái vụ đầu tiên. Dự kiến, vụ trái sau thì gia đình tôi có thể sẽ hoàn vốn lại cho chị em và có thể giúp đỡ lại cho những chị em khó khăn khác cùng nhau phát triển kinh tế gia đình”.
Bên cạnh đó, Hội phụ nữ các cấp của huyện còn thành lập các tổ như: Tổ bó chổi, se nhang, đan lát, đan dây nhựa….bước đầu tập hợp được chị em phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương cùng tham gia. Nhiều chị em phụ nữ chăm con nhỏ, buôn bán tạp hóa, người cao tuổi cũng có thêm thu nhập từ việc tham gia các mô hình, tổ hợp tác này, góp phần giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ tại địa phương. Chị Hoàng Thị Thủy, xã Phú Tân cho biết: “Gia đình buôn bán nhỏ, cũng tương đối rảnh, ở không cũng buồn, lãnh thêm dây nhựa về đan, chịu cực làm vậy mà mỗi tháng cũng có hơn 1 triệu đồng, có thêm tiền trang trải cho chí phí sinh hoạt hàng ngày”.
Bà Trần Thị Sáu, 71 tuổi xã Phú Tân đang tỉ mỉ đan ghế nhựa chia sẻ: “Tôi già, ở nhà không làm gì có tiền, đến đây cùng mấy cháu đan ghế nhựa, được trò chuyện vừa đỡ buồn lại có thêm thu nhập. Chịu cực làm vậy mà mỗi tháng cũng được hơn 1 triệu đồng, tháng nào khỏe đan nhiều cũng được gần 2 triệu đồng, đủ trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, không làm bận lòng con cháu”.
Ngoài ra, nhiều chị em phụ nữ còn mở các điểm thu mua sả cho bà con nhân dân trong vùng, vừa giúp người trồng sả có nơi tiêu thụ ổn định, vừa giải quyết việc làm cho phụ nữ tại các chi, tổ hội với mức thu nhập ổn định, không phải đi làm ăn xa như những năm trước đây, có thêm kinh phí trang trải sinh hoạt hàng ngày, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Lan, xã Phú Đông phấn khởi chia sẻ: “Chị em phụ nữ ở huyện Tân Phú Đông bây giờ không lo thất nghiệp nữa, các chị mở điểm thu mua sả rồi thuê chị em chúng tôi làm từ công việc chặt sả ngoài đồng cho đến lặt sả thuê tại vựa. Công việc tương đối nhẹ, làm gần nhà, không phải qua đất liền xa xôi làm thuê như mấy năm trước nữa, vừa tiện chăm sóc con cái, gia đình vừa có thu nhập cao. Ngày nào sả nhiều, mỗi người làm cũng được khoảng 200.000 đồng, sống khỏe trên vùng đất cù lao Tân Phú Đông này”.
Với sự tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế bằng việc xây dựng các mô hình phù hợp, bước đầu đã tập hợp được chị em phụ nữ huyện Tân Phú Đông tham gia. Cũng nhờ các mô hình này mà đến nay sau gần 10 năm thành lập huyện, tỷ hộ nghèo giảm đáng kể, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn dưới 10%, đưa vùng đất cù lao Tân Phú Đông từng bước chuyển mình mạnh mẽ, bắt nhịp với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ở hiện tại và tương lai.
Chị Lê Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Phú Đông cho biết: “Với hiệu quả tích cực từ các nguồn vốn của chị em phụ nữ mang lại trong thời gian qua, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, đồng thời kêu gọi, tìm thêm các dự án thích nghi với sự biến đổi khí hậu để hỗ trợ cho chị em phụ nữ cùng vươn lên thoát nghèo trên vùng đất cù lao này. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả thích nghi với từng nơi để chị em phụ nữ tham quan, nghiên cứu áp dụng vào quá trình làm giàu cho gia đình mình. Tuy nhiên, quan trọng nhất, vẫn là việc chúng tôi kêu gọi chị em phụ nữ tự mình vươn lên thoát nghèo, không trong chờ, ỷ lại vào nhà nước, có như vậy chị em mới thoát nghèo bền vững được”./.