Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Thách thức của biến đổi khí hậu đến đời sống người nông dân
(Ngày đăng: 29/01/2018)

Theo nhận định của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững và các Kịch bản về biến đổi khí hậu gần đây dự đoán, Việt Nam là một trong số những quốc gia phải chịu hậu quả tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng khoảng 0,5 oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm; lượng mưa thất thường và luôn biến đổi; hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ. BĐKH thực sự đã làm cho các thiên tai liên quan đến khí hậu, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp.

 

Theo kịch bản BĐKH ở Việt Nam đến năm 2100, nhiệt độ trung bình sẽ tăng từ 1,6 - 2,4oC, nước biển sẽ dâng 75 cm đối với kịch bản trung bình và 1m đối với kịch bản cao (so với giai đoạn 1980-1999). Đối với Việt Nam, BĐKH tác động đến tất cả các vùng, miền, các lĩnh vực, trong đó tài nguyên nước, nông nghiệp, y tế - sức khoẻ, an ninh môi trường và vùng ven biển sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất. Như vậy, cho thấy nông dân - những người lao động cư trú ở nông thôn, tham gia sản xuất nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trước tiên và nặng nề bởi BĐKH.

Từ số liệu thống kê cho thấy ở Việt Nam, gần 70% dân số sống ở khu vực nông thôn và trên 50% số lao động nông thôn là lao động nông nghiệp. Hiện tại, nông dân đang phải đối phó với nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sinh kế, môi trường sống và sức khoẻ. Đó là các hiện tượng thiên tai hàng năm, dịch bệnh ở cây trồng vật nuôi, vấn đề thị trường tiêu thụ nông sản, vấn đề ô nhiễm môi trường sống từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp ở nông thôn. Nông dân cũng chưa được hưởng nhiều lợi ích từ các chính sách của nhà nước như chính sách về thu mua tạm trữ, tiêu thụ nông sản, nhập khẩu muối, vật tư nông nghiệp, bảo hiểm nông nghiệp, thu hồi đất nông nghiệp, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư. BĐKH một mặt tạo ra các thách thức mới cho nông dân, đồng thời làm trầm trọng thêm những thách thức đang tồn tại ở trên. 

1. Thách thức tới sinh kế nông nghiệp

Hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân Việt Nam hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên. Sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn chủ yếu dựa trên các hộ cá thể, quy mô nhỏ, trình độ khoa học kỹ thuật chưa cao. Những đặc điểm nầy càng làm gia tăng tính dễ bị tổn thương cho người nông dân dưới tác động của BĐKH.

Theo kết qủa nghiên cứu khoa học những tác động của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, bao gồm:

Mất diện tích đất canh tác: ven biển do nước biển dâng,do quá trình xâm thực xói lở bờ sông tăng và do mùa khô, hạn hán gia tăng. Theo kịch bản BĐKH, nếu nước biển dâng lên 1 m thì Việt Nam sẽ mất đi khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa (khoảng 50% diện tích đất trồng lúa hiện nay).

Gia tăng suy thoái đất canh tác: Tăng diện tích đất bị nhiễm mặn do nước biển dâng cao và lượng bốc hơi nước mạnh hơn; gia tăng quá trình thoái hoá đất do nhiệt độ và hạn hán tăng; gia tăng quá trình xói mòn, rửa trôi đất theo nước do lượng mưa và cường độ mưa tăng.

Gia tăng tổn thất mùa màng, giảm sản lượng cây trồng và vật nuôi do các tác động trực tiếp và gián tiếp của sự gia tăng nhiệt độ trung bình, độ bất thường của thời tiết, các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan (bảo lụt, hạn hán,…).

Như vậy, BĐKH sẽ làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng các chi phí cho công tác phòng chống dịch bệnh, gia tăng các chi phí đầu vào cho sản xuất. Theo dự đoán, vào năm 2020 sản xuất vụ lúa đông xuân sẽ giảm 2,4% và 2070 sẽ giảm 11,6%, vụ hè thu sẽ giảm 4,5% vào năm 2070. Chỉ tính riêng nhiệt độ tăng, lượng mưa thay đổi thì sản lượng nông nghiệp của Việt Nam có thể giảm đến 50% và năm 2100.

Trong 10 năm qua, thiệt hại do thiên tai gây ra chiếm tới 1,5% GDP, trong đó thiệt hại cho ngành nông nghiệp chiếm 54,03%. Giá trị nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong GDP nhưng là nguồn sống của trên 70% dân số, do vậy bất cứ thiệt hại nào do tác động của BĐKH đối với nông nghiệp sẽ làm gia tăng tổn thương cho nông dân nghèo và khả năng phục hồi sẽ khó khăn hơn vì cần thêm nhiều thời gian và chi phí.

2. Thách thức tới nơi cư trú

Với Việt Nam, mực nước biển dâng sẽ đe dọa làm mất đi một vùng đất thấp rộng lớn, các hệ sinh thái của đất ngập nước của các đồng bằng lớn nhất cả nước - nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân cư, vùng có tiềm năng sản xuất nông nghiệp lớn nhất và các sinh cảnh tự nhiên của nhiều loài bản địa bao gồm cả các khu bảo tồn thiên nhiên, sinh quyển.

Nhiều vùng đất thấp ven biển, trong đó trên 80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và trên 30% diện tích đồng băng sông Hồng - Thái Bình có diện tích cao dưới 2,5 m so với mặt nước biển. Vì vậy, ở đây hàng năm phải chịu ngập lụt trong mùa mưa và hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô. Nếu nhiệt độ tăng 2oC, mực nước biển dâng 1m, có thể làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23% dân sô (khoảng 17 triệu người, chủ yếu ở 2 đồng bằng), mặn xâm nhập sẽ tác động tới khoảng 2,2 - 2,5 triệu ha, sẽ làm giảm khả năng thoát nước, làm ngập lụt 400 km chiều dài dọc sông Mê Kông và 200 km dọc chiều dài sông Hồng.

Riêng đối với đồng bằng sông Cửu Long, nếu mực nước biển dâng dự báo đến năm 2030 sẽ khiến đến 50% diện tích đất của khu vực nầy có nguy cơ bị nhiễm mặn nặng, mùa màng bị thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Nếu mực nước biển dâng 1 m, mà không có các hoạt động ứng phó, phần lớn diện tích của đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn toàn bị ngập thời gian dài trong năm và thiệt hại tài sản ước tính lên tới 17 tỷ USD. 

3. Thách thức tới sức khoẻ

Đối với con người, BĐKH gây ra thương vong và bệnh tật, nhất là những người nghèo, nông dân, thông qua:

- Hậu quả của các dạng thiên tai như sóng nhiệt (nắng nóng), rét hại, lão, lũ lụt, hạn hán…

- Do tác động của sự thay đổi nhiệt độ làm gia tăng một số bệnh.

Một cách trực tiếp về sức khoẻ, tác động của BĐKH đã làm phát sinh một số bệnh mới và gia tăng các căn bệnh thường có nguy cơ lây truyền qua vật chủ trung gian, ví dụ: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não (do muỗi truyền), qua đường nước (các bệnh đường ruột) và các bệnh khác (suy dinh dưỡng, bệnh về phổi…). Những bệnh nầy đặc biệt ảnh hưởng tới các vùng kém phát triển, đông dân và có tỷ lệ nghèo cao.

Ở Việt Nam, có 9 bệnh đã được Bộ Y tế xác định có liên quan đến BĐKH, gồm: Bênh cúm A (H1N1) hiện đang xảy ra, Bệnh cúm A (H5N1) xảy ra từ tháng 12/2003 đến tháng 9/2008; Bệnh sốt xuất huyết; Bệnh sốt rét; Bệnh tả xảy ra vào các năm 2004, 2007, 2008; Bệnh thương hàn; Bệnh tiêu chảy; Bệnh viêm não do virus; Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính (SARC năm 2003).

4. Thách thức tới các vấn đề xã hội

Thông qua các tác động tới kinh tế, môi trường và sức khỏe, BĐKH còn tác động tới nhiều vấn đề xã hội ở nông thôn. Cụ thể, suy giảm diện tích đất canh tác, thiếu lương thực, thiếu nơi ở và suy thoái tài nguyên thiên nhiên khiến nhiều người nghèo vùng nông thôn, vùng ven biển, vùng núi bị tổn thương nhiều hơn. Nam giới, những người trẻ tuổi khoẻ mạnh sẽ đi nơi khác kiếm sống (chủ yếu đến các vùng đô thị), một số ít đưa gia đình đi cùng. Do thiếu tay nghề chuyên môn nên hầu hết những người nầy là lao động tự do, làm thuê theo thời vụ hoặc làm các dịch vụ nhỏ. Thực trạng nầy dẫn tới gia tăng cạnh tranh về việc làm ở vùng đô thị, tăng thất nghiệp, tăng mật độ dân cư và do đó tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đô thị, phát sinh dịch bệnh cùng những bất ổn xã hội khác.

Việc các vùng nông thôn (đặc biệt là các vùng nông thôn ở đồng bằng, ven biển thường xuyên bị thiên tai) thiếu vắng lao động nam đã dẫn tới gánh nặng công việc gia đình đè nặng lên vai người phụ nữ và gây ra những xáo trộn về gia đình và tác động ít nhiều đến sự hình thành và phát triển nhân cách trẻ em.

                                                                          

Tài liệu tham khảo: “Hỗ trợ nông dân phát triển sinh kế trong bối cảnh biến đổi khí hậu” - Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững phổ biến.

 

 

KS. Nguyễn Văn Re
Tin liên quan